Thỏa thuận hòa bình Ukraine - cơ hội vàng để tái khởi động Nord Stream 2?

Thỏa thuận hòa bình Ukraine - cơ hội vàng để tái khởi động Nord Stream 2?
7 giờ trướcBài gốc
Khả năng nối lại dòng chảy khí đốt Nga – Đức
Tuyến đường ống Nord Stream 2 nối giữa Nga và Đức ở Biển Baltic đã bị tấn công tháng 9/2022. Dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2 của Nga hoàn thành từ năm 2021, có công suất thiết kế 55 tỷ m3 khí đốt/năm. Tuy nhiên, đường ống này chỉ có khí đốt kỹ thuật và chưa bao giờ được đưa vào vận hành thương mại đưa khí đốt Nga sang Đức.
Dự án Nord Stream 2 đã hoàn thành từ tháng 9/2021 song chưa đi vào hoạt động vì Đức đã ngừng cấp phép do cuộc xung đột tại Ukraine. Ảnh: Tass
Ngày 26/9/2022, nhánh A của Nord Stream 2 bị nổ tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Đan Mạch và Thụy Điển trên Biển Baltic. Cả 2 nhánh của đường ống Nord Stream cũng bị vỡ trong loạt vụ nổ vào thời điểm này.
Gần đây, tòa án Thụy Sĩ gia hạn để nhà điều hành Nord Stream 2 – công ty Nord Stream 2 AG tái cấu trúc các khoản nợ đến ngày 9/5. Tháng trước, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch đã cấp phép cho Nord Stream 2 AG bảo trì đường ống Nord Stream 2 bị hư hại.
Ông Chris Weafer - Giám đốc điều hành Macro-Advisory, công ty tư vấn kinh doanh chiến lược độc lập hàng đầu tại khu vực Á Âu - chia sẻ với NE Global rằng, dường như việc vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức sẽ được nối lại ngay khi tiến trình hòa bình bắt đầu và có dấu hiệu bền vững. Berlin cần nguồn cung năng lượng giá rẻ hơn trong khi Moscow sẵn sàng hạ giá để giành lại một phần thị trường.
"Tôi hy vọng nhánh nguyên vẹn của đường ống Nord Stream 2, với công suất 28 tỷ m3/năm, sẽ được đưa vào vận hành khá nhanh sau khi tiến trình hòa bình tại Ukraine được thiết lập. Nếu Nga và Ukraine chính thức đạt được thỏa thuận hòa bình, dự kiến nhánh đường ống thứ 2 sẽ được khôi phục và tăng công suất lên 55 tỷ m3 trực tiếp đến Đức và được giảm giá trong 1-2 năm" - ông Weafer cho hay.
Tuy nhiên, chuyên gia Weafer cho rằng khí đốt Nga xuất khẩu sang thị trường châu Âu sẽ không thể quay lại như mức trước năm 2022. “Liên minh châu Âu (EU) muốn đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng an toàn trong khi Nga cũng muốn đa dạng hóa cơ sở khách hàng thông qua xuất khẩu khí đốt sang châu Á, Trung Á, Iran và sang thị trường Ấn Độ” – vị chuyên gia lưu ý thêm.
Trong khi đó, chuyên gia Tatiana Mitrova tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia nhận định, bất ổn địa chính trị đang ở mức đặc biệt nghiêm trọng khiến mọi cuộc thảo luận về tương lai của Nord Stream 2 đều mang tính suy đoán.
Khi được hỏi liệu khí đốt của Nga có thể chảy qua đường ống Nord Stream 2 hay không nếu đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến sự tại Ukraine, bà Mitrova nói rằng thỏa thuận hòa bình sẽ thay đổi động lực địa chính trị, nhưng việc khởi động lại hoạt động xuất khẩu khí đốt Nga qua Nord Stream 2 vẫn khó xảy ra.
“EU đã chuyển hướng khỏi nguồn năng lượng của Nga, tăng cường nhập khẩu LNG và đa dạng hóa các nhà cung cấp. Ngay cả khi Moscow tiếp tục xuất khẩu khí đốt ở mức giới hạn sang châu Âu, các tuyến đường bộ hiện có (qua Ukraine hoặc Thổ Nhĩ Kỳ) có thể sẽ được ưu tiên hơn đường ống Nord Stream 2" - bà Mitrova cho hay.
Nord Stream 2 sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng
Chính phủ Đức và các công ty trong ngành đang cân nhắc sử dụng các nhánh của đường ống Nord Stream 2 để vận chuyển hydro xanh từ Phần Lan.
Chuyên gia Weafer cũng cho rằng đường ống Nord Stream 2 có thể được sử dụng để vận chuyển hydro từ Phần Lan. “Tôi cũng mong đợi các đường ống này sẽ được bán cho bên thứ ba để hợp đồng cung cấp sẽ không làm với tập đoàn năng lượng Nga Gazprom mà là với một bên trung gian. Đây vẫn sẽ là nội dung quan trọng trong khoảng thời gian sau khi thỏa thuận hòa bình được ký kết" - Giám đốc điều hành Macro-Advisory nói.
Chuyên Mitrova lưu ý rằng đang có các cuộc thảo luận về việc chuyển đổi một phần tuyến đường ống Nord Stream 2 để vận chuyển hydro, nhưng điều này gặp phải những trở ngại nghiêm trọng cả về địa chính trị lẫn kỹ thuật. Bà cho biết: “Về mặt kỹ thuật, vận chuyển hydro đòi hỏi phải có sự điều chỉnh đối với hệ thống đường ống Nord Stream 2. Về mặt kinh tế, Phần Lan sẽ cần đầu tư lớn vào sản xuất và cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu hydro”.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh thêm rằng trở ngại lớn nhất đối với chuyển đổi mục đích sử dụng của Nord Stream 2 là Nga. Moscow vẫn sở hữu hợp pháp cơ sở hạ tầng của đường ống khí đốt Nord Stream 2 thông qua, Nord Stream 2 AG - công ty con của Gazprom.
“Gần như không có khả năng Moscow cho phép Phần Lan và Đức đơn phương chuyển đổi công năng của Nord Stream 2 để vận chuyển hydro xanh. Mặc dù ý tưởng sử dụng đường ống này để vận chuyển hydro đang được cân nhắc, nhưng quyền kiểm soát pháp lý của Nga đối với Nord Stream 2 khiến kế hoạch này là bất khả thi nếu không có sự đồng ý của Moscow” - bà Mitrova giải thích thêm.
Nguyễn Phương
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/thoa-thuan-hoa-binh-ukraine-co-hoi-vang-de-tai-khoi-dong-nord-stream-2.html