Tại Quảng trường Con tin ở Tel Aviv (Israel), một chiếc đồng hồ đếm ngày, giờ, phút và giây mà các con tin bị nhóm vũ trang Hamas bắt trong các cuộc tấn công của nhóm này vào Israel hồi tháng 10-2023.
Đến hiện tại, đồng hồ hiện hơn 500 ngày. Tuy nhiên, con số này không phản ánh thời gian mà anh Avera Mengistu – con tin người Israel bị Hamas giam lâu nhất – đã trải qua.
Anh Mengistu là một người Israel gốc Ethiopia và đã bị Hamas giam hơn 3.800 ngày kể từ khi vượt biên sang Gaza vào năm 2014.
Hôm 21-2, anh Mengistu được đã được thả về Israel theo thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Đối với gia đình anh Mengistu và cộng đồng người Ethiopia ở Israel, đây là khoảnh khắc vui mừng và nhẹ nhõm. Nhưng đó cũng là lời nhắc nhở cay đắng về việc những nỗ lực của cộng đồng này để giải cứu anh Mengistu đã không thu hút được sự chú ý của mọi người trong nhiều năm.
Hình ảnh anh Avera Mengistu trong một chương trình trên ti vi. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL
Điều gì khiến anh Mengistu bị giam suốt 10 năm?
Là con thứ tư một gia đình có 10 người con, anh Mengistu di cư đến Israel từ Ethiopia vào đầu những năm 1990 khi mới 5 tuổi. Anh Mengistu định cư cùng gia đình tại một khu phố nghèo ở TP Ashkelon (miền nam Israel).
Gia đình này là một phần của làn sóng người Ethiopia di cư đến Israel trong khoảng cuối thế kỷ XX. Nhiều người di cư là người mù chữ, sống trong các cộng đồng nông thôn và phải cố gắng để hòa nhập vào xã hội Israel. Cha mẹ của anh Mengistu không nói được tiếng Do Thái hay tiếng Anh và mẹ anh làm giúp việc.
Đến nay, cộng đồng người Israel gốc Ethiopia đã phát triển lên 171.000 người. Tuy nhiên, họ vẫn là một trong những bộ phận nghèo nhất của xã hội Israel.
Ông Gil Elias là hàng xóm nhà anh Mengistu. Ông Elias cho biết anh Mengistu là người hướng nội nhưng luôn thân thiện, hay cười và thích cưỡi ngựa.
"Cậu ấy có nụ cười tươi tắn nhưng hơi tinh nghịch" – bà Tlaynesh (Yonit) Tafere, một người hàng xóm khác, cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Elias và bà Tafere, thái độ của anh Mengistu đã thay đổi sau cái chết của anh trai Michael. Điều này ảnh hưởng mạnh đến sức khỏe tâm thần của anh. Sau đó, anh Mengistu biến mất trong một thời gian và mẹ anh đã báo cho nhà chức trách.
Anh Mengistu đi vào Gaza vào ngày 7-9-2014, sau khi tranh cãi với mẹ. Anh Mengistu rời khỏi nhà và đi bộ trên bãi biển về phía Gaza với một chiếc ba lô đựng máy tính, một cuốn sách giáo khoa toán và một chiếc khăn tắm.
Hình ảnh những con tin bị Hamas bắt được treo tại Quảng trường Con tin tại Tel Aviv (Israel). Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL
Anh Mengistu thả ba lô xuống đất rồi trèo qua hàng rào an ninh phân chia Israel và Dải Gaza. Tất cả hình ảnh này đều được camera giám sát ghi lại.
Nỗ lực và bất lực
Trong suốt nhiều năm sau đó, gia đình anh Mengistu và những người quan tâm đã tích cực vận động với mong muốn anh được sớm thả về. Tuy nhiên, các nỗ lực này dường như không phát huy nhiều tác dụng.
"Anh ấy có thể được đưa về nhà sớm hơn nhiều. Anh ấy đã bị bỏ rơi" – bà Pnina Tamano-Shata, một nhà lập pháp Israel gốc Ethiopia, lên tiếng.
