Thổ Nhĩ Kỳ với tham vọng thành trung tâm khí đốt của châu Âu

Thổ Nhĩ Kỳ với tham vọng thành trung tâm khí đốt của châu Âu
16 giờ trướcBài gốc
Tàu khoan của Thổ Nhĩ Kỳ thăm dò khí đốt tại Biển Đen. Ảnh: Anadolu Agency/TTXVN
Đồng thời, tìm cách trở thành một nhà cung cấp khí đốt lớn cho châu Âu sau khi các cuộc thảo luận trước đó bị đình trệ do căng thẳng với đảo Síp.
Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại EU, ông Faruk Kaymakcı, phát biểu với Politico ngày 26/1 rằng hợp tác năng lượng sẽ trở thành trọng tâm trong chương trình nghị sự của Ankara. Đây là một phần trong nỗ lực cải thiện quan hệ, bao gồm các cuộc đàm phán thương mại và hợp tác chính trị liên quan đến các cuộc xung đột ở Đông Âu và Trung Đông.
Động thái này diễn ra khi các quốc gia thành viên EU như Hungary và Slovakia đang tìm kiếm các nguồn thay thế khí đốt của Nga sau khi thỏa thuận trung chuyển qua Ukraine chấm dứt vào đầu năm nay.
Ông Kaymakcı nhấn mạnh: "Chúng tôi có hành lang khí đốt phía Nam. Chúng tôi có 18 tỷ mét khối khí, chủ yếu từ Azerbaijan, và hoàn toàn có thể mở rộng tuyến này, kết nối với nguồn khí đốt ở Địa Trung Hải. Vai trò và tiềm năng của Thổ Nhĩ Kỳ ở đây là rất rõ ràng".
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán cấp cao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU về thương mại năng lượng đã bị đình chỉ vào năm 2019. Nguyên nhân là tranh chấp giữa Ankara và đảo Síp, một thành viên EU, về quyền khai thác khí đốt tại Địa Trung Hải.
Theo tuyên bố của Hội đồng châu Âu, các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách khai thác nhiên liệu hóa thạch trong vùng lãnh hải tranh chấp với đảo Síp. Cả đảo Síp và Hy Lạp đều có tham vọng khai thác các nguồn tài nguyên giàu có này, nhưng đã vấp phải sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ.
"Dù có tiềm năng lớn, nhưng đối thoại năng lượng giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đang bị chặn bởi các quyết định từ năm 2019. Chúng tôi coi đây là tình huống đôi bên đều thua thiệt", ông Kaymakcı nói.
Ông cũng cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một trong ba hoặc bốn tuyến động mạch năng lượng chính và việc EU sử dụng hay không là tùy thuộc vào họ.
Ông cũng cho biết, hiện chỉ có đảo Síp phản đối việc khôi phục đối thoại về vấn đề này. Các nước EU còn lại đều khẳng định họ cần thêm năng lượng và sự đa dạng hóa nguồn cung. Vì vậy, quá trình này sẽ còn tiếp diễn.
Ngoài việc trung chuyển khí đốt từ Azerbaijan và xuất khẩu các nguồn dự trữ trong nước, Thổ Nhĩ Kỳ còn nhập khẩu nhiên liệu từ Nga qua tuyến đường ống TurkStream dưới Biển Đen.
Sau khi thỏa thuận trung chuyển của Nga với Ukraine kết thúc ngày 1/1, TurkStream trở thành tuyến duy nhất để Moskva vận chuyển khí đốt sang châu Âu.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan từ lâu đã nuôi tham vọng biến đất nước mình thành một "trung tâm" khu vực về khí đốt, tích hợp nguồn nhập khẩu từ các nước láng giềng và đẩy mạnh khai thác tại vùng biển ven bờ.
"Với việc thỏa thuận trung chuyển khí đốt Ukraine-Nga kết thúc từ đầu năm nay, vai trò của TurkStream ngày càng quan trọng hơn", ông Kadri Tastan, nhà phân tích năng lượng tại Quỹ Marshall Đức ở Brussels, nhận định. Vị chuyên gia này cho rằng giá khí đốt vẫn là vấn đề với EU, nên vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ đang mạnh lên rõ rệt.
Hungary và Slovakia, vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga, khẳng định họ đang chịu thiệt hại từ việc chấm dứt trung chuyển qua Ukraine, dù Ủy ban châu Âu đánh giá điều này không gây vấn đề về nguồn cung.
Ngày 19/1, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán dọa sẽ chặn việc gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga của EU nếu Ukraine không đồng ý khôi phục tuyến trung chuyển này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 12/2024 từng tuyên bố sẽ không gia hạn việc trung chuyển khí đốt Nga. Tuy nhiên, ngày 20/1, ông Zelensky cho biết Kiev sẵn sàng vận chuyển khí đốt từ Azerbaijan qua đường ống của mình, miễn là Nga không được hưởng lợi từ thỏa thuận này.
Trong bối cảnh EU đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Nga và đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, Thổ Nhĩ Kỳ đang tận dụng cơ hội này để củng cố vai trò chiến lược của mình trong bàn cờ năng lượng khu vực.
Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo politico)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/tho-nhi-ky-voi-tham-vong-thanh-trung-tam-khi-dot-cua-chau-au-20250126232239443.htm