Thỏa thuận có hiệu lực vào ngày 19/1, thu hút sự quan tâm rộng rãi trên toàn cầu và khơi dậy những kỳ vọng trong cộng đồng quốc tế về một giai đoạn hòa bình mới. Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn đầy thử thách, đặc biệt đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đang phải đối mặt với những áp lực lớn cả trong nước và quốc tế.
Các quốc gia đều ủng hộ thỏa thuận Israel-Hamas
Các nhà đàm phán từ Ai Cập, Qatar, và Mỹ đã đóng vai trò trung gian quan trọng trong việc đạt được sự đồng thuận này. Nội dung đồng ý bao gồm việc trao đổi tù nhân giữa hai bên, trong đó Hamas đồng ý thả các con tin Israel, đổi lại Tev Aviv sẽ phóng thích hàng trăm tù nhân Palestine. Đồng thời, viện trợ nhân đạo sẽ được đẩy nhanh nhằm giảm bớt khủng hoảng ở Gaza, nơi gần 1,9 triệu người đã bị mất nhà trong suốt cuộc xung đột.
Người thân và bạn bè của những người bị Hamas bắt cóc phản ứng với thông báo ngừng bắn khi họ tham gia một cuộc biểu tình tại Tel Aviv, Israel, ngày 15/1 (Ảnh: Getty)
Dù thỏa thuận được ca ngợi là bước đột phá, Thủ tướng Netanyahu vẫn giữ thái độ thận trọng. Ông nhấn mạnh cuộc thảo luận cuối cùng đang diễn ra và thỏa thuận sẽ chỉ được phê chuẩn khi tất cả các điều kiện được đáp ứng. Thái độ của nhà lãnh đạo này cũng phản ánh sự phức tạp trong đàm phán và những áp lực nội trị chính mà ông phải đối mặt. Một số thành viên trong liên minh cực hữu của Netanyahu, bao gồm ông Itamar Ben-Gvir và ông Bezalel Smotrich, đã phản đối mạnh mẽ, đe dọa sẽ rút khỏi chính phủ nếu thỏa thuận được thông qua. Điều này đặt Thủ tướng vào tình thế khó khăn, buộc ông phải cân bằng giữa việc giữ vững liên minh và theo đuổi mục tiêu ngoại giao lớn hơn.
Khác với những áp lực trong nước mà ông Netanyahu phải đối mặt, cộng đồng quốc tế lại thể hiện sự ủng hộ đối với thỏa thuận này.
Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã chúc mừng thỏa thuận và nhấn mạnh đây là kết quả của những nỗ lực ngoại giao kéo dài của chính quyền ông. Ông Biden cũng khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực hòa bình trong khu vực. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận phần lớn việc thực hiện sẽ nằm trong phạm vi của chính quyền mới. Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Donald Trump nhanh chóng tuyên bố thỏa thuận là minh chứng cho tài lãnh đạo của mình. Trong một bài đăng trên mạng xã hội, ông nhấn mạnh đây là kết quả trực tiếp từ chính sách đối ngoại của ông trước đây.
Không chỉ Mỹ, các quốc gia trong khu vực cũng đóng vai trò quan trọng. Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani gọi thỏa thuận này là một bước tiến lớn, nhấn mạnh vai trò trung gian của Qatar và cam kết nhân đạo của nước này đối với người Palestine. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi cũng ca ngợi thỏa thuận, đồng thời cam kết tăng cường viện trợ nhân đạo liên tục cho Gaza, tái khẳng định sự ủng hộ của Ai Cập đối với quyền lợi của người Palestine.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhận định thỏa thuận là bước tiến quan trọng nhằm đạt được hòa bình lâu dài, kêu gọi tất cả các bên thực hiện nghiêm túc cam kết của mình. Các nhà lãnh đạo châu Âu, bao gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Đức Olaf Scholz, cũng bày tỏ sự ủng hộ, nhấn mạnh các giá trị nhân đạo của thỏa thuận và kỳ vọng nó sẽ đặt nền tảng cho một giải pháp bền vững hơn.
Hy vọng chấm dứt bạo lực và giải quyết các vấn đề lâu dài
Ý nghĩa nhân đạo của thỏa thuận không thể phủ nhận, đặc biệt là đối với người dân Gaza. Khu vực này đã gánh chịu những thiệt hại nghiêm trọng về con người và cơ sở hạ tầng trong suốt cuộc xung đột. Theo các tổ chức nhân đạo, gần 1,9 triệu người trong tổng số 2,1 triệu dân ở Gaza đã mất nhà cửa, trong khi hầu hết dân cư phải dựa hoàn toàn vào viện trợ lương thực. Thỏa thuận không chỉ mang lại hy vọng chấm dứt bạo lực mà còn mở ra cánh cửa để giải quyết các vấn đề lâu dài, bao gồm việc tái thiết và cải thiện điều kiện sống của người dân Gaza.
Các tổ chức như Oxfam và Tổ chức Ân xá Quốc tế đã hoan nghênh thỏa thuận nhưng nhấn mạnh đây chỉ là bước đầu tiên. Các tổ chức này kêu gọi cộng đồng quốc tế giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của xung đột, bao gồm các lệnh phong tỏa kéo dài của Israel đối với Gaza cũng như những hành vi phạm nghiêm trọng nhân quyền. Nếu không có biện pháp lâu dài, hòa bình thực sự sẽ vẫn là điều khó đạt được.
Giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận dự kiến sẽ bao gồm việc thả 33 con tin Israel, trong đó có phụ nữ, trẻ em, và hai công dân Mỹ, đổi lại là một số lượng lớn tù nhân Palestine. Sau 16 ngày, các bên sẽ tiếp tục đàm phán để hướng tới việc thả toàn bộ con tin và thiết lập một lệnh ngừng bắn dài hạn. Cuộc thảo luận tiếp theo sẽ tập trung vào việc tìm kiếm và hỗ trợ những người mất tích hồi hương cũng như tái thiết Gaza.
Đối với người dân Gaza, thỏa thuận không chỉ mang lại tia sáng hy vọng mà còn là cơ hội để thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đến một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng bậc nhất lịch sử này. Dù vậy, để thỏa thuận đạt được thành công lâu dài, cần có sự cam kết mạnh mẽ từ tất cả các bên liên quan, không chỉ trong việc thực thi mà còn trong việc tạo ra một môi trường chính trị và xã hội bền vững hơn.
Thỏa thuận này cũng làm nổi bật vai trò ngày càng quan trọng của các quốc gia mới nổi như Qatar và Ai Cập trong các cuộc đàm phán hòa bình khu vực, bên cạnh các cường quốc truyền thống như Mỹ. Nó có thể đánh dấu một bước chuyển mình trong ngoại giao khu vực, khi các nước Trung Đông trở thành những nhà hòa giải chính.
Dù còn nhiều khó khăn phía trước, thỏa thuận đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cuộc xung đột Israel-Hamas. Nếu được thực hiện đúng cách, nó không chỉ chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện tại mà còn đặt nền tảng cho một tương lai hòa bình và ổn định hơn cho cả hai bên.
An Thái