Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp Thủ tướng Anh Keir Starmer tại Washington DC., ngày 27/2/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Tổng thổng Trump ca ngợi thỏa thuận là bước đột phá, khẳng định Anh là một trong những đồng minh lớn nhất của Mỹ trong khi Thủ tướng Starmer nhấn mạnh tính lịch sử và tầm quan trọng đặc biệt của văn bản khi hai bên có thể hoàn tất thỏa thuận sau nhiều năm đàm phán.
Theo thỏa thuận công bố ngày 8/5, thép và nhôm xuất khẩu của Anh được hưởng mức thuế 0% trong khi ô tô xuất khẩu sang Mỹ được cấp hạn ngạch hằng năm 100.000 xe với mức thuế chỉ 10% so với mức 27,5% áp đặt trước đó. Đây được coi là thắng lợi lớn cho hai ngành vốn chịu tác động nặng nề từ chính sách thuế quan của Mỹ. Hạn ngạch thuế quan ô tô mà Washington dành cho London chiếm tới 80% tổng số xe của Anh xuất khẩu sang Mỹ hằng năm, trong khi ngành thép mỗi năm bán 200.000 tấn thép trị giá 400 triệu bảng (532 triệu USD) sang Mỹ.
Đổi lại, Anh hủy bỏ thuế đối với ethanol của Mỹ và đồng ý quyền tiếp cận thị trường có đi có lại đối với thịt bò trong khi giữ nguyên các tiêu chuẩn thực phẩm của nước này. Nhượng bộ này đồng nghĩa nông dân hai nước mỗi năm có thể xuất khẩu 13.000 tấn thịt miễn thuế sang thị trường của nhau.
Cho đến nay, cả hai nước đều đưa ra rất ít thông tin chi tiết về thỏa thuận và cho biết sẽ tiếp tục đàm phán về giảm thuế trong các lĩnh vực quan trọng và thỏa thuận vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
Theo các nhà phân tích, các cuộc đàm phán của Nhà Trắng với Anh cho thấy chiến lược của Mỹ là đi vào từng ngành cụ thể, bóc tách các nhượng bộ từ các đối tác trong quá trình đàm phán. Đối với Anh, đàm phán tập trung vào nông nghiệp, ô tô và thép - các lĩnh vực Anh giành được mức miễn giảm thuế cụ thể cũng như những cam kết về chế độ ưu đãi trong các đợt áp thuế tương lai. Các nhà đàm phán hai nước cũng bỏ qua các tranh chấp lâu dài như thuế dịch vụ số Anh đánh vào các công ty công nghệ khổng lồ, hay các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về thực phẩm của nước này, như cấm "gà khử trùng bằng clo" và các sản phẩm tương tự nhập khẩu vào Anh. Thay vào đó, hai bên dự kiến sẽ đàm phán cho các thỏa thuận riêng đối với từng lĩnh vực như thép và nhôm, thương mại số hay dược phẩm.
Tuy nhiên, đáng chú ý là Anh, quốc gia có thương mại hàng hóa cân bằng với Mỹ, không giành được bất kỳ nhượng bộ nào từ Nhà Trắng khi mức thuế nhập khẩu 10% Tổng thống Trump công bố vào tháng trước vẫn giữa nguyên đối với hầu hết hàng hóa của nước này. Mặc dù được coi bước tiến triển giúp giảm nhẹ thiệt hại từ cuộc chiến thuế quan, trên thực tế, hàng hóa từ Anh vẫn chịu mức thuế quan cao hơn so với trước “Ngày giải phóng”, là ngày Tổng thống công bố các mức thuế đối ứng. Theo nhà kinh tế Anna Titareva tại ngân hàng UBS, thỏa thuận với Mỹ giảm thuế quan đối với Anh xuống 9,1% từ mức 11,6%, vẫn cao hơn nhiều so với mức khoảng 1% trước “Ngày giải phóng” 2/4.
Các quan chức Anh cũng thừa nhận thỏa thuận không đạt được mục tiêu trở thành một hiệp định thương mại tự do toàn diện hậu Brexit như kỳ vọng, song hy vọng thỏa thuận sẽ mở cánh cửa cho các cuộc đàm phán tiếp theo, gồm khả năng giảm mức thuế quan 10% đối với một số mặt hàng xuất khẩu cụ thể của Anh.
Quang cảnh cảng hàng hóa ở Liverpool, Anh. Ảnh: THX/TTXVN
Đại sứ Anh tại Mỹ, Peter Mandelson, gọi thỏa thuận là "bàn đạp" cho quá trình tự do hóa hơn nữa. Tuy nhiên, thông điệp từ Tổng thống Trump không rõ ràng khi ông vừa khẳng định thỏa thuận sẽ tiếp tục "mở rộng" đồng thời nói rằng thỏa thuận "đã đạt đến mức tối đa".
Hầu hết các nhà phân tích đồng tình những lợi ích thực chất của thỏa thuận là hạn chế, dù hai bên đã đàm phán thương mại liên tục trong gần một thập niên.
Theo ông Stan Veuger, nghiên cứu viên cao cấp về chính sách kinh tế tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, những lĩnh vực đàm phán trong thỏa thuận rất hạn hẹp. Về cơ bản, hai nước đã giữ nguyên hiện trạng, chỉ thực hiện những thay đổi nhỏ và gọi đó là thỏa thuận. Ông Veuger cũng chỉ ra rằng, như trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump sẵn sàng tuyên bố chiến thắng trong các thỏa thuận với Trung Quốc, Mexico và Canada mà các chuyên gia cho rằng thực ra chỉ có tác động rất hạn chế.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo tăng trưởng kinh tế Anh sẽ chậm lại, song không phải do tác động trực tiếp từ thuế quan đối với Anh mà là do tác động chung từ chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Trump đối với tăng trưởng toàn cầu. Nói cách khác, việc dỡ bỏ thuế quan đối với Anh theo thỏa thuận ít có tác động trực tiếp tới kinh tế nước này khi các ngành công nghiệp trọng tâm trong thỏa thuận chỉ chiếm chưa đến 30% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Anh sang Mỹ và chưa đến 1% GDP. Tuy nhiên, là nền kinh tế mở, Anh sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tác động lan tỏa từ thuế quan áp dụng cho các đối tác thương mại khác của Mỹ như Liên minh châu Âu (EU), đối tác thương mại lớn nhất của Anh, chiếm 41,4% kim ngạch xuất khẩu và 51,5% kim ngạch nhập khẩu của nước này, theo bà Titareva.
Mặc dù vậy, thỏa thuận có thể giúp củng cố nền kinh tế thông qua việc giảm bớt một số bất ổn được BoE xác định là tác nhân làm giảm niềm tin kinh doanh và tiêu dùng. Thỏa thuận cũng có thể đưa ra một mô hình tham khảo cho các cuộc đàm phán của các đối tác thương mại khác của Mỹ, trong đó có Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, các quốc gia được coi là gần đạt được thỏa thuận nhất với Washington, gửi tín hiệu tới các đối tác của Mỹ rằng các tuyên bố thuế quan mạnh mẽ của Tổng thống ông Trump có thể thương lượng được nếu có chiến lược đàm phán mềm mỏng phù hợp. Ít nhất, đây có thể là thỏa thuận mang tính "mở lối", chỉ ra cách thức để đàm phán thuế quan với Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cảnh báo, nếu mối quan hệ đặc biệt với Anh như Tổng thống Trump ca ngợi chỉ đạt được một số nhượng bộ nhỏ, các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ có lẽ không nên hy vọng quá nhiều.
Minh Hợp (Phóng viên TTXVN tại Vương quốc Anh)