Theo báo cáo "Triển vọng Thị trường 6 tháng cuối năm 2025" vừa công bố bởi Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), Việt Nam và Mỹ đã đạt được những thống nhất ban đầu quan trọng sau ba vòng đàm phán khẩn trương. Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ định hình lại cục diện thương mại song phương và giảm thiểu rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng từng phủ bóng lên thị trường từ đầu quý II đến nay.
Cụ thể, thay vì đối mặt với mức thuế trừng phạt lên tới 46% theo sắc lệnh ban hành hồi tháng 4, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ sẽ chỉ phải chịu thuế thấp hơn rất nhiều.
Theo VCBS, mức thuế mới vẫn tạo dư địa đủ lớn để duy trì khả năng cạnh tranh cho các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, đồ gỗ và thủy sản. Những lĩnh vực này vốn chịu ảnh hưởng nặng nề sau tuyên bố áp thuế trước đó, nay có cơ hội điều chỉnh lại chi phí và chiến lược thị trường để giữ vững thị phần tại Mỹ, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Không chỉ giúp các doanh nghiệp bớt áp lực chi phí, thỏa thuận này còn được nhận định là liều "an thần" cho tâm lý nhà đầu tư. VCBS ghi nhận, nhiều cổ phiếu ngành xuất khẩu và cả nhóm tài chính đã ghi nhận sự phục hồi rõ rệt kể từ thời điểm thông tin tích cực từ vòng đàm phán cuối cùng được công bố. Một phần nguyên nhân là thị trường không còn đối mặt với kịch bản xấu nhất về sự đứt gãy dòng vốn FDI hay suy giảm mạnh trong đơn hàng xuất khẩu.
Ngoài các ngành xuất khẩu trực tiếp, tác động lan tỏa của thỏa thuận còn giúp cải thiện triển vọng cho nhóm ngành tài chính. VCBS cho rằng, việc giảm bớt nguy cơ tăng trưởng chậm lại sẽ giúp các ngân hàng duy trì chất lượng tín dụng, giảm áp lực nợ xấu và thúc đẩy hoạt động cho vay trong giai đoạn cuối năm. Bên cạnh đó, lĩnh vực chứng khoán và bất động sản, vốn nhạy cảm với dòng vốn và tâm lý thị trường - cũng được hỗ trợ tích cực.
Về dài hạn, việc Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đạt được thỏa thuận điều chỉnh thuế thương mại với Mỹ cho thấy sự chủ động và linh hoạt của chính sách đối ngoại. Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn vẫn đang đối mặt với áp lực từ lạm phát, xung đột địa chính trị và suy giảm thương mại, thỏa thuận này có thể giúp Việt Nam giữ được vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
VCBS đánh giá rằng thỏa thuận này không chỉ giúp ổn định vĩ mô, mà còn là nền tảng quan trọng để Việt Nam duy trì mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2025. Việc giải tỏa áp lực thuế tạo ra dư địa cho doanh nghiệp điều chỉnh chi phí, giữ nhịp tăng trưởng lợi nhuận và quan trọng hơn là thu hút dòng tiền đầu tư mới - đặc biệt từ khối ngoại, vốn đang trở nên thận trọng hơn trước các bất định toàn cầu.
Trên thị trường chứng khoán, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư có thể tận dụng giai đoạn phục hồi hiện tại để cơ cấu lại danh mục, ưu tiên các doanh nghiệp có khả năng kiểm soát chi phí tốt, năng lực xuất khẩu linh hoạt và triển vọng lợi nhuận rõ nét trong môi trường thương mại mới.
Mặc dù bức tranh vẫn còn một số điểm chưa hoàn thiện, thỏa thuận hiện tại đã đóng vai trò như một "tấm đệm" chiến lược, vừa giúp Việt Nam tránh được cú sốc thuế tức thời, vừa mở ra không gian đàm phán cho những nhượng bộ tiếp theo. Trong ngắn hạn, đây là yếu tố then chốt góp phần duy trì sự ổn định cho thị trường và khẳng định lại vị thế của Việt Nam trong thương mại toàn cầu.
Bình Minh