Thỏa lòng người bệnh

Thỏa lòng người bệnh
13 giờ trướcBài gốc
Bà N.T.T.H (60 tuổi, ở Cà Mau) mắc ung thư vú cách đây một năm, đã phẫu thuật và xạ trị, đang duy trì thuốc nội tiết. Mỗi tháng, bà phải từ quê lên TP HCM tái khám và nhận thuốc. "Mỗi lần như vậy, phải đi từ hôm trước, rất vất vả vì tuổi cao, sức yếu, chưa kể tốn chi phí. Nay được cấp thuốc 90 ngày thì quá thuận tiện, giảm đi lại" - bà H. nói.
Đỡ vất vả, tăng phấn khởi
Tương tự, ông P.V.A (69 tuổi, ở Tây Ninh) đang điều trị nhiều bệnh mạn tính: Tim thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận mạn... Dù các chỉ số đã ổn định, ông vẫn phải tái khám mỗi tháng tại Bệnh viện Chợ Rẫy để được cấp thuốc. "Tôi phải rời nhà từ 4 giờ sáng để kịp khám và về trong ngày. Nay được kê đơn 90 ngày thì đỡ cực quá. Dù vậy, tôi cũng mong có thêm giải pháp nhắc lịch, tư vấn từ xa để tránh bỏ sót dấu hiệu bất thường" - ông A. chia sẻ.
Tại nhà thuốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP HCM), bà T.V.A (55 tuổi, ở phường Cát Lái, mắc bệnh đái tháo đường hơn 10 năm) đang chờ nhận thuốc BHYT. Định kỳ 21 ngày /lần, bà phải đến đây. "Đường huyết hiện ổn định nên mỗi lần đến chủ yếu là để nhận thuốc. Nếu con bận, tôi phải tự đi xe ôm, mỗi lần đi về cũng tốn khoảng 100.000 đồng. Nay được cấp thuốc cho 2-3 tháng thì tiện hơn nhiều, đỡ làm phiền con cái và tốn kém" - bà A. cho hay.
Cấp phát thuốc BHYT cho người bệnh tại TP HCM. Ảnh: HẢI YẾN
Tại Hà Nội, nhiều bệnh nhân đang khám ở Bệnh viện K cũng bày tỏ sự phấn khởi khi được thông báo sẽ nhận thuốc 3 tháng/lần thay vì hằng tháng như trước. Chị L.T.T (43 tuổi, ở Hưng Yên, điều trị ung thư vú) cho biết trước đây, mỗi tháng đều phải nghỉ làm 1 ngày để lên Hà Nội lấy thuốc, rất vất vả. "Được phát thuốc 3 tháng/lần là mong mỏi từ lâu của bệnh nhân ở tỉnh xa như tôi" - chị T. nói.
Ghi nhận cho thấy sau một tuần Thông tư 26/2025/TT-BYT có hiệu lực, nhiều bệnh nhân mạn tính diện BHYT, đặc biệt là người cao tuổi, người ở vùng xa, những đối tượng phải tái khám định kỳ bày tỏ rất thỏa lòng khi được kê đơn thuốc kéo dài thành 90 ngày.
Lợi ích kép
Theo lãnh đạo các bệnh viện, việc thực hiện kê đơn thuốc ngoại trú dài ngày không chỉ giúp người bệnh thuận lợi hơn mà còn giảm áp lực cho y - bác sĩ, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng dịch vụ y tế.
