Cảnh đổ nát sau các cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza. Nguồn: THX/TTXVN
Thông báo từ Chính phủ Palestine nêu rõ thỏa thuận được ký kết ngày 10/2 tại TP Ramallah sẽ tập trung vào nhiều hoạt động then chốt, bao gồm đánh giá mức độ thiệt hại, dọn dẹp đống đổ nát tại các khu vực trọng điểm và rà phá bom mìn còn sót lại sau xung đột.
Một phần quan trọng của dự án là việc thiết lập các trung tâm trú ẩn tạm thời được trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng và dịch vụ thiết yếu cho người dân Gaza.
Thủ tướng Palestine Mohammad Mustafa nhấn mạnh tầm quan trọng của MoU trong việc hỗ trợ các nỗ lực của chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu cứu trợ khẩn cấp tại Gaza. Ông cũng tiết lộ kế hoạch tổng thể của chính phủ bao gồm ba giai đoạn: chương trình 6 tháng để giải quyết tình hình cấp bách, kế hoạch 3 năm chuyển đổi từ cứu trợ sang phục hồi kinh tế, và chiến lược tái thiết toàn diện kéo dài 10 năm với sự hợp tác của Ngân hàng Thế giới (WB), Liên minh châu Âu (EU) và LHQ.
Cũng trong ngày 10/2, LHQ đã đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về tình trạng di dời các cộng đồng người Palestine tại khu vực phía bắc Bờ Tây. Theo báo cáo mới nhất từ Cơ quan hỗ trợ người tị nạn Palestine của LHQ (UNRWA), làn sóng di dời đang diễn ra với tốc độ đáng báo động.
Kể từ khi Israel phát động Chiến dịch Bức tường sắt vào ngày 21/1, nhiều trại tị nạn đã gần như hoàn toàn vắng bóng người sinh sống. Chiến dịch này ban đầu tập trung vào Trại Jenin, sau đó mở rộng phạm vi hoạt động sang các Trại Tulkarm, Nur Shams và El Far'a. Hậu quả là khoảng 40.000 người tị nạn Palestine đã buộc phải rời bỏ nơi ở của họ. Cơ quan của LHQ nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự trong mọi tình huống.
Trước đó, ngày 10/2, Phong trào Hồi giáo Hamas đã đưa ra tuyên bố mới về khả năng nối lại việc trao trả con tin với Israel, trong bối cảnh căng thẳng leo thang về việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza. Phong trào này khẳng định sẵn sàng thực hiện cam kết thả con tin đúng hạn, với điều kiện Israel phải chấm dứt các hành vi vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Động thái này được đưa ra sau khi Hamas tuyên bố hoãn cuộc trao đổi con tin và tù nhân dự kiến vào ngày 15/2. Theo phong trào này, việc hoãn thả con tin được xem như "thông điệp cảnh báo" nhằm gây áp lực buộc Israel tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản đã thỏa thuận.
Đáng chú ý, Hamas đã chủ động công bố quyết định này sớm hơn 5 ngày so với kế hoạch, nhằm tạo điều kiện cho các bên trung gian có thời gian can thiệp và gây sức ép với Israel. Phong trào này cũng nhấn mạnh họ đã thực hiện đầy đủ và đúng hạn mọi nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận.
Ngay trong ngày 10/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ đề xuất hủy bỏ lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza nếu tất cả các con tin bị giam giữ tại vùng lãnh thổ này không được trả tự do trước buổi trưa 15/2 tới. Phát biểu với các phóng viên tại Phòng Bầu dục, ông Trump cũng cho biết có thể ngừng viện trợ cho Jordan và Ai Cập nếu họ không tiếp nhận người tị nạn Palestine được di dời từ Gaza.
Cùng ngày, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng của những người bị giam giữ. Người phát ngôn OHCHR Thameen Al-Kheetan cho biết các hình ảnh được công bố gần đây về con tin Israel và tù nhân Palestine cho thấy dấu hiệu đáng lo ngại về tình trạng ngược đãi và suy dinh dưỡng nghiêm trọng ở cả hai phía.
OHCHR kêu gọi cả Hamas và Israel cần đảm bảo đối xử nhân đạo với tất cả người bị giam giữ. Tổ chức này cũng yêu cầu Hamas phải phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện tất cả con tin, đồng thời Israel cũng phải trả tự do cho những người Palestine đang bị giam giữ tùy tiện.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)