Thoát nghèo từ những việc làm thiết thực

Thoát nghèo từ những việc làm thiết thực
19 giờ trướcBài gốc
Nhờ được hỗ trợ vốn, gia đình anh Bùi Văn Tuấn tạo dựng được mô hình chăn nuôi, mang lại thu nhập ổn định
Trao “cần câu”
Để giúp người dân giảm nghèo hiệu quả, các cơ quan, ban ngành luôn quan tâm công tác hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo... Trong đó, việc hỗ trợ người dân vay vốn làm ăn, tạo thu nhập, để hộ nghèo nhanh chóng vươn lên thoát nghèo luôn được chính quyền các cấp chú trọng.
Gia đình anh Bùi Văn Tuấn, ở xã Vĩnh Hòa, Phú Giáo là một điển hình. Cách đây 5 năm, anh Tuấn được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Giáo tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng để chăn nuôi dê. Có tiền, cùng với kiến thức có được từ chăn nuôi, anh đã thành công ngoài mong đợi trong việc phát triển kinh tế gia đình. Hiện, đàn dê của gia đình anh luôn dao động từ 40 đến 60 con sinh sản. Mỗi năm, anh bán ra thị trường hàng chục con dê thịt. “Nếu không có nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi thì gia đình tôi vẫn còn nhiều khó khăn. Đây là một chính sách tốt giúp người nghèo vươn lên”, anh Tuấn nói.
Trên hành trình vươn lên thoát nghèo, ông Mai Huy Đồng, phường Tân Hiệp (TP.Tân Uyên) không bao giờ quên sự giúp đỡ của chính quyền các cấp đối với gia đình mình. Hai vợ chồng ông Đồng không có việc làm ổn định, phải lo cho 4 đứa con ăn học, nên phải chạy từng đồng. Nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ tiếp cận chương trình bò sinh sản, tiếp cận nguồn vốn vay, đến nay đàn bò nhà ông ngày càng phát triển tốt, tạo ra nguồn thu nhập ổn định...
Tính đến cuối năm 2024, Bình Dương còn 4.306 hộ nghèo/404.832 hộ dân, chiếm tỷ lệ 1,06%. Trong đó, có 1.717 hộ nghèo theo chuẩn Trung ương và 2.589 hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh.
Tùy vào hoàn cảnh gia đình, cũng như điều kiện sống ở từng địa phương, cán bộ cấp cơ sở bám sát, tư vấn cho từng hộ tiếp cận nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả. Trao “cần câu” cho hộ nghèo là cách làm thiết thực tại các xã, phường trong tỉnh. Với chị Đỗ Thị Hà, phường Hiệp An (TP.Thủ Dầu Một), sau nhiều năm đi làm thuê đủ các nghề kiếm tiền nuôi con, chị được địa phương hỗ trợ vay 10 triệu đồng mua sắm trang thiết bị làm nghề bán đậu hũ. Hơn 5 năm qua, nghề nghiệp đã cho thu nhập ổn định, chị đã vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh hỗ trợ vốn vay, tạo việc làm, thu nhập, địa phương còn phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khác nhằm giúp người nghèo cải thiện cuộc sống. Đó là hàng chục tỷ đồng được dành hỗ trợ học phí, học bổng cho con em, đào tạo nghề nông thôn, xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” chăm lo cho các đối tượng gặp khó khăn, bệnh tật...
Xây nhà, tạo chỗ ở ổn định
Thời gian qua các cấp chính quyền trong tỉnh còn đặc biệt chú trọng tập trung các nguồn lực hỗ trợ xây nhà, ổn định cho hộ nghèo. Bởi, khi có nhà, không còn lo lắng đến chỗ ở, người nghèo chỉ còn tập trung làm ăn, phát triển kinh tế, sẽ nhanh chóng thoát nghèo. Hàng năm, các chương trình xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà chữ thập đỏ, nhà tình thương được các sở, ngành và địa phương phối hợp thực hiện hàng trăm căn.
Mới đây, khi được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tân Uyên phối hợp với Câu lạc bộ Nữ doanh nhân thành phố trao tặng nhà đại đoàn kết với hơn 100 triệu đồng xây dựng, ông Phan Thanh Tuấn, ngụ phường Thái Hòa, khẳng định: “Chìa khóa” giúp hộ nghèo sớm thoát nghèo là căn nhà. Từ nay, gia đình ông không còn gì phải lo ngoài việc làm ăn, tích góp.
Cùng với các chính sách giảm nghèo của tỉnh, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao mức sống người dân hàng ngày, từng địa phương trong tỉnh còn xây dựng các mô hình, cách làm hay để giúp người nghèo có cuộc sống tốt hơn. Điển hình tại phường Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một), mô hình “Hồ sơ nhân ái” được thành lập trong những năm gần đây đã hỗ trợ hàng tháng cho 41 hộ. Cách làm của phường là sau khi điều tra, nắm bắt hoàn cảnh các hộ nghèo, đặc biệt là những hộ có người bệnh tật, địa phương huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, nhà hảo tâm để hỗ trợ. Bình quân, mỗi gia đình nhận khoảng 1 triệu đồng, hộ thấp nhất 500.000 đồng/tháng.
Tại TP.Dĩ An, mô hình “Cán bộ, đảng viên giúp hộ nghèo” ngày càng được nhân rộng, giúp nhiều gia đình thoát nghèo. Một cán bộ, đảng viên hỗ trợ, giúp đỡ một hộ nghèo. Với cách làm này, phường Đông Hòa là địa phương xây dựng mô hình từ năm 2018, đến nay đã giúp cho hơn 40 hộ thoát nghèo, 29 hộ thoát cận nghèo.
Hàng năm, chính quyền các cấp trong tỉnh còn tổ chức nhiều đợt tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo với hộ nghèo để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó đưa ra những chính sách hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh hỗ trợ vật chất, địa phương còn động viên về mặt tinh thần. Vào các dịp lễ tết, người nghèo được chăm lo chu đáo bằng các chính sách hỗ trợ của tỉnh, không để ai thiếu thốn. Các địa phương, đoàn thể tổ chức thăm hỏi, động viên và luôn tạo điều kiện để người nghèo vươn lên, thoát nghèo bền vững...
Chia sẻ về chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: “Những năm qua, Bình Dương luôn áp dụng chuẩn nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều. Công tác giảm nghèo mang tính toàn diện và đi vào chiều sâu. Nghĩa là hộ nghèo không chỉ được tiếp cận dưới góc độ thu nhập mà còn được xem xét hỗ trợ về khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, thông tin và việc làm. Qua đó, thông tin hộ nghèo, cận nghèo phải thu thập đầy đủ. Các chính sách hỗ trợ, giải pháp thực hiện tiếp tục duy trì, đồng bộ, hiệu quả ở các cấp trong tỉnh”.
QUANG TÁM
Nguồn Bình Dương : https://baobinhduong.vn/thoat-ngheo-tu-nhung-viec-lam-thiet-thuc-a344608.html