Thỏa thuận khoáng sản được ký kết: Mỹ trao cho Ukraine đòn bẩy mới

Thỏa thuận khoáng sản được ký kết: Mỹ trao cho Ukraine đòn bẩy mới
9 giờ trướcBài gốc
Lựa chọn khó khăn với chính quyền ông Trump
Mặc dù các quan chức trong chính phủ Mỹ công khai ca ngợi thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa Mỹ và Ukraine là một bước tiến lớn nhưng vẫn chưa có sự đồng thuận bên trong Nhà Trắng về những gì sẽ diễn ra tiếp theo, Politico dẫn 2 nguồn thạo tin cho biết.
Một mỏ khoáng sản tại Ukraine. Ảnh: Reuters.
Tiến trình tiếp theo có thể liên quan đến những lựa chọn khó khăn, trong đó có cả việc gây áp lực trực tiếp lên Điện Kremlin, điều mà ông Trump cho đến nay vẫn ngần ngại thực hiện
"Việc áp đặt thêm nhiều biện pháp trừng phạt sẽ là bước ngoặt tiếp theo, nếu tổng thống Trump muốn đi theo con đường đó", một nguồn thạo tin cho biết.
Đề xuất do Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham bảo trợ nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga và áp thuế 500% đối với các quốc gia mua dầu, khí đốt và nhôm của Nga đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng tại Thượng viện, thậm chí có thể nhận được đa số phiếu ủng hộ. Bộ trưởng ngoại giao Pháp, Jean-Noël Barrot hôm 2/5 cho biết, ông đã thảo luận về đề xuất này với Ngoại trưởng Marco Rubio trong một cuộc họp và bày tỏ mong muốn các đồng minh châu Âu phối hợp với Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Nhưng vẫn chưa rõ, việc áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung có thể gây sức ép lên Điện Kremlin hay không.
Trong những ngày gần đây, ông Trump đã đặt câu hỏi về việc liệu có cần phải cứng rắn hơn đối với Tổng thống Putin hay không. Nhưng trong bốn tháng qua, ông không hề bày tỏ ý định muốn làm như vậy. Tổng thống Trump vẫn chưa đưa ra lập trường về đề xuất của Đảng Cộng hòa tăng cường lệnh trừng phạt đối với Moscow. Giới phân tích cho rằng, chính sự chần chừ của ông Trump trong việc phê duyệt thêm viện trợ cho Ukraine hoặc đảm bảo an ninh cho Kiev sau xung đột đã khiến thỏa thuận kinh tế giữa hai bên trở nên quan trọng hơn.
Phát biểu với báo chí thư ký báo chí Karoline Leavitt cho biết thỏa thuận "lịch sử" này là bằng chứng cho thấy tổng thống là "người đàm phán chính" và cam kết "bảo đảm hòa bình lâu dài" ở Ukraine.
Mỹ trao cho Ukraine đòn bẩy đàm phán
Việc Mỹ ký kết thỏa thuận kinh tế với Ukraine khi Tổng thống Trump vừa mới vượt qua mốc 100 ngày nắm quyền, có ý nghĩa chính trị quan trọng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông. Bởi đến thời điểm hiện tại, nỗ lực của ông Trump nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine vẫn chưa đạt được nhiều tiến triển. Ngay sau khi ký kết thỏa thuận này, Tổng thống Trump đã ra quyết định dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp vũ khí theo kênh thương mại cho Ukraine
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, người đã dẫn đầu các cuộc đàm phán về thỏa thuận khoáng sản giữa Ukraine và Mỹ trong vài tháng qua, lưu ý, điều này có thể tác động đến các cuộc đàm phán hòa bình đang bị đình trệ.
"Thỏa thuận là một tín hiệu mạnh mẽ Mỹ gửi đến giới lãnh đạo Nga và điều này trao cho Tổng thống Trump đòn bẩy lớn hơn trong các cuộc đàm phán với Moscow", ông Scott Bessent nhấn mạnh.
Bình luận về lời nhận xét của ông Trump hồi tháng 2 cho rằng Tổng thống Ukraine Zelensky không có bất cứ quân bài nào trong các cuộc đàm phán hòa bình, ông Bessent khẳng định rằng, điều đó không còn đúng nữa.
"Tổng thống Trump hiện đã trao cho Ukraine một quân bài và chứng minh cho giới lãnh đạo Nga thấy rằng không có sự khác biệt giữa các mục tiêu của Mỹ và Ukraine", ông Bessent nói.
Một quan chức khác trong Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, việc Mỹ chia sẻ lợi ích kinh tế với Ukraine trong tương lai sẽ cho Nga thấy rằng Washington "cam kết thúc đẩy thành công lâu dài của Kiev".
Richard Haass, cựu giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ nhận định, thỏa thuận này là một bước tiến tích cực hướng tới việc cải thiện mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Ukraine nhưng không phải là một bước ngoặt trong các cuộc đàm phán hòa bình.
"Chúng ta không nên thổi phồng điều này. Thỏa thuận kinh tế không thể thay thế cho sự hỗ trợ quân sự và tình báo dài hạn của Mỹ dành cho Ukraine. Câu hỏi đặt ra là liệu thỏa thuận này có dẫn đến cam kết lớn hơn giữa Mỹ và Ukraine hay không".
Tổng thống Trump cho rằng, thỏa thuận này là cách để người nộp thuế của Mỹ thu hồi một phần trong số 120 tỷ USD viện trợ quốc phòng cho Ukraine trong ba năm qua. Tuy nhiên, thỏa thuận không yêu cầu Kiev phải trả lại bất kỳ khoản viện trợ nào. Thay vào đó, hai nước sẽ thành lập một quỹ đầu tư chung để giúp tái thiết Ukraine sau xung đột.
Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ có quyền ưu tiên khai thác khoáng sản tại Ukraine. Còn Kiev sẽ có tiếng nói cuối cùng về việc khai thác khoáng sản gì và ở vị trí nào. Ukraine sẽ giữ quyền kiểm soát tài nguyên thiên nhiên của nước này và đóng góp 50 phần trăm doanh thu trong tương lai từ việc cấp phép cho các hoạt động thăm dò khoáng sản quan trọng.
Ông Bessent lưu ý, tính cấp thiết của việc phê chuẩn thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa hai bên đã gia tăng trong những ngày gần đây sau khi ông Trump gặp ông Zelensky bên lề lễ tang của Giáo hoàng Francis vào cuối tuần trước.
Nhà phân tích Richard Haass cho rằng, sau khi Mỹ và Ukraine ký kết thỏa thuận kinh tế, lập trường của Nga sẽ trở nên cứng rắn hơn. Trong khi đó, Sergei Markov - nhà phân tích chính trị có liên hệ với Điện Kremlin cho rằng mặc dù thỏa thuận chỉ phác họa sự hợp tác trong tương lai giữa Mỹ và Ukraine bằng những điều khoản mơ hồ và không đưa ra bất kỳ đảm bảo an ninh cụ thể nào, nhưng nó cũng có ý nghĩa biểu tượng.
Ông Sergei Markov đánh giá, mối quan hệ gần gũi hơn giữa Mỹ và Ukraine từ thỏa thuận khoáng sản sẽ buộc Nga phải tiếp tục chiến đấu để đảm bảo rằng họ sẽ ở vị trí tốt nhất khi ngồi vào bàn đàm phán.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Politico
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/thoa-thuan-khoang-san-duoc-ky-ket-my-trao-cho-ukraine-don-bay-moi-post1196886.vov