Dự án không chỉ mở ra kỷ nguyên mới cho ngành đóng tàu quân sự của cả hai nước, mà còn đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.
Tàu sân bay dài khoảng 300 mét sẽ được đóng tại Istanbul
Cú hích công nghệ từ Istanbul
Theo công bố của Cơ quan Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSB), tàu sân bay dài khoảng 300 mét sẽ được đóng tại Istanbul. Điều đáng chú ý là toàn bộ dự án tận dụng tối đa năng lực công nghệ quốc phòng nội địa của Thổ Nhĩ Kỳ, từ thiết kế khung tàu, hệ thống động cơ, radar, cho đến nền tảng điều khiển tác chiến tích hợp. Đây là lần đầu tiên một quốc gia không thuộc nhóm G7 triển khai sản xuất một tàu sân bay công nghệ cao với quy mô tương đương các cường quốc quân sự như Mỹ và Trung Quốc.
Đối tác đồng hành cùng Ankara là Navantia, tập đoàn quốc phòng hàng đầu của Tây Ban Nha. Sự hợp tác này được giới chuyên gia nhận định là liên minh công nghiệp-quân sự chưa từng có giữa hai nước thành viên NATO, mở ra mô hình phát triển quốc phòng theo hướng chia sẻ công nghệ và năng lực sản xuất giữa các quốc gia tầm trung.
Tạp chí Army Recognition đánh giá sáng kiến chung này đưa tàu sân bay tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ lên một đẳng cấp công nghệ không chỉ sánh ngang với châu Âu mà còn tiệm cận tiêu chuẩn của các hạm đội Mỹ và Trung Quốc.
Trong 20 năm qua, Ankara từng bước xây dựng nền tảng công nghiệp quốc phòng độc lập với loạt sản phẩm công nghệ cao như UAV Bayraktar TB2 và Akinci đã chứng minh khả năng tác chiến thực địa cùng xe tăng Altay sử dụng động cơ nội địa, tàu tấn công đổ bộ TCG Anadolu - mẫu thử quan trọng cho tham vọng tàu sân bay, và các tên lửa hành trình SOM.
Việc hợp tác với Tây Ban Nha được xem là bước nhảy vọt, giúp Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng từ các hệ thống vũ khí đơn lẻ sang các nền tảng tác chiến tích hợp, vốn đòi hỏi công nghệ điện tử quân sự, kiểm soát hỏa lực, tác chiến mạng và chỉ huy chiến lược ở cấp độ cao.
Dự án tàu sân bay này là hệ thống chiến đấu nổi đa lớp, tích hợp UAV trinh sát-tấn công, máy bay cánh cố định, radar chủ động AESA, hệ thống phòng không tầm gần và trung tâm chỉ huy chiến lược.. Tất cả đều đang được Ankara phát triển hoặc nội địa hóa.
Tây Ban Nha: Không tăng ngân sách quốc phòng, nhưng tăng đầu tư công nghệ
Điều nghịch lý là Tây Ban Nha, quốc gia duy nhất tại hội nghị NATO ở The Hague (Hà Lan) không cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP, nhưng lại đầu tư vào dự án quân sự tốn kém bậc nhất này.
Thay vì tăng chi ngân sách như phần lớn các đồng minh NATO, Madrid chọn con đường liên kết công nghệ với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang sở hữu dây chuyền sản xuất quốc phòng hoàn chỉnh và hiệu quả chi phí cao. Đây là một lựa chọn chiến lược để Tây Ban Nha tiếp cận công nghệ tàu sân bay hiện đại mà không cần phải đầu tư toàn bộ từ đầu.
Bên cạnh đó, bằng việc hỗ trợ Tây Ban Nha chế tạo tàu sân bay, Thổ Nhĩ Kỳ đang tạo ra ảnh hưởng mang tính hệ thống trong NATO, từ một thành viên khu vực trở thành đối tác công nghệ quân sự chủ lực. Trong khi châu Âu vẫn chia rẽ giữa các nhóm “tăng chi” và “giữ ngân sách”, Ankara chọn cách đầu tư chiều sâu, biến năng lực công nghiệp thành sức mạnh chiến lược.
Giới chuyên gia nhận định trong vòng 10 năm tới, Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành trung tâm công nghệ quân sự mới của Nam Âu, không phải nhờ ngân sách, mà nhờ khả năng sản xuất vũ khí tiên tiến trên quy mô lớn. Với hạm đội hiện đại và năng lực công nghiệp tự chủ, Ankara không chỉ bảo vệ lợi ích quốc gia, mà còn định hình liên minh quân sự theo cách riêng.
Tây Ban Nha, thông qua liên kết này, vừa tránh phải gia tăng chi phí quốc phòng trong nước, vừa tiếp cận được năng lực công nghệ mà NATO hiện được cho là không phân bổ công bằng cho tất cả thành viên.
Hoàng Vũ