Các em học sinh tiểu học đang dùng bữa trưa tại lớp học
Thức dậy
Học sinh tiểu học ở Nhật Bản thức dậy khá sớm. Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Giáo dục Gakken, học sinh tiểu học thức dậy trung bình lúc 6h38, chỉ muộn hơn một chút so với mức trung bình của người lớn là 6h32.
Ngoài ra, theo cuộc khảo sát riêng của Viện nghiên cứu Văn hóa, Phát thanh và Truyền hình NHK đã phát hiện rằng khung thời gian thức dậy gần đây có chuyển dịch sớm hơn nữa. Dữ liệu năm 2020 cho thấy có 28,4% học sinh tiểu học thức dậy lúc 6h00, tăng 18,9% so với năm 1995 con số này là 61,1% học sinh thức dậy sớm hơn lúc 6h30 (tăng 22,3%) và 90,5% thức dậy sớm hơn lúc 7h00 (tăng 8,5%).
Bảng thống kê trung bình thời gian thức dậy của học sinh Tiểu học ở Nhật Bản. Được tạo bởi Nippon.com dựa trên dữ liệu lấy từ Viện nghiên cứu Văn hóa Phát thanh NHK.
Vậy điều gì đã thúc đẩy xu hướng các em phải dậy sớm và ngày càng sớm hơn? Một số chuyên gia nhận thấy điều này do xuất phát từ gia đình khi mà cả cha và mẹ đều đi làm sớm.
Bánh mì là bữa sáng?
Khung thời gian thường thấy cho bữa sáng là 6h45 với tỷ lệ là 36,8% học sinh tiểu học ngồi xuống bàn ăn để thưởng thức bữa ăn đầu tiên trong ngày. Khung thời gian này sớm hơn 30 phút so với 25 năm trước.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Nōrinchūkin cho thấy gần 90% trẻ em tiểu học ăn sáng hàng ngày. Tuy nhiên, bữa sáng truyền thống bao gồm cơm, súp miso và các món ăn kèm đang bị thay thế bởi các món ăn phương Tây.
Hai cuộc khảo sát thực hiện trong 8 năm tính từ tháng 3/2015 đến tháng 3/2023 đã ghi nhận mức tiêu thụ gạo, dưa chua, súp và rau cho bữa ăn đầu tiên trong ngày đã giảm và lượng bánh mì, sữa chua, trứng và một số loại tráng miệng tăng lên. Một cuộc khảo sát khác cho thấy cứ 3 học sinh tiểu học thì có 1 em ăn bánh mì vào bữa sáng mỗi ngày. Trong bối cảnh buổi sáng bận rộn và cha mẹ đều phải đi làm sớm thì một bữa sáng đủ chất và tiện lợi sẽ ngày càng ưa chuộng.
Bánh mì đang trở thành món ăn sáng thông dụng.
Đã đến giờ đi học
Tiết học đầu tiên ở các trường tiểu học thường bắt đầu lúc 8h45, với hầu hết trẻ em đến trường từ 8h00 đến 8h30. Các nghi lễ buổi sáng và các hoạt động khác trong trường bắt đầu lúc 8h15 đối với 80% các trường tiểu học tại Nhật Bản, sớm hơn 15 phút so với 25 năm trước- theo nghiên cứu của Gakken và các tổ chức khác cho biết.
Trẻ em ở Nhật Bản khi đến trường hầu hết đều mang theo cặp randoseru.
Trẻ em mẫu giáo cũng phải đến trường sớm hơn để phù hợp với thời gian biểu của cha mẹ. Một số trường mở cửa và bố trí nhân viên để giám sát những em đến sớm.
Các tiết học thường kéo dài 45 phút. Trong sáu năm học tiểu học, học sinh dành nhiều thời gian nhất cho lớp tiếng Nhật, với 1.461 tiết học, tiếp đến là toán, giáo dục thể chất, khoa học và nghiên cứu xã hội (bao gồm địa lý và lịch sử). Ngoài ra còn có các lớp học về nghệ thuật, âm nhạc và đạo đức, cũng như thời gian dành riêng cho trẻ em phát triển các kỹ năng khác bằng cách theo đuổi các dự án độc lập.
Theo nghiên cứu quốc tế do Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) thực hiện năm 2003 cho thấy học sinh lớp 5 ở Ấn Độ có nhiều tiết học nhất, tiếp theo là các bạn cùng lứa ở Ý, Hoa Kỳ và Hồng Kông. Nhật Bản có tương đối ít giờ học khi so sánh, nhưng chính quyền đã tăng thời gian học trên lớp nhằm thúc đẩy tính cạnh tranh quốc tế.