BSCK2 Võ Hồng Minh Phước, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu (TP HCM), cho biết mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 4.800-5.000 lượt khám ngoại trú, trong đó phần lớn bệnh nhân tái khám để lấy thuốc điều trị định kỳ. Việc áp dụng kê đơn thuốc từ 30 lên 90 ngày, số lượt tái khám sẽ giảm đáng kể, rút ngắn thời gian chờ đợi, giảm ùn tắc tại các khu khám bệnh và cải thiện chất lượng dịch vụ. Đối với những bệnh nhân ung thư giai đoạn ổn định, việc phải quay lại bệnh viện mỗi tháng để nhận thuốc duy trì vừa gây mệt mỏi vừa làm tăng áp lực lên hệ thống y tế. Khi đơn thuốc kê cho 2-3 tháng, người bệnh có thể điều trị tại nhà một cách thuận lợi hơn. "Quy định mới này không chỉ giúp người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa hoặc người cao tuổi tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc khi lấy người bệnh làm trung tâm. Ngoài giảm lượt tái khám định kỳ không cần thiết bác sĩ sẽ có thêm thời gian thăm khám kỹ lưỡng cho bệnh nhân mới hoặc những ca cần theo dõi sát. Qua đó, chất lượng chẩn đoán và điều trị cũng được nâng cao" - BS Phước nhấn mạnh.
Bệnh nhân khám bệnh đái tháo đường tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: NGỌC DUNG
PGS-TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp (TP HCM), cho rằng việc kê đơn thuốc BHYT tối đa 90 ngày so với trước là một chính sách hợp lý, đặc biệt đối với những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính đã điều trị ổn định. Với khoảng 2.000 lượt khám ngoại trú mỗi ngày tại Bệnh viện quận Gò Vấp (đa số bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường), quy định này sẽ giúp giảm tải đáng kể. Các bệnh viện cũng giảm được tình trạng quá tải, chen chúc ở khu khám ngoại trú vốn phổ biến hiện nay. "Bệnh nhân được kê thuốc 2-3 tháng/lần, nhờ đó nhân viên y tế sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung chăm sóc, theo dõi sát các ca nặng khác" - BS Siêu thông tin.
Nói thêm về lợi ích của việc kê đơn thuốc dài ngày với người bệnh mạn tính, đặc biệt là nhóm nội tiết, BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng Khoa Nội tiết và Đái tháo đường - Bệnh viện Bạch Mai, cho hay đây chủ yếu là người cao tuổi, có thu nhập thấp, mắc nhiều bệnh kèm và hạn chế vận động. Việc nhận thuốc dài ngày giúp họ giảm số lần đến bệnh viện, tiết kiệm chi phí, hạn chế tiếp xúc nguồn lây, ảnh hưởng thời tiết, đồng thời tăng tuân thủ điều trị do phác đồ ổn định.
Ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho hay đơn vị đang quản lý khoảng 13.000 bệnh nhân mắc bệnh mạn tính. Bệnh viện đã tiến hành cá thể hóa, phân loại bệnh nhân theo 3 nhóm: Bệnh chưa ổn định, bệnh phối hợp và bệnh ổn định, từ đó kê đơn phù hợp theo quy định mới. Việc kê đơn ngoại trú tối đa 90 ngày giúp giảm đáng kể số lượt bệnh nhân đến khám. "Bác sĩ có thêm thời gian tư vấn kỹ, bệnh viện giảm chi phí vận hành. Đây là lợi ích kép cả về chuyên môn lẫn kinh tế" - ông Thường khẳng định.
Không áp dụng cứng nhắc, phải bảo đảm hiệu quả điều trị
Theo các bác sĩ, quy định kéo dài kê đơn thuốc mở ra nhiều điểm mới tích cực nhưng cũng không thể áp dụng đại trà. BS Trần Thái Sơn nhấn mạnh việc này cần cá thể hóa, không phải ai cũng được kê 90 ngày. Bác sĩ phải đánh giá kỹ tình trạng cụ thể từng người để kê đơn phù hợp, vừa bảo đảm hiệu quả điều trị vừa tiết kiệm cho quỹ BHYT.
BS Võ Hồng Minh Phước cho rằng để bảo đảm tính hiệu quả và an toàn, chính sách cần đi kèm với cơ chế giám sát và phân loại bệnh nhân rõ ràng nhằm tránh xảy ra nguy cơ như dùng thuốc không đúng liều, không đúng thời điểm, sử dụng thuốc sai mục đích hoặc quên tái khám, theo dõi định kỳ. Ngoài ra, một số bệnh nhân dù ổn định trên lý thuyết nhưng vẫn cần theo dõi sát. Việc kéo dài đơn thuốc có thể làm chậm phát hiện biến chứng hoặc bỏ sót triệu chứng tái phát, di căn hoặc làm gia tăng tình trạng kháng thuốc.
