Thỏa sức vui chơi rồng rắn lên mây

Thỏa sức vui chơi rồng rắn lên mây
4 giờ trướcBài gốc
Trò chơi rồng rắn lên mây hấp dẫn trẻ nhỏ bởi sự vui nhộn và gay cấn lúc đuổi bắt. Trong ảnh: Cô và trò Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (TP Hải Dương) vui chơi rồng rắn lên mây
Từ xa xưa, khi trường học chưa ra đời, trẻ em Việt Nam, nhất là trẻ ở nông thôn đã biết sáng tạo rất nhiều trò chơi. Có loại chơi theo nhóm nhỏ như: đánh bi, đánh cù (gụ), đánh đáo, đánh khăng, thả diều, đánh chuyền, chồng nụ chồng hoa, ú tim (đi nấp), bơi lặn, đánh cờ, ô ăn quan... Có trò chơi thích hợp với tập thể như: thả đỉa ba ba, nu na nu nống, rồng rắn lên mây, đánh trận giả, kéo co…
Có trò chơi chỉ bằng hành động là đủ (tức là không cần lời trong khi chơi vẫn vui, vẫn hấp dẫn). Có những trò chơi cần có lời kèm từng động tác như đánh chuyền. Lại có những trò cần một bài hát để khi hết bài hát cũng là lúc biết được kết thúc được hay không trò chơi như: thả đỉa ba ba, nu na nu nống, rồng rắn lên mây... Những bài hát của trẻ con kèm trò chơi sau này người ta gọi là đồng dao. Những trò chơi ấy cũng xếp vào trò chơi dân gian của Việt Nam.
Trò chơi dân gian của trẻ em thường chơi không khó, không cầu kỳ, phức tạp, không phải tập luyện. Đó chính là sự hấp dẫn lâu dài với trẻ. Nhiều trò không cần dụng cụ hoặc nếu có thì rất giản đơn, dễ làm, dễ tìm. Chẳng hạn trò chơi đánh chuyền thì chỉ cần vài chục chiếc que với hòn đất dẻo vê tròn hoặc quả cà nhỏ là xong. Đồ để chơi đánh cù (gụ) được đẽo khéo léo từ các khúc gỗ bỏ đi. Đánh bi thì viên bi có thể bằng đất nung ở trong bếp cho rắn lại hoặc viên đá xanh mài tròn… Các đồng xu, viên sỏi, hạt gấc, sợi dây cao su, tờ giấy, sợi chỉ, khúc que, cái vành rổ hỏng…. đều có thể trở thành dụng cụ chơi. Vì vậy chơi mà không tốn kém.
Trò chơi rất vui vì số lượng người chơi linh hoạt
Số lượng người chơi cũng rất linh hoạt, có thể thêm bớt vài người vẫn chơi được. Địa điểm và thời gian chơi cũng vậy, có thể chơi ở bất kỳ thời gian nào, ban ngày, ban đêm nhất là những đêm trăng sáng. Trẻ có thể chọn trong nhà, ngoài sân, cổng ngõ, bờ đê, bãi cỏ, ruộng mạ (đã nhổ hết mạ) ven đường, trên đống, trên đồi… để chơi. Có thể thấy trò nào cũng vui. Vui vì trẻ được chơi bằng chân, tay, mắt, tai, toàn thân hoạt động. Các cháu được nói, cười, reo, hát... Vì những lý do ấy mà trò chơi không có hồi kết, luôn không chán. Nay chơi, mai lại chơi vẫn vui như thường.
Trở lại với trò chơi rồng rắn lên mây, trước hết tên của trò chơi là hai con vật (rồng và rắn) đều có đặc điểm chung thân dài, uốn lượn rất linh hoạt, nhanh nhẹn. Đội hình các cháu chơi linh hoạt và nhanh nhẹn như rồng rắn lúc di chuyển. Số lượng người chơi không cố định.
Trong số ấy có hai người quan trọng, đó là thầy thuốc và người làm đầu rồng rắn. Đây là một trò chơi vừa phải hát bài đồng dao, vừa đối đáp.
Đồng dao thì tất cả các cháu trong vai rồng rắn đều hát. Còn đối thoại chỉ có hai cháu ở vai thầy thuốc và vai đầu rồng rắn mà thôi.
Bài đồng dao thế này: “Rồng rắn lên mây/Gặp cây lúc lắc/Trống tùng tùng/Điểm binh". Lời đối thoại gồm rồng rắn hỏi: "Thầy thuốc có nhà không?". Thầy thuốc trả lời có hoặc không. Nếu có ở nhà thì thầy thuốc hỏi thêm:
- Rồng rắn đi đâu?
- Đi lấy thuốc cho con.
- Con lên mấy?
- Con lên 1.
- Thuốc thầy không hay.
- Con lên 2.
- Thuốc thầy không hay...
Cứ như thế cho đến khi rồng rắn khai: “con lên 10” thì thầy thuốc nói “thuốc thầy hay vậy?”. Sau đó, thầy thuốc nói: “xin khúc đầu”. Rồng rắn đáp: “những xương cùng xẩu”. Thầy thuốc tiếp “xin khúc giữa”. Rồng rắn đáp: “những máu những me”. Thầy thuốc nói nốt: “xin khúc đuôi”. Rồng rắn đáp: “tha hồ thầy đuổi” (hoặc đuổi được thì ăn).
Thế là trò chơi vào cao trào. Thầy thuốc đuổi bắt lấy đuôi.
Đầu rồng rắn phải dang tay xoay lấy tư thế ngăn thầy thuốc bảo vệ cái đuôi của mình. Các cháu ở thân rồng rắn vừa phải bám chặt vào hai bên cạnh sườn nhau (ai rời ra là hỏng) lại vừa phải nhanh nhẹn di chuyển vị trí để giấu kín cái đuôi, kẻo thầy thuốc cắt mất. Lúc này rất vui. Các cháu mải cười nên cái đuôi không giấu kịp đã bị thầy thuốc cắt mất.
Cháu kế tiếp lại thành vị trí đuôi rồng rắn và lại bị thầy thuốc bắt. Cứ thế trò chơi tiếp tục. Thầy thuốc bắt lần lượt đến hết thì thôi. Các cháu chạy cười, nói liên tục, mệt mà vui. Trò chơi này có thể kéo dài tới 30 phút tùy vào rồng rắn dài hay ngắn và thầy thuốc khéo lừa túm được đuôi nhanh hay chậm.
Rồng rắn lên mây là trò chơi tập thể của trẻ em. Cái lợi của trò chơi này là các cháu được vui chơi thỏa sức, vừa biết gắn kết với bạn lại vừa phải nhanh nhẹn, linh hoạt khi di chuyển. Trò chơi giúp trẻ bớt áp lực học hành, nâng cao tính tập thể. Đây chính là lợi ích của vui chơi.
VĂN DUY
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/thoa-suc-vui-choi-rong-ran-len-may-400259.html