Thoát vị đĩa đệm thường được điều trị bằng nội khoa. Ảnh: Freepik.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, nguyên Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), trong đa số trường hợp, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng ở mức độ nhẹ có thể được điều trị hiệu quả bằng các phương pháp bảo tồn như dùng thuốc, nghỉ ngơi, tập vật lý trị liệu, và điều trị không dùng thuốc. Phẫu thuật chỉ được xem xét khi bệnh nhân ở giai đoạn nặng và các biện pháp bảo tồn thất bại.
Nhiều bệnh nhân thường e ngại phẫu thuật vì lo sợ biến chứng. Tuy nhiên, nếu được chỉ định đúng và thực hiện đúng kỹ thuật, phẫu thuật có thể mang lại kết quả điều trị cao và đáp ứng tốt mong đợi của người bệnh. Ngược lại, nếu chỉ định sai, không đúng thời điểm hoặc không phù hợp thể trạng, phẫu thuật có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như tổn thương thần kinh, liệt chi.
Bác sĩ Vũ cho hay không phải ai cũng đủ điều kiện để phẫu thuật. Những bệnh nhân lớn tuổi, thể trạng yếu, có bệnh lý nội khoa đi kèm như tim mạch, tiểu đường nặng hoặc tình trạng thoái hóa cột sống nghiêm trọng thường không phù hợp để phẫu thuật do nguy cơ tai biến khi gây mê và trong quá trình mổ.
Phẫu thuật thường được cân nhắc khi người bệnh bị thoát vị đĩa đệm lớn, chèn ép trực tiếp rễ thần kinh, vỡ vào lỗ liên hợp hoặc khối thoát vị chui vào trong ống sống, gây chèn ép chùm đuôi ngựa, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảm giác, vận động. Trong các trường hợp này, khả năng phục hồi chức năng thần kinh và cột sống sau mổ có thể đạt đến 80-90%.
Ngược lại, nếu thoát vị nhẹ hoặc chưa gây chèn ép thần kinh rõ rệt, việc can thiệp phẫu thuật thường không đem lại hiệu quả rõ rệt, thậm chí tiềm ẩn rủi ro không cần thiết.
Việc quyết định mổ cần dựa vào hai tiêu chí quan trọng như triệu chứng lâm sàng và hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống thắt lưng.
Hiện, hai phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất là mổ vi phẫu và mổ nội soi. Đây là các kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, được ứng dụng rộng rãi tại nhiều bệnh viện lớn trên thế giới.
Nguyễn Thuận