Thời điểm thích hợp để áp thuế đối với đồ uống có đường

Thời điểm thích hợp để áp thuế đối với đồ uống có đường
3 giờ trướcBài gốc
Ngoài bảo vệ sức khỏe người dân, ngân sách nhà nước sẽ tăng thu từ việc áp thuế đối với đồ uống có đường. Ảnh tư liệu
PV: Trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có đề cập đến mặt hàng đồ uống có đường sẽ được đề xuất áp thuế, ở góc độ chuyên gia đại diện WHO tại Việt Nam, ông có bình luận gì về quyết định này?
Bs Nguyễn Tuấn Lâm: WHO đánh giá đây là một đề xuất tiến bộ và rất kịp thời của Chính phủ vì một số lý do.
Thứ nhất, đã có đủ bằng chứng cho thấy đồ uống có đường (ĐUCĐ) gây ra nhiều tác hại với sức khỏe con người. Theo các tổng quan nghiên cứu mới nhất của WHO cho thấy việc sử dụng thường xuyên ĐUCĐ làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh khác nhau bao gồm tiểu đường tuýp 2, bệnh răng miệng và thừa cân béo phì. Đồng thời, từ thừa cân béo phì lại dẫn tới tăng nguy cơ nhiều bệnh khác nhau bao gồm bệnh tim mạch, bệnh thận và cả ung thư.
Thứ hai, việc tiêu thụ ĐUCĐ tại Việt Nam trong thời gian qua tăng quá nhanh. Theo số liệu từ Báo cáo Euro Monitor 2023, tiêu thụ ĐUCĐ ở Việt Nam đã tăng từ mức 18 lít trên đầu người năm 2009, lên 66,5 lít vào năm 2023, mức tăng hơn 3,5 lần trong vòng 15 năm.
Áp thuế đồ uống có đường theo lộ trình
WHO khuyến cáo cần áp thuế với đồ uống có đường theo một lộ trình với mức tăng hàng năm cho đến năm 2030 để đạt được mức tăng 20% giá bán lẻ dưới tác động của thuế. Mức thuế này sẽ giúp ổn định mức tiêu thụ sản phẩm ở Việt Nam trong những năm tới, góp phần phòng ngừa, làm giảm tỷ lệ bệnh liên quan tới đồ uống có đường trong tương lai.
Với mức tiêu thụ là 66,5 lít/dầu người mỗi năm thì sẽ tương đương với mức 18 gam đường mỗi ngày, nếu lấy giá trị trung bình là mỗi lít ĐUCĐ có chứa 100 gam đường. Mức tiêu thụ đường này sẽ tương đương với khoảng 70% lượng đường nên tiêu thụ mỗi ngày theo khuyến cáo của WHO ở mức là tốt nhất nên dưới 25 gam/ngày, chưa kể từ bất kỳ nguồn nào khác.
Thứ ba, đa số các quốc gia trên thế giới đã đánh thuế với ĐUCĐ. Theo nghiên cứu tổng quan của WHO năm 2022 đã có 107 quốc gia đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với ĐUCĐ. Còn theo cơ sở dữ liệu về thuế với ĐUCĐ của Ngân hàng Thế giới, cập nhật vào tháng 8 năm 2023 thì đã có tới 117 quốc gia áp thuế với ĐUCĐ, trong đó có tới 104 quốc gia đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt trên toàn quốc. Điều này cho thấy đây đã là thời điểm rất thích hợp để Việt Nam thông qua việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này.
PV: Ông có thể chia sẻ thực tế áp dụng áp thuế đối với ĐUCĐ tại các quốc gia trên thế giới. Việc áp thuế sẽ tác động ra sao đến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và thu ngân sách của các quốc gia đã, đang áp thuế để đạt mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng?
-Bs Nguyễn Tuấn Lâm: Việc áp thuế với ĐUCĐ sẽ mang lại nhiều tác động tích cực, bao gồm giảm tiêu thụ các sản phẩm có đường, tăng thu ngân sách Chính phủ, tăng cường tiêu thụ các sản phẩm đồ uống ít đường hoặc không đường và các tác động tích cực với sức khỏe cộng đồng.
Trước hết về mức giảm tiêu thụ, khi áp thuế sẽ dẫn tới tăng giá sản phẩm và giá tăng sẽ dẫn tới giảm tiêu thụ, tuân theo quy luật cầu. Về mức độ giảm tiêu thụ, điều này liên quan tới độ co giãn cầu theo giá. Theo nghiên cứu tổng quan mới nhất của WHO cho thấy, độ co giãn cầu theo giá của ĐUCĐ dao động ở mức từ -0,8 tới -1,3. Điều này có nghĩa là, khi áp thuế để giá tăng lên 10% sẽ dẫn tới giảm tiêu thụ khoảng 8 - 13%, với mức trung bình là khoảng 10-11%. Yếu tố thứ 2 cũng cần lưu ý, đó là đọ co giãn cầu theo thu nhập. Theo bằng chứng nghiên cứu từ một số quốc gia đang phát triển có tình trạng giống như Việt Nam, thì khi thu nhập tăng 10%, tiêu thụ đồ uống có đường sẽ tăng khoảng 4-10%.
