Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung liệu có bền vững?

Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung liệu có bền vững?
9 giờ trướcBài gốc
Bước đi xoa dịu tạm thời
Cả Mỹ và Trung Quốc sẽ tạm thời dỡ bỏ hoặc đình chỉ một số thuế quan mà hai bên áp dụng hồi tháng 4. Theo đó, các mức thuế bổ sung của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc sẽ giảm từ 145% xuống 30%, trong khi thuế của Trung Quốc với hàng hóa Mỹ sẽ giảm từ 125% xuống còn 10%. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực trong 90 ngày kể từ ngày 14/5.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đồng ý loại bỏ các biện pháp phi thuế quan, bao gồm hạn chế xuất khẩu khoáng sản chiến lược sang Mỹ. Các biện pháp của Hoa Kỳ vẫn bao gồm thêm 20% thành phần nhằm gây sức ép buộc Bắc Kinh phải hành động nhiều hơn để hạn chế tình trạng buôn bán bất hợp pháp fentanyl, một loại thuốc phiện mạnh. Đây được coi là bước đi “hạ nhiệt” sau nhiều tháng leo thang căng thẳng thương mại khiến thị trường toàn cầu chao đảo.
Thông báo được đưa ra sau khi hai nước tổ chức đàm phán tại Thụy Sĩ, đây là cuộc đàm phán đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Tổng thống Donald Trump châm ngòi cho cuộc chiến thuế quan mới nhất.
Điều gì xảy ra sau 90 ngày nữa?
Có thể nói rằng việc cố gắng dự đoán những bước tiếp theo trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong vài tháng qua là điều vô cùng khó khăn. Nhưng đây là một thỏa thuận quan trọng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và được hoan nghênh rộng rãi.
Ngay cả khi mức thuế quan bị đình chỉ được áp dụng trở lại sau 90 ngày, thì mức thuế quan của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc sẽ chỉ tăng lên 54% và mức thuế quan của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ sẽ tăng lên 34%, do phần lớn các mức thuế quan được công bố hôm 2/4 đã bị hủy bỏ.
Tàu container của Trung Quốc cập cảng Long Beach, Mỹ, ngày 28/4/2025. Ảnh: Bloomberg
Hiện tại, cả hai đều xác nhận các cuộc đàm phán giữa hai chính phủ vẫn tiếp tục, do đó có thể hy vọng về một thỏa thuận tiếp theo. Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent cho biết cả hai nước đều đồng thuận rằng "không bên nào muốn tách khỏi nền kinh tế của bên còn lại". Trong khi Bộ thương mại Trung Quốc cho biết thỏa thuận này là bước đi nhằm "đặt nền móng cho quá trình thu hẹp khác biệt và tăng cường hợp tác".
Thoạt nghe người ta có thể kỳ vọng rằng mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc dường như đã trở nên thân thiện hơn, nhưng như thế giới đã từng chứng kiến trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng.
Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài tích cực, bà Angela Huyue Zhang - Giáo sư Luật tại Đại học Nam California và ông S. Alex Yang - Giáo sư Khoa học Quản lý và Hoạt động tại Trường Kinh doanh London cảnh báo rằng, đây có thể chỉ là “sự bình yên trước một cơn bão lớn”. Các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ rất khó khăn và kết quả cuối cùng vẫn còn bất định.
Đàm phán thương mại không giống một thương vụ bất động sản
Tổng thống Donald Trump, xuất thân từ lĩnh vực kinh doanh, đã dùng thuế quan như một con bài mặc cả. Ông tin rằng chiến thuật gây sức ép tối đa sẽ buộc đối phương phải nhượng bộ, từ đó ông có thể tuyên bố chiến thắng chính trị.
Tuy nhiên, đàm phán thương mại không đơn giản như một thương vụ bất động sản. Nó phức tạp, kéo dài, và hệ quả sâu rộng hơn nhiều, đặc biệt khi đối tác là Trung Quốc - quốc gia có nền kinh tế lớn, sức ảnh hưởng toàn cầu, và luôn đặt cao vấn đề thể diện quốc gia.
Nếu Trung Quốc nhượng bộ quá dễ dàng, điều này có thể bị xem là dấu hiệu của yếu đuối, gây phản ứng tiêu cực trong nước. Ngược lại, Mỹ cũng khó lòng rút lui mà không bị coi là thất bại. Người Trung Hoa có câu ngạn ngữ: “Kỵ hổ nan hạ”, ý nói “đã cưỡi lên lưng hổ thì khó xuống”.
Thách thức soạn thảo và thực thi thỏa thuận
Ngay cả khi đạt được đồng thuận ban đầu, một thỏa thuận thương mại toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn rất khó soạn thảo, và gần như khó có thể thực thi hiệu quả. Lịch sử của các thỏa thuận giữa hai nước là minh chứng cho điều đó.
