Những ngày này, cửa hàng sửa quần áo (số 2 Mai Hắc Đế, Hai Bà Trưng, Hà Nội) của mẹ con bà Nguyễn Thị Thúy Hòa lại tấp nập khách, shipper mang đồ đến sửa. Từ 8 giờ sáng đến 21 giờ tối, nhân viên cửa hàng làm việc luôn tay, không ngơi nghỉ.
Vừa thoăn thoắt sửa chiếc áo sơ mi trắng cho khách, vừa trò chuyện với phóng viên, bà Hòa vui vẻ nói: "Người thợ sửa quần áo giống như "bác sĩ" của quần áo". Gắn bó với nghề sửa quần áo 35 năm, bà Hòa cho biết, cửa hàng này có tuổi đời hàng chục năm và chuyên sửa chữa các loại quần áo nhưng đồ hiệu vẫn là chủ yếu.
Bà cho biết thêm, mỗi năm sẽ có 2 mùa tất bật nhất đó là dịp lễ 30/4 và dịp Tết Nguyên đán. Thời điểm ít việc nhất là vào tháng 7 và tháng 8 vì người dân có con nhỏ vào năm học mới nên cũng hạn chế mua sắm áo quần.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hòa (áo đỏ) cùng nhân viên tất bật sửa chữa áo quần cho khách ngày cận Tết.
Theo bà Hòa, công việc sửa áo quần khá vất vả, trung bình mỗi ngày nhân viên phải ngồi khoảng 12 tiếng, thu nhập khoảng 300.000 - 400.000 đồng mỗi ngày. Thời điểm này đơn hàng tăng, nhân viên càng phải dốc hết sức mới xong được việc. Càng gần Tết áp lực công việc càng lớn vì tất cả đơn hàng đều phải xong trước 29 (30 Tết) để trả cho khách.
"Nghề này đòi hỏi phải kiên trì, tỉ mỉ,... phù hợp với những người phụ nữ trung tuổi. Còn với thanh niên họ không thích nghề này vì phải ngồi nhiều, tháo gỡ lắm. Nghề này là cuộc sống của mình nhưng cũng phải yêu nghề thật. Muốn tồn tại được với nghề bắt buộc phải có đam mê. Như tôi, làm có biết ngày đêm gì đâu? Làm đến lúc nào xong sản phẩm mới thôi", bà Hòa chia sẻ.
Quần áo đợi sửa chữa chất đầy trên bàn, khách hàng, shipper nườm nượp vào, ra quanh các bàn máy may đang hoạt động hết công suất. Đó là thực tế mà phóng viên ghi nhận tại tiệm sửa chữa quần áo Hồng Vân số 2 Mai Hắc Đế (nằm cạnh tiệm của bà Hòa).
Vừa luôn tay làm việc, chị Hồng Vân vừa nói chuyện, sau khi tốt nghiệp Đại học rồi đi làm được một thời gian cảm thấy không phù hợp với công việc, nên chị được mẹ (bà Hòa) định hướng, truyền nghề sửa chữa quần áo. Đến nay chị Vân cũng có hơn 10 năm kinh nghiệm, hiện làm chủ một tiệm sửa chữa đồ cùng 4 nhân viên.
Chị cho biết, việc ngày bình thường đã nhiều, thời điểm giáp Tết số lượng đơn hàng tăng gấp 2, gấp 3, khiến chị cùng những người thợ sửa quần áo "cày bục mặt".
"Dịp cận Tết, quần áo mọi người mang tới thường là hàng da, hàng dạ, hàng vest, đồ đông,… Đối tượng khách của cửa hàng tôi rất đa dạng, từ học sinh, sinh viên, tới người lao động, người cao tuổi… đều có cả. Nhưng chủ yếu vẫn là hàng hiệu từ các khách quen, cửa hàng bán đồ hiệu quen biết,... Giá từng sản phẩm khác nhau, tùy vào độ khó, công sức bỏ ra,... Có cái mấy chục nghìn, trăm nghìn đến hàng triệu đồng. Năm nay cửa hàng chúng tôi làm đến 29 Tết là nghỉ", chị Vân cho hay.
Bên trong tiệm sửa quần áo của chị Hồng Vân.
Chị Hồng Vân tỉ mỉ sửa quần áo cho khách.
Tranh thủ lúc ghi hóa đơn cho khách, chị Cẩm Vân, một người thợ chia sẻ: "Mặc dù đông khách hơn ngày thường, nhưng chúng tôi cũng không tăng giá dịch vụ sửa chữa quần áo dịp cận Tết. Lý do là bởi đa số khách hàng là khách quen, chúng tôi muốn duy trì một mức giá để giữ chân các khách hàng".
Chị Cẩm Vân chia sẻ với phóng viên.
Phúc Đức