Tháo gỡ điểm nghẽn, tạo ra đột phá phát triển
Tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18/2017 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" diễn ra ngày 19/11, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Tổng Bí thư yêu cầu phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, đây là thời điểm thích hợp và cấp thiết để chúng ta thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy.
"Lý do là chúng ta đã thực hiện Nghị quyết 18 được 7 năm và thu được rất nhiều bài học và kinh nghiệm quý báu", ông Hà nói.
Khẳng định khi thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, ông Hà cho biết, vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thể hiện sự quyết tâm rất cao trong sắp xếp tổ chức bộ máy.
Điều đáng nói, trong nhiệm kỳ trước, ở cương vị Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy theo tinh thần của Nghị quyết 18 rất hiệu lực, hiệu quả.
Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã gương mẫu đi đầu trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo phương châm "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở".
"Nếu chúng ta không thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy thì không thể tháo gỡ được điểm nghẽn, không tạo ra được đột phá cho phát triển", ông Hà nhìn nhận.
Đã từng tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực
Theo ông Nguyễn Đức Hà, việc tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực không phải là vấn đề quá mới mẻ mà đã được thực hiện từ lâu rồi. Trước đây, trong cơ cấu của Chính phủ từng có Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Điện và Than, Bộ Thương mại. Sau nhiều lần sáp nhập, giờ chỉ còn Bộ Công thương.
Tương tự, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng được hình thành thông qua sự sáp nhập các bộ: Thủy lợi, Lâm nghiệp, Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Thủy sản…
"Vậy nên, chúng ta có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để nghiên cứu tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực", ông Hà nói.
Cùng quan điểm, TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, lần này thực hiện tinh gọn bộ máy là rất đúng thời điểm.
Thứ nhất, theo chủ trương của Đảng, chúng ta đang chuyển từ quản lý nhà nước sang quản trị quốc gia, trong đó Nhà nước có vai trò trụ cột, cốt lõi, đồng thời phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp và doanh nghiệp.
"Để phát huy tổng hợp các nguồn lực tập trung cho phát triển đất nước, việc tinh gọn tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị lúc này là quá cần thiết và đúng thời điểm", ông Trần Anh Tuấn nói.
Thứ hai, ông Trần Anh Tuấn cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0, với việc ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ và sự phát triển của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo… sẽ tạo điều kiện để nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, tổ chức và hoạt động công vụ.
Việc tinh gọn tổ chức bộ máy là nhằm để hiện đại hóa và nâng cao tính chuyên nghiệp của chế độ công vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, tổ chức trong phục vụ nhân dân, phát triển đất nước.
Thứ ba, sắp tới không xa, đại hội Đảng các cấp sẽ được tổ chức. Nếu chúng ta chờ Đại hội XIV tổ chức thành công xong mới tiến hành thì gần như mất nửa nhiệm kỳ mới triển khai được.
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
"Nếu chúng ta thực hiện nhanh, gọn, khoa học và hiệu quả thì sẽ phục vụ rất tốt cho Đại hội Đảng các cấp thời gian tới. Việc lựa chọn đúng nhân sự tham gia cơ cấu cấp ủy sẽ bảo đảm sự ổn định, tính bền vững hơn trong suốt thời gian, ít nhất là một nhiệm kỳ", nguyên Thứ trưởng Bộ nội vụ nói.
Hy sinh tính cá nhân vì lợi ích đất nước
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, việc tinh gọn bộ máy trong cả hệ thống chính trị lần này như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, thực sự là một cuộc cách mạng.
Tự mỗi người chúng ta phải vượt lên bản thân mình. Muốn cách mạng thành công không tránh khỏi có những hy sinh nhất định - những hy sinh mang tính cá nhân, vì những lợi ích to lớn của đất nước, của dân tộc.
Điều này đặt ra yêu cầu cho mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải rất chú ý, gương mẫu. Bởi lẽ quá trình tinh gọn bộ máy sẽ dẫn đến nhiều câu chuyện phải giải quyết như dôi dư cán bộ, công chức, kể cả dôi dư lãnh đạo, quản lý.
Không những thế, phải hy sinh các tình cảm riêng tư, lợi ích cá nhân để khách quan bố trí, trọng dụng những người xứng đáng, có năng lực, phẩm chất vào những vị trí xứng đáng trong tổ chức mới. Không nên vì yêu ghét cá nhân mà làm mất đi nguồn lực to lớn này, nếu họ đi chỗ khác thì đó cũng là sự lãng phí.
Song song với đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, cần dũng cảm để bố trí một số trường hợp cán bộ vào những vị trí không như mong muốn hoặc thậm chí đưa ra khỏi nền công vụ những người không phù hợp.
"Điều này đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải có tinh thần mạnh mẽ, dũng cảm và khách quan, công minh để xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong dịp tái cấu trúc này", ông Tuấn nhìn nhận.
Chính sách tinh giản khoa học, tránh cào bằng
Theo ông Tuấn, không nên lặp lại tình trạng trước đây, khi sáp nhập các tổ chức thì tổng số biên chế vẫn không thay đổi, số lượng cấp phó lại tăng và vẫn là gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Đồng thời, cần có sự ghi nhận và các chính sách thỏa đáng đối với những trường hợp do tinh gọn bộ máy mà phải rời khỏi công vụ, để tìm một công việc mới ở khu vực khác.
"Tôi vẫn thường chia sẻ rằng làm việc ở đâu cũng tốt, không nên phân biệt khu vực công và tư, miễn là sống và làm việc có ích và ai cũng có thể tìm được chỗ đứng của mình dưới ánh mặt trời, phù hợp với năng lực của mình", ông Trần Anh Tuấn nói.
Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, thời điểm này rất cần thiết phải thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy.
"Đây là yêu cầu cấp bách không chỉ với cấp huyện xã mà còn phải thực hiện ở cả cấp tỉnh và các bộ, ngành. Đất nước ta chỉ có 100 triệu dân nhưng có đến 63 tỉnh thành, như thế là quá lớn. Hay với cấp bộ, tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, "bộ trong bộ" vẫn còn tồn tại", ông Hòa nói.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, việc đổi mới, sắp xếp lại cấp tỉnh, bộ, ngành rất nên thực hiện để tinh gọn tổ chức bộ máy. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói chi thường xuyên của chúng ta quá lớn với khoảng 70% ngân sách trong khi các nước chỉ khoảng 40%. Và như vậy thì còn tiền đâu để chi cho đầu tư phát triển.
Ông Hòa cho rằng, rào cản lớn nhất trong thực hiện chủ trương này, tôi cho rằng chính là con người.
"Thống kê cho thấy số lượng cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ chiếm vài phần trăm. Cán bộ "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" nhưng kết quả đánh giá năm nào cũng từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên thì tinh giản được không? Muốn làm được điều này, theo tôi, trước tiên cần phải vượt qua rào cản tâm lý, đồng thời có chính sách đánh giá, tinh giản khoa học hơn, tránh cào bằng như vừa qua", đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nói.
Phùng Đô