Ông đề xuất để bảo đảm việc kê đơn 90 ngày được triển khai an toàn, hiệu quả, có kiểm soát, cần ban hành hướng dẫn các tiêu chí, tình trạng bệnh cụ thể đối với những người bệnh được kê. Ví dụ như các tiêu chí đánh giá sự ổn định về lâm sàng và cận lâm sàng, không có dấu hiệu tiến triển của người bệnh. Bên cạnh đó, hướng dẫn theo dõi từ xa, kết hợp telemedicine hoặc gọi nhắc lịch tái khám, kiểm tra cận lâm sàng giữa kỳ. Thiết lập các kênh tư vấn trực tuyến để xử lý các biến cố khi dùng thuốc tại nhà. Ngoài ra, kiểm soát kê đơn chặt chẽ, liên thông dữ liệu kê đơn lên hệ thống đơn thuốc quốc gia, hệ thống thông tin giám định BHYT để theo dõi số lượng, thời hạn dùng và bảo đảm bệnh nhân không nhận trùng thuốc ở các cơ sở khác. Cùng với đó, bác sĩ cần được tập huấn rõ ràng về tiêu chí kê đơn dài ngày. Người bệnh cần được hướng dẫn cách dùng thuốc đúng, bảo quản thuốc, nhận biết tác dụng phụ và có số điện thoại để liên lạc khi có dấu hiệu bất thường.
BS Trần Phủ Mạnh Siêu cũng lưu ý không nên áp dụng chính sách này một cách cứng nhắc cho tất cả bệnh nhân. Đối với những trường hợp đang điều trị các bệnh cần theo dõi sát như tim mạch, rối loạn lipid máu hay đái tháo đường giai đoạn đầu, việc tái khám định kỳ để làm xét nghiệm, đánh giá hiệu quả điều trị và điều chỉnh thuốc là rất quan trọng. Nếu chưa kiểm soát tốt bệnh, việc kéo dài đơn thuốc có thể khiến bác sĩ bỏ lỡ dấu hiệu cảnh báo hoặc chậm điều chỉnh phác đồ.
Theo Bộ Y tế, Thông tư 26/2025/TT-BYT ra đời là kết quả của quá trình nghiên cứu, tổng hợp từ thực tiễn, nhất là sau đại dịch COVID-19. Trước đây, dù bệnh đã ổn định, người bệnh vẫn phải đến bệnh viện mỗi tháng để lấy thuốc, gây phiền toái, tốn kém và làm tăng áp lực cho các cơ sở y tế. TS-BS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh - Bộ Y tế, nhấn mạnh việc kê đơn dài ngày không áp dụng đại trà. Bác sĩ chỉ kê khi đã đánh giá đầy đủ tình trạng lâm sàng, tiên lượng ổn định. Việc không theo dõi sát hoặc bảo quản thuốc sai có thể dẫn đến rủi ro, lãng phí. Về lo ngại khó khăn tuyến dưới, một số nơi có thể gặp trở ngại trong cung ứng thuốc. Tuy vậy, danh mục bệnh áp dụng chủ yếu là các bệnh mạn tính phổ biến, thuốc dễ thay thế nên sẽ không gây áp lực lớn cho tuyến cơ sở. Danh mục bệnh áp dụng kê đơn 90 ngày chủ yếu là các bệnh mạn tính phổ biến với nhiều biệt dược, hoạt chất thay thế tương đương. Các bệnh hiếm, phức tạp như ung thư hay bệnh huyết học đặc biệt vẫn chủ yếu điều trị tại tuyến trung ương nên không gây áp lực quá lớn cho tuyến dưới.
HẢI YẾN - NGỌC DUNG
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/thoa-long-nguoi-benh-196250709203113575.htm