Vào năm 2019, hai bên từng đạt được một thỏa thuận nguyên tắc, nhưng cuối cùng đổ vỡ do bất đồng về chi tiết. Mỹ yêu cầu một bản hợp đồng cứng rắn dài 150 trang, quy định các cải cách pháp lý cụ thể. Trong khi đó, Trung Quốc lại muốn một thỏa thuận mềm dẻo hơn, dựa trên nguyên tắc và linh hoạt trong thực thi qua các biện pháp hành chính.
Thỏa thuận “giai đoạn một” ký vào tháng 1/2020 - vốn được Tổng thống Donald Trump ca ngợi là “chiến thắng lịch sử” - cũng không mang lại kết quả như kỳ vọng. Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong hai năm, nhưng sau đó không thực hiện được. Thỏa thuận này không có cơ chế thực thi trung lập, cũng không phải là thỏa thuận tự thực thi, nên khi Trung Quốc vi phạm, Mỹ - dưới thời Tổng thống Joe Biden - gần như không có biện pháp phản ứng hữu hiệu.
Tình trạng thiếu lòng tin giữa hai bên, đặc biệt sau những chính sách khó đoán của Tổng thống Donald Trump, càng làm cho bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai đều mong manh, dễ đổ vỡ.
Tác động dây chuyền tới chuỗi cung ứng toàn cầu
Ngay cả khi thuế quan được dỡ bỏ, tình trạng gián đoạn mà chúng gây ra cho chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn kéo dài. Các nhà bán lẻ đã phải hủy đơn hàng, các nhà máy và nhà phân phối phải điều chỉnh sản xuất và tồn kho, dẫn đến tình trạng hỗn loạn và chi phí tăng cao. Đây là một ví dụ điển hình của “hiệu ứng roi da” (bullwhip effect) - khi những thay đổi nhỏ trong đầu vào gây ra biến động lớn trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Lấy ví dụ ngành đồ chơi: để một món đồ chơi sản xuất tại Trung Quốc có mặt trên kệ hàng Mỹ vào mùa Giáng sinh, quá trình sản xuất phải bắt đầu từ tháng 3, đặt hàng vào tháng 4, và vận chuyển từ Trung Quốc vào tháng 7. Mỗi giai đoạn đều được lên kế hoạch chặt chẽ. Khi thuế thay đổi bất ngờ, các nhà bán lẻ sẽ do dự không đặt hàng, làm chậm quy trình sản xuất và vận chuyển.
Ngay cả khi thuế được dỡ bỏ, nhu cầu phục hồi cũng không thể ngay lập tức kéo chuỗi cung ứng trở lại bình thường. Thiếu hàng hóa sẽ đẩy giá lên cao, và mức giá cao lại gửi tín hiệu sai đến nhà sản xuất, có thể dẫn đến tình trạng dư thừa trong dài hạn - một vòng lặp bất ổn đặc trưng của hiệu ứng roi da.
Tình trạng này gợi nhớ đến giai đoạn khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu trong đại dịch Covid-19, khi các nhà máy đóng cửa đột ngột gây ra tình trạng thiếu hụt - dư thừa kéo dài nhiều năm.
Chủ nghĩa khó đoán và tương lai không chắc chắn
“Chủ nghĩa khó đoán” trong phong cách ra quyết định của Tổng thống Donald Trump có thể mang lại lợi thế trong các thương vụ cá nhân, nhưng đối với lĩnh vực thương mại toàn cầu, nó gây ra sự hỗn loạn khủng khiếp. Các chuỗi cung ứng cần sự ổn định, minh bạch và kế hoạch dài hạn - chứ không thể thích nghi với những chính sách “sáng nắng chiều mưa” hay các cuộc leo thang chiến thuật.
Dù thỏa thuận tạm thời này mang lại tâm lý tích cực cho thị trường và doanh nghiệp, các chuyên gia khuyến cáo rằng tất cả vẫn nên thận trọng. Bản chất bấp bênh của thỏa thuận, cùng với lịch sử các cuộc đàm phán trước đây, cho thấy nguy cơ bất ổn vẫn hiện hữu.
Dù thế giới tạm thời tránh được một cuộc leo thang chiến tranh thuế quan nguy hiểm, triển vọng cho một thỏa thuận thương mại thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn xa vời. Sự khác biệt trong cách tiếp cận, tình trạng thiếu lòng tin lẫn nhau, và những yếu tố chính trị nội bộ ở cả hai nước khiến bất kỳ thỏa thuận nào cũng khó có thể bền vững.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các chính phủ cần chuẩn bị cho một thực tế mới: thương mại toàn cầu ngày càng bị chi phối bởi yếu tố chính trị, sự bất định là điều thường trực, và chuỗi cung ứng toàn cầu có thể tiếp tục chịu tác động dài hạn từ các chính sách mang tính đối đầu.
Quốc Đạt
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/thoa-thuan-thuong-mai-my-trung-lieu-co-ben-vung-10372453.html