Yếu tố, thói quen dẫn đến nguy cơ mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ
Thoái hóa đốt sống cổ một trong những bệnh lý rất phổ biến, nhất là với người cao tuổi. Biến chứng thoái hóa đốt sống cổ rất đáng lo ngại đối với sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ là người già từ 40 đến 50 tuổi, gồm cả nam và nữ. Tuy nhiên hiện nay đối tượng có nguy cơ mắc bệnh đang dần trẻ hóa (từ 25- 30 tuổi) bởi thói quen sinh hoạt cũng như lao động thiếu khoa học.
Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh mạn tính, tiến triển từ từ tăng dần gây đau.
Những yếu tố, thói quen dẫn đến nguy cơ mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ:
Ít vận động, luyện tập thể thao.
Nằm và ngồi sai tư thế trong thời gian dài.
Có tiền sử bị chấn thương vùng cổ.
Chế độ ăn uống thiếu khoa học, không bổ sung các chất canxi, magie, vitamin D.
Bệnh nhân béo phì.
Do đặc thù công việc: ngồi máy tính nhiều, hay mang vác vật nặng…
Do di truyền.
Các biểu hiện của thoái hóa đốt sống cổ
Đau nhức vùng cổ, đau từ gáy sang cổ, tai, đôi khi đau cả đầu, bả vai, cánh tay. Người bệnh cảm thấy đau nhiều, khó khăn khi vận động ở cổ như xoay, cúi, ngửa cổ.
Bệnh nhân đau ê ẩm vùng gáy, cứng cổ, đau đầu khi nằm không đúng tư thế, khi nằm lâu, khi thời tiết thay đổi đột ngột…
Thoái hóa đốt sống cổ có nguy hiểm không?
Đây là một trong những bệnh lý rất phổ biến, nhất là với người cao tuổi. Đặc biệt, biến chứng thoái hóa đốt sống cổ rất đáng lo ngại đối với sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Cụ thể là:
Ảnh hưởng tuần hoàn máu lên não. Do bị chèn ép bởi gai xương hoặc đĩa đệm thoát vị nên lượng máu lưu thông lên não kém ổn định, thậm chí là thiếu hụt nên người bệnh hay chóng mặt, đau đầu, buồn nôn…
Tê bì, mất cảm giác, yếu chi. Khi tủy sống bị chèn ép, người bệnh sẽ có biểu hiện tê bì, yếu các khớp vai và lan dần xuống hai cánh tay, bàn tay, khó phối hợp với phần thân dưới…
Rối loạn tiểu tiện, bại liệt. Ở mức độ thoái hóa nặng, người bệnh có nguy cơ bị rối loạn tiểu tiện, liệt một hoặc cả hai tay, chân do dây thần kinh bị dồn nén, tủy sống bị chèn ép.
Các biện pháp điều trị thoái hóa đốt sống cổ
Điều trị thoái hóa đốt sống cổ là phối hợp các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Trong đó các bài tập luyện đúng phương pháp vừa là một biện pháp điều trị vừa là biện pháp dự phòng thoái hóa cột sống.
Thư giãn và nghỉ ngơi: Người bệnh tránh bị streess, dành thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi nhiều. Khi nằm nên kê gối thấp, nằm đầu bằng tránh kê gối quá cao gây gập đốt sống cổ; Chườm nóng hoặc lạnh: giúp giảm đau và lưu thông máu. Thường chườm nóng trước, chườm lạnh sau.
Thuốc: Đầu tiên, các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị không can thiệp bằng cách kê một số loại thuốc nhất định giúp làm giảm những triệu chứng khó chịu của bệnh nhân như: thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau; tiêm steroid, thuốc chống viêm không steroid (NSAID)… và yêu cầu bệnh nhân nghỉ ngơi hay tập luyện theo bài tập được thiết kế riêng trong một khoảng thời gian nhất định.
Phẫu thuật: Nếu tình trạng vẫn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng cử động cánh tay, không đáp ứng với các hình thức điều trị bảo tồn…, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật. Cách làm này giúp loại bỏ các gai xương, đĩa đệm thoát vị để giải phóng áp lực cho tủy sống và các dây thần kinh.
Vât lý trị liệu: Đây là phương pháp phổ biến trong điều trị thoái hóa cột sống cổ nhằm hạn chế tình trạng co cứng khớp cổ, tăng cường sự lưu thông máu đến vùng cổ, giúp cho các cử động vùng cổ và vai gáy được dễ dàng hơn.
Các bài tập thể dục vùng cổ vai nên được duy trì đều đặn 1- 2 lần/ngày, vào buổi sáng hoặc tối trước khi đi ngủ, mỗi động tác thực hiện 5- 10 lần, tập nhẹ nhàng, từ từ đề phòng chóng mặt do thay đổi tư thế đột ngột.
Lời khuyên thầy thuốc
Vât lý trị liệu là phương pháp phổ biến trong điều trị thoái hóa đốt sống cổ.
Tuy thoái hóa cột sống cổ thường xuất hiện kèm với những yếu tố tuổi tác, thói quen sinh hoạt, đặc thù nghề nghiệp… nhưng vẫn có thể phòng tránh hay làm giảm ảnh hưởng bằng các biện pháp như sau:
Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học bằng cách tuân thủ một chế độ ăn uống cân bằng, đặc biệt chú trọng bổ sung các thực phẩm giàu: vitamin C, D, E, K, Beta carotene, chất béo không bão hòa Omega – 3; Bioflavonoid…
Để đề phòng nguy cơ chấn thương ở đốt sống cổ - một trong những nguyên nhân gây thoái hóa cột sống cổ, nên chọn các dụng cụ thích hợp để bảo vệ như: đai an toàn khi chơi thể thao, dây đeo khi lái xe, giá đỡ khi tập gym…
Hàng ngày, nên chú ý làm giảm áp lực cho cột sống cổ trong sinh hoạt bằng cách đứng thẳng, không khom lưng hoặc chùng vai, không mang vác vật nặng sai tư thế, không bật người dậy đột ngột khi đang nằm…
Tăng cường vận động giúp các cơ, xương, khớp, dây chằng dẻo dai thì cột sống cũng sẽ khỏe hơn. Tuy nhiên, trước khi chơi các môn thể thao, nên kiểm tra sức khỏe xương khớp và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để chọn loại hình phù hợp.
Hạn chế thuốc lá, rượu bia để bảo vệ sức khỏe của xương khớp nói chung và cột sống cổ nói riêng.
Tóm lại: Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý mạn tính, cần được theo dõi và điều trị lâu dài. Người bệnh cần tuân thủ theo y lệnh bác sĩ và tái khám theo hẹn để được quyết định hướng điều trị tiếp theo.
BS. Nguyễn Thị Thanh