Tuy nhiên, phía sau thỏa thuận mang tính đột phá này là những ẩn số về chủ quyền tài nguyên, thế cân bằng lợi ích và cam kết an ninh còn bỏ ngỏ. Theo nội dung công bố, Mỹ và Ukraine sẽ cùng thành lập một quỹ đầu tư chung, với cơ chế đồng quản lý, mỗi bên giữ 50% cổ phần. Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh, quỹ này nhằm "đẩy nhanh phục hồi kinh tế Ukraine" thông qua tận dụng tài sản, nhân lực và năng lực tài chính song phương. Theo giới quan sát, đây có thể là lần đầu tiên Mỹ triển khai mô hình đầu tư chung với một quốc gia đang có chiến tranh, thể hiện sự dịch chuyển chiến lược từ viện trợ ngắn hạn sang can thiệp kinh tế có điều kiện.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho hay: “Thỏa thuận là một thông điệp mạnh mẽ rằng chính quyền Tổng thống Trump cam kết theo đuổi một tiến trình hòa bình, với trọng tâm là một Ukraine tự do, có chủ quyền và thịnh vượng lâu dài. Cả Mỹ và Ukraine đều mong muốn nhanh chóng đưa quan hệ đối tác kinh tế lịch sử này vào thực tiễn, vì lợi ích của người dân Ukraine và người dân Mỹ”.
Về phía Ukraine, giới chức nước này tuyên bố Kiev sẽ "giữ toàn quyền sở hữu và kiểm soát" các nguồn tài nguyên, bất kể sự tham gia của Mỹ trong quỹ đầu tư chung.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal phát biểu: “Ukraine sẽ giữ lại quyền kiểm soát hoàn toàn đối với tài nguyên khoáng sản, cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên của mình. Ukraine chỉ đóng góp từ tiền thuê đất và khoản lợi nhuận từ các giấy phép khai thác mới. Đóng góp của chúng tôi sẽ là 50%. Thỏa thuận này loại trừ mọi điều khoản liên quan đến khoản nợ của Ukraine về viện trợ quân sự hoặc tài chính trước đây của Mỹ. Đây là thành tựu quan trọng mà chúng tôi đạt được trong các cuộc đàm phán với các đối tác. Thỏa thuận chỉ bao gồm các khoản đóng góp mới và viện trợ mới".
Tuy nhiên, theo Washington Post, bản thỏa thuận mới nhất giữa Mỹ và Ukraine không bao gồm bất kỳ cam kết cụ thể nào về đảm bảo an ninh cho Kiev, cũng như không đề cập đến Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hiện do Nga kiểm soát. Điều này cho thấy chính quyền của Tổng thống Trump đang ưu tiên tập trung vào hợp tác kinh tế, thay vì can thiệp sâu vào các vấn đề quân sự nhạy cảm.
Một số nhà phân tích đánh giá thỏa thuận khoáng sản là một thắng lợi ngoại giao đáng kể đối với Tổng thống Trump, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn đất hiếm từ Trung Quốc. Ukraine được cho là sở hữu trữ lượng đáng kể của 22 trong tổng số 50 loại khoáng chất quan trọng theo phân loại của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ – trong đó có nhiều loại cần thiết cho các ngành công nghiệp mũi nhọn như xe điện, quốc phòng và năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, phần lớn tài nguyên này chưa được khai thác ở quy mô thương mại. Với sự hỗ trợ tài chính và công nghệ từ Mỹ, Kiev có cơ hội đẩy nhanh tiến trình khai thác tài nguyên và nâng cấp hạ tầng công nghiệp. Đổi lại, Washington sẽ mở rộng quyền tiếp cận các nguồn nguyên liệu chiến lược, từ đó giảm thiểu rủi ro địa chính trị và tăng sức cạnh tranh công nghệ.
Bên cạnh những lợi ích kinh tế, thỏa thuận cũng đặt ra nhiều câu hỏi, đặc biệt với Ukraine. Việc không có bất kỳ điều khoản đảm bảo an ninh nào trong thỏa thuận khiến nhiều chuyên gia cảnh báo rằng, Kiev đang ngày càng phụ thuộc vào Mỹ và các tập đoàn phương Tây. Trong bối cảnh hạ tầng còn yếu và chiến sự chưa kết thúc, Ukraine có thể ở vào thế yếu trong việc phân chia lợi ích và kiểm soát tài nguyên.
Ông Ed Verona, chuyên gia từ Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng thỏa thuận chứa đựng nhiều điều khoản bất bình đẳng và có tính áp đặt. Theo ông, những tiền lệ từ các thỏa thuận tài nguyên tương tự trong lịch sử cho thấy các cam kết thường thiếu bền vững và dễ bị thay đổi theo biến động chính trị. Một vấn đề then chốt khác là liệu thỏa thuận có cần Quốc hội Ukraine phê chuẩn thông qua hay không. Nếu được coi là hiệp ước quốc tế ràng buộc về tài nguyên và tài chính, thỏa thuận có thể phải được trình Quốc hội bỏ phiếu, mà không cho phép sửa đổi. Trường hợp chính phủ Tổng thống Ukraine Zelensky tìm cách thông qua chỉ bằng sắc lệnh hành pháp sẽ dễ gây phản ứng chính trị mạnh mẽ trong nước. Thậm chí, ngay cả khi được Quốc hội thông qua với đa số mong manh, tính bền vững của thỏa thuận vẫn bị đặt dấu hỏi. Một chính phủ tương lai có thể hủy bỏ văn kiện nếu cho rằng, Ukraine chịu áp lực từ bên ngoài khi ký. Điều này khiến các nhà đầu tư khó yên tâm cam kết vốn dài hạn.
Ngọc Mai
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/thoa-thuan-khoang-san-my-ukraine-co-hoi-hay-bay-phu-thuoc-326512.htm