Thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh: Dấu hỏi về tính bền vững

Thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh: Dấu hỏi về tính bền vững
3 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN
Ông cho biết thỏa thuận này sẽ mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp như thịt bò và ethanol, với giá trị ước tính hàng tỷ USD.
Theo ông Trump, thỏa thuận đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại song phương. Phát biểu tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Trump bày tỏ: “Tôi rất vui mừng thông báo Mỹ đã đạt được một thỏa thuận thương mại mang tính đột phá với Anh”. Đây là thỏa thuận đầu tiên kể từ khi ông Trump phát động chiến dịch áp thuế quan toàn cầu vào ngày 2/4, được ông gọi là “Ngày Giải phóng”.
Qua điện thoại, Thủ tướng Anh Keir Starmer nói: “Đây là một ngày thực sự tuyệt vời, mang tính lịch sử”, nhấn mạnh thỏa thuận sẽ thúc đẩy thương mại song phương. Cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Anh đều nêu bật ý nghĩa việc ký kết hiệp định đúng vào dịp kỷ niệm 80 năm kết thúc Thế chiến II.
Tháng 4/2025, Tổng thống Trump đã áp thuế đối ứng với nhiều quốc gia nhưng tạm dừng trong 90 ngày đối với hầu hết các đối tác, trừ một số trường hợp như mức thuế 25% với Canada, Mexico và 145% với Trung Quốc. Anh không bị áp thuế đối ứng, nhưng phải đối mặt với thuế quan cơ bản 10% và thuế 25% đối với ô tô, thép, nhôm nhập khẩu vào Mỹ.
Chi tiết của thỏa thuận chưa được công bố đầy đủ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho biết Anh đồng ý giảm hoặc xóa bỏ một số lượng “các hàng rào phi thuế quan phân biệt đối xử không công bằng với hàng hóa Mỹ”. Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Howard Lutnick mức thuế 10% vẫn sẽ được duy trì, nhưng theo thỏa thuận Anh sẽ mở cửa cho thịt bò, ethanol và máy móc Mỹ trị giá khoảng 5 tỷ USD. Thuế 25% đối với ô tô sẽ giảm xuống 10% cho 100.000 xe đầu tiên, và một hãng hàng không Anh dự kiến sẽ sớm công bố kế hoạch mua máy bay Boeing trị giá 10 tỷ USD.
Anh là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ, nhưng nước này trao đổi lượng hàng hóa và dịch vụ nhỏ hơn nhiều so với các đối tác lớn như Trung Quốc hay Liên minh châu Âu (EU), chủ yếu là ô tô và hóa chất xuất sang Mỹ. Thỏa thuận này đặc biệt quan trọng với Anh, giúp giảm tác động của thuế quan Mỹ lên các ngành ô tô, thực phẩm, đồ uống và thép. Thủ tướng Starmer nhấn mạnh thỏa thuận sẽ bảo vệ hàng nghìn việc làm và hỗ trợ doanh nghiệp Anh.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Belsize Park, phía Bắc thủ đô London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Với Mỹ, thỏa thuận mở ra cơ hội xuất khẩu nông sản và máy móc, đồng thời củng cố quan hệ với một đồng minh chiến lược. Ngoại trưởng Mỹ, Marco Rubio, ca ngợi: “Đây là bước tiến quan trọng hướng tới thương mại công bằng và có đi có lại”, bày tỏ kỳ vọng vào các thỏa thuận tương lai.
Tổng thống Trump cho biết ông đã tạo ra một ngoại lệ đặc biệt cho nước Anh bằng cách hạ thuế ô tô từ 25% xuống 10% để hỗ trợ các loại xe cao cấp như xe Rolls-Royce, Bentley và Jaguar được sản xuất tại Anh, những dòng xe mà ông nói rằng rất đặc biệt, có số lượng hạn chế, chứ không phải là một trong những công ty sản xuất xe hơi khổng lồ sản xuất hàng triệu chiếc xe. Tổng thống Trump cho biết ông "hiếm khi" đưa ra quyết định tương tự trong các cuộc đàm phán với các quốc gia khác khi nói đến các loại ô tô nước ngoài khác.
Khi được hỏi liệu các thỏa thuận thương mại với các quốc gia khác có thể dẫn đến việc duy trì mức thuế quan là 10% hay không, thay vì mức thuế quan "có đi có lại", trước khi tạm dừng hầu hết các thỏa thuận, ông Trump trả lời là "Không". Ông nói: "Mức thuế cơ sở 10% có lẽ là thấp nhất", ám chỉ rằng các quốc gia khác có thể bị áp đặt mức thuế quan cao hơn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan về thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh. Nhà kinh tế học, Justin Wolfers từ Đại học Michigan nhận định với kênh truyền hình CNN: “Đây không phải một thỏa thuận thương mại lớn”, lưu ý Anh chỉ chiếm khoảng 3% thương mại của Mỹ. Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mỹ, ông Chuck Schumer bày tỏ nghi ngờ về tính bền vững của thỏa thuận. Phát biểu tại Thượng viện, ông Schumer nói: “Thỏa thuận này có khả năng được xây dựng trên bãi cát lún”, đồng thời cảnh báo: “Sẽ rất khó để coi trọng bất cứ điều gì ông Trump nói về thỏa thuận này, bởi ông ấy có thể thay đổi quyết định”.
Mỹ đang chịu áp lực từ các nhà đầu tư để đạt được các thỏa thuận nhằm hạ nhiệt cuộc chiến thuế quan, vốn bắt đầu gây ra sự xáo trộn trong hoạt động thương mại toàn cầu. Các quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã tham gia một loạt cuộc họp với các đối tác thương mại kể từ khi Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế cơ sở 10% đối với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ vào ngày 2/4, cùng các mức thuế đối ứng cao hơn với nhiều đối tác thương mại. Sau đó, ông Trump tuyên bố tạm đình chỉ việc áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với hơn 70 quốc gia.
Ngày 6/5, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng các thỏa thuận có thể sớm được ký kết. "Tôi nghĩ rằng có lẽ sớm nhất là vào tuần này, chúng tôi sẽ công bố các thỏa thuận thương mại với một số đối tác thương mại lớn nhất của mình", ông Bessent cho biết.
Có 18 quốc gia mà Bộ trưởng Bessent mô tả là "đối tác thương mại lớn". Ông cho biết các cuộc đàm phán đã bắt đầu với tất cả các quốc gia này ngoại trừ Trung Quốc, nhưng các cuộc đàm phán giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc hiện đã được lên lịch. Ông Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer đến Thụy Sĩ vào ngày 8/5 (theo giờ địa phương), nơi họ sẽ gặp "đại diện chính về các vấn đề kinh tế" của Trung Quốc.
Ngọc Quang (P/v TTXVN tại Washington)
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/thoa-thuan-thuong-mai-my-anh-dau-hoi-ve-tinh-ben-vung/372985.html