Cán bộ xã vừa làm việc vừa học đại học tại chức là cả một nỗ lực
Độc giả Vương Hồng Dương - một người từng học tại chức nhận xét: “Học tại chức chỉ là ‘cưỡi ngựa xem hoa’ thôi, hay nói nôm na là 'đánh trống điểm danh'”.
Độc giả Phạm Hữu Yên cũng đồng ý. Anh nói: “Tôi từng học tại chức, và xin nói ngắn gọn là hệ này không nghiêm túc bằng hệ chính quy. Những ý kiến bảo vệ bằng tại chức là ngụy biện”.
Nhưng theo anh, không phải ai học chính quy ra cũng làm việc tốt. Vì thế, để đảm bảo công bằng, trước hết cần chọn cán bộ, công chức có bằng chính quy, sau đó tiếp tục sàng lọc.
Với công chức, viên chức, nhiều người nhận định điều quan trọng khi làm việc là tư duy, ý thức trách nhiệm chứ không phải là loại bằng tốt nghiệp đại học. Ảnh minh họa: Thạch Thảo
Còn theo độc giả Nguyễn Tùng, trước đây, chế độ đãi ngộ cho cán bộ xã rất kém, mang tính chất "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" nên không thu hút được người giỏi. Nhiều người không thi đỗ đại học mới đi làm ở xã, từ đó phát triển lên, rồi học tại chức để "có cái bằng".
Anh Tùng cho rằng vì “đầu vào” không được chọn lọc gắt gao nên những cán bộ này có năng lực xử lý công việc chưa thật tốt, tầm nhìn phát triển địa phương còn hạn chế.
Cũng nhìn vào việc trước kia cán bộ xã thu nhập thấp nhưng anh Liễu Minh Tuấn lại có quan điểm khác. “Khi cấp xã còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn cán bộ, những người có bằng cao đẳng, tại chức đã đứng ra gánh vác công việc. Lúc đó, các anh đại học chính quy đang ở đâu, sao không về thi tuyển mà làm cán bộ xã?", anh Tuấn đặt vấn đề.
Theo anh, những cán bộ xã vừa làm việc vừa hoàn thành bằng đại học tại chức là cả một nỗ lực, chứ không thể nói là học ẩu được.
"Bây giờ tổ chức một cuộc sát hạch thực sự minh bạch, công bằng thì sẽ rõ tư duy của ai hơn ai”, anh Tuấn bày tỏ.
Quan trọng là tư duy, ý thức chứ không phải là tấm bằng
Bên cạnh đó, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng tại chức hay chính quy không quyết định năng lực làm việc. Độc giả Hồ Văn Tiến, trưởng phòng một cơ quan nhà nước chia sẻ, bản thân anh cũng học tại chức. Sau nhiều năm công tác, anh được giao vị trí trưởng phòng. Nhân viên dưới sự quản lý của anh có nhiều người tốt nghiệp đại học chính quy, thậm chí cả thạc sĩ.
Theo quan sát của anh Tiến, có người học 2 bằng đại học nhưng làm báo cáo còn không đến nơi đến chốn. Có người bằng cấp chính quy nhưng năng lực thực thì thua người học tại chức.
Vì thế, anh Tiến khẳng định điều quan trọng khi làm việc là tư duy, ý thức trách nhiệm chứ không phải tấm bằng.
Đồng tình với ý kiến này, một độc giả khác cho rằng có thể bằng tại chức không so sánh được với chính quy nhưng để chọn cán bộ thì phải xem xét cả kỹ năng, kinh nghiệm. Độc giả này nhận định: "Việc học chính quy tốn nhiều công sức hơn học tại chức. Tuy nhiên, việc chọn cán bộ làm công bộc cho dân thì cần người có lòng yêu nước, tự trọng, biết hy sinh, vì tập thể, biết phụng sự, đồng cảm với nhân dân, biết đặt bản thân vào vị trí người dân…”.
"Chính quy hay tại chức chỉ nên là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá và lựa chọn. Nếu chọn lãnh đạo thì nên chọn người có bằng chính quy, để làm việc nghiệp vụ thì dùng người có bằng tại chức cũng tốt. Nên nhớ, việc đào tạo tại chức là do nhà nước cho tổ chức ở các trường đại học, không phải các trường tự ý làm. Vì vậy, bằng tại chức cần phải được xem là 'công bằng xã hội', không nên phân biệt đối xử, miễn là người học tại chức làm được việc", độc giả Trịnh Hồng Minh nêu ý kiến.
Về cách thức tuyển chọn công chức xã, độc giả Hoài Thương - một công chức có thâm niên 24 năm đang làm việc tại cấp huyện cho rằng nên tuân theo một số tiêu chí.
"Thứ nhất, giữ lại những người đã tham gia thi đậu công chức do cấp tỉnh tổ chức. Thứ hai, nên chọn những người học đại học chính quy, loại dần những người học đại học từ xa, mở rộng, chuyên tu, liên thông. Thứ ba, chọn những cán bộ có đạo đức, gương mẫu, tiên phong trong công việc. Cuối cùng là chọn những người hiếu học, đã học lên cao học.
Tôi nghĩ sàng lọc thứ tự theo 4 tiêu chí trên là sẽ giữ lại được người tài giỏi để phục vụ nhân dân”, chị Thương đề xuất.
Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bỏ cấp huyện
Theo kết luận số 126 ngày 14/2 và Kết luận số 127 ngày 28/2, Bộ Chính trị và Ban Bí thư yêu cầu: "Nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã; thực hiện mô hình địa phương 2 cấp (tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể), bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) mới đây cũng đề xuất tổ chức đơn vị hành chính (ĐVHC) và chính quyền địa phương 2 cấp, gồm cấp tỉnh và cấp cơ sở, không tổ chức cấp huyện.
Trong đó, cấp tỉnh giữ như quy định hiện hành là tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhưng sáp nhập một số ĐVHC cấp tỉnh để bảo đảm đạt tiêu chuẩn theo quy định, đồng thời để mở rộng không gian phát triển.
Đồng thời, các ĐVHC cấp xã hiện nay được tổ chức lại để hình thành các ĐVHC cấp cơ sở, gồm: xã, phường và đặc khu ở hải đảo để phù hợp với mô hình tổ chức mới.
ĐVHC kinh tế - đặc biệt giữ như quy định hiện hành do Quốc hội quyết định thành lập.
trực tiếp bình luận phía dưới của diễn đàn hoặc gửi trực tiếp về địa chỉ mail: nhomchinhtri@vietnamnet.vn. Những bài phân tích sâu, tập trung vào giải pháp sẽ được trích đăng riêng.
Trân trọng cảm ơn!
Nguyễn Thảo