“Nó giống như vấn đề của người Ethiopia vậy. Điều đó thực sự không khiến ai quan tâm” – cô Rivka Sally Bayna, một người Israel gốc Ethiopia đã tham gia các cuộc biểu tình đòi trả tự do cho Mengistu trong nhiều năm, nêu ý kiến.
Ngoài anh Mengistu, ông Hisham al-Sayed – một người Israel gốc Ả Rập bị Hamas giam trong gần 10 năm – cũng được thả. Người phát ngôn của Thủ tướng Israel từ chối bình luận về lý do tại sao các cuộc đàm phán giải cứu anh Mengistu và ông Sayed trước đây đã thất bại.
Cô Sally Bayna cho biết các gia đình con tin bị Hamas bắt vào tháng 10-2023 đã xin lỗi vì không tham gia các cuộc biểu tình trước đó để đòi đòi trả tự do cho anh Mengistu. Kể từ khi Hamas tấn công Israel, bên cạnh việc vận động thả những người bị Hamas bắt vào ngày này, Diễn đàn Con tin và Gia đình Mất tích đã vận động để trả tự do cho anh Mengistu và ông Sayed.
Theo ông Gershon Baskin – chuyên gia đàm phán về con tin của Israel, trong nhiều năm, chính phủ Israel đã có các cuộc đàm phán gián tiếp với Hamas về việc trả tự do cho anh Mengistu, ông Sayed và bàn giao thi thể của 2 binh sĩ thiệt mạng trong một cuộc xung đột trước đó giữa Israel và Hamas ở Gaza. Tuy nhiên, trong những cuộc đàm phán đó, phía Israel không đồng ý yêu cầu của Hamas về việc thả những người Palestine đang thụ án chung thân tại nhà tù Israel.
Theo ông Baskin, các quan chức Israel không chịu bất kỳ áp lực nào trong việc đòi trả tự do cho anh Mengistu và ông Sayed vì những con tin này không đến từ các cộng đồng có ảnh hưởng trong xã hội Israel.
Trước đó, ngay sau khi anh Mengistu vào Gaza, cơ quan kiểm duyệt quân sự của Israel đã ban hành lệnh cấm truyền thông đưa tin về vụ việc trong suốt nhiều tháng. Ông Elias cho biết chính phủ đã yêu cầu gia đình không được phản đối hoặc gây chú ý vì điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng được thả của anh Mengistu. Cơ quan kiểm duyệt quân sự của Israel hiện từ chối bình luận về vấn đề này.
Trong một bản ghi âm bị rò rỉ cho phương tiện truyền thông Israel năm 2015, đại diện của thủ tướng Israel về vấn đề con tin – ông Lior Lotan đã nói với các thành viên của gia đình anh Mengistu trong một cuộc họp rằng họ nên tránh chỉ trích chính phủ Israel.
Bà Tlaynesh (Yonit) Tafere và con trai. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL
"Bất kỳ ai liên kết câu chuyện của Avera Mengistu với mối quan hệ giữa cộng đồng người Israel gốc Ethiopia và nhà nước Israel sẽ khiến anh ta có thể bị giam ở Gaza thêm 1 năm nữa”, theo bản ghi âm. Ông Lotan hiện từ chối bình luận về vấn đề này.
"Chúng tôi đã phải chờ đợi Mengistu rất nhiều năm, chờ đợi chính phủ cứu ông ấy" – ông Michal Worke, một người vận động cho việc thả anh Mengistu, nói.
Tuy nhiên, với thỏa thuận ngừng bắn vừa qua, cuối cùng, anh Mengistu đã được về. Bà Tafere cho biết gần đây, bà rất bận rộn trong việc chuẩn bị cho gia đình anh Mengistu đón anh quay về.
"Tôi sẽ đến bệnh viện. Tôi muốn ôm gia đình anh Mengistu và những người đã ở đó suốt thời gian qua" – bà Tafere nói.
KHOA ĐIỀM