Điều đáng nói là việc giảm tiêu thụ ĐUCĐ sau khi áp thuế, sẽ được bù trừ bằng việc gia tăng tiêu thụ nhiều đồ uống ít đường hoặc không có đường.
Theo kinh nghiệm từ Mexico, sau khi áp thuế với ĐUCĐ với mức tương đương 10% giá bán lẻ, trong vòng 1 năm, tiêu thụ ĐUCĐ ở Mexico cũng giảm khoảng hơn 10%, trong khi đó tiêu thụ đồ uống không đường, chủ yếu là nước suối, lại tăng 6%.
Kinh nghiệm thú vị nữa là từ Anh quốc. Khi quốc gia này đánh thuế theo 2 ngưỡng đường, mức từ 5 - 8 gam đường/100 ml sẽ chịu thuế 0,18 bảng/lít, còn trên gam đường/100 ml thì sẽ chịu thuế cao hơn, ở Úc 0,24 bảng/lít, bắt đầu từ 2018. Kết quả cho thấy sau 1 năm áp dụng thuế, lượng đường trung bình trong các đồ uống đã giảm tới 43%.
Tác động tích cực thứ 2 của áp thuế là tăng nguồn thu ngân sách từ thuế. Cũng ở Mexico, sau 2 năm áp thuế, chính phủ đã thu được 2,6 tỷ USD trong năm 2014-2015.
Nghiên cứu ở một số quốc gia đang phát triển giống như Việt Nam, cho thấy việc áp thuế để đạt mức tăng giá khoảng 20% sẽ giúp làm giảm đáng kể tỷ lệ thừa cân béo phì và tỷ lệ đái tháo đường cả trong ngắn hạn và dài hạn, so với phương án không áp thuế.
PV: Các tổ chức sức khỏe quốc tế có khuyến nghị ra sao đối với việc áp dụng công cụ thuế đối với ĐUCĐ đối với các quốc gia có điều kiện tương đồng như nước ta, thưa ông?
Bs Nguyễn Tuấn Lâm: Việc áp thuế với ĐUCĐ nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Biện pháp này nên được coi là một biện pháp y tế dự phòng để bảo vệ sức khỏe cho thế hệ tương lai của đất nước. WHO khuyến cáo các quốc gia nên áp thuế với ĐUCĐ để đạt mức giá bán lẻ tăng 20%, để có thể thấy được các tác động tích cực về sức khỏe.
WHO đánh giá cao đề xuất mới đây của Chính phủ Việt Nam trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trong đó đề xuất đưa ĐUCĐ vào diện chịu thuế, với mức thuế 10% giá xuất xưởng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Đề xuất mức thuế 10% đối với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5gr/100ml
Theo Hồ sơ dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi, điểm đáng chú ý lần này đề xuất bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế.
Việc áp thuế này căn cứ trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về tăng cường sức khỏe nhân dân, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, theo đề nghị của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới và các bằng chứng khoa học về mối liên hệ giữa nước giải khát có đường và các bệnh không lây nhiễm, hậu quả đối với sức khỏe, gánh nặng y tế và tài chính có liên quan.
Kinh nghiệm quốc tế do WHO cung cấp cho thấy, có 107 quốc gia đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng nước giải khát có đường, vì vậy, dự thảo luật đề xuất bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5gr/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Do đây là mặt hàng mới đưa vào diện đánh thuế TTĐB, nên dự thảo luật đề xuất mức thuế suất hợp lý để tác động dần đến hành vi của người tiêu dùng với thuế suất 10%.
WHO đã xây dựng mô hình đánh giá tác động của các phương án áp thuế ĐUCĐ. Theo ước tính đề xuất hiện nay sẽ chỉ có tác động tăng khoảng 5% giá bán và sẽ có tác động làm cho mức tiêu thụ chững lại, không tăng trong 1 năm sau khi tăng thuế. Tuy nhiên, do đà tăng hiện tại của mức tiêu thụ, hiện ở mức 6,4% mỗi năm, theo ước tính của Euro Monitor, thì mức tiêu thụ sẽ phục hồi và tiếp tục tăng ngay trong năm sau đó.
Song Linh
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thoi-diem-thich-hop-de-ap-thue-doi-voi-do-uong-co-duong-164026-164026.html