Số tiết học ở các trường Tiểu học tại Nhật Bản đã được tăng cường.
Học sinh vắng mặt là một vấn đề lớn ở các trường học Nhật Bản. Theo MEXT, trong năm học 2023, 130.370 học sinh Tiểu học đã không đến trường trong thời gian dài. Đây là năm thứ 11 liên tiếp có sự gia tăng Hiện nay tình trạng vắng mặt đã tăng gấp 5 lần so với 10 năm trước đây.
Các chuyên gia chỉ ra rằng vấn đề bạo lực học đường, sự gián đoạn thói quen do đại dịch COVID-19 gây ra và sự chấp nhận ngày càng tăng đối với việc học bên ngoài trường học là động lực thúc đẩy sự gia tăng này. Một số học sinh vắng mặt dài hạn đã chuyển sang học tại các "trường tư thục miễn phí", các lớp học bổ túc tại gia hoặc nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương.
Bảng thống kê số học sinh không đi học nhiều ngày liền tại trường học Nhật. Được tạo bởi Nippon.com dựa trên dữ liệu lấy từ Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT). (Cột màu cam thể hiện học sinh tiểu học, cột màu xanh thể hiện học sinh THCS)
Nghỉ trưa và lau dọn
Thông thường sẽ có 4 tiết học vào buổi sáng, trước giờ ăn trưa vào lúc 12h15. Bữa trưa được cung cấp tại 99% các trường tiểu học ở Nhật Bản. Tính đến năm 2023, chi phí ăn trưa trung bình cho 1 tháng sẽ khoảng 4.688 Yên (782 nghìn VND) và khoảng 230 Yên (38 nghìn) cho mỗi bữa ăn. Với những chính sách ưu tiên dành cho hệ thống giáo dục, nhiều thành phố đã bắt đầu cung cấp bữa trưa miễn phí cho các em học sinh.
Học sinh phải có trách nhiệm tự lấy đồ ăn và chia cho các bạn cùng lớp.
Học sinh thay phiên nhau phục vụ bữa trưa và ăn trong lớp học cùng với giáo viên của mình. Thông thường, toàn bộ trường sẽ ăn cùng một bữa ăn và trẻ em hiếm khi mang theo bữa trưa của riêng mình hoặc có các lựa chọn theo kiểu căng tin. Tuy nhiên, trong trường hợp dị ứng, việc cho phép trẻ em mang theo các loại thực phẩm thay thế từ nhà đang trở nên phổ biến hơn.
Các món ăn trưa phổ biến bao gồm cà ri với cơm, agepan (bánh mì chiên giòn phủ bột đậu nành kinako và đường), quýt đông lạnh. Các trường cũng thi thoảng làm cho bữa trưa mang tính giáo dục bằng cách phục vụ các đặc sản địa phương cũng như từ các thành phố lân cận khu vực ở Nhật Bản và nước ngoài.
Các em đang trực nhật
Một cuộc khảo sát năm 2022 cho thấy trẻ em tại hơn 90% trường tiểu học dành khoảng 15 phút sau giờ ăn trưa để dọn dẹp. Hiện tại, số lượng trường yêu cầu học sinh thực hiện việc dọn dẹp hàng ngày đã giảm dần, một số trường chỉ giới hạn thành 3 hoặc 4 ngày/ tuần. Trong khảo sát cũng chỉ rõ có đến 85,7% trường học yêu cầu học sinh thực hiện việc dọn dẹp ít nhất 4 ngày/ tuần hoặc hơn.
Phong tục cho trẻ em tham gia vào công việc dọn dẹp này đã trở thành một khía cạnh nổi tiếng trong văn hóa Nhật Bản. Hành động này đã truyền cảm hứng cho các sáng kiến tương tự như ở Ai Cập, Singapore và một số trường học ở Anh.
Xem tivi và chơi game
Thời gian tan trường cao điểm tại Nhật Bản là lúc 15h15 đến 15h30. Số lượng trẻ em ở lại trường giảm xuống dưới 20% vào lúc 16h00, sớm hơn 15 phút so với năm 1995. Một số em sẽ ở lại trường đợi đến khi cha mẹ tan làm và đón chúng.
Các em học sinh với cặp sách đặt trên bàn, sẵn sàng đến giờ về nhà.
Cuộc khảo sát của Gakken chỉ ra rằng hoạt động sau giờ học phổ biến nhất của các em là xem tivi, với con số trung bình các em dành 81 phút. Tiếp theo là chơi trò chơi điện tử (56 phút), lướt internet (55 phút) và tham gia trường luyện thi hoặc các lớp học khác (51 phút). Học tập, nói chuyện với bạn bè và chơi ngoài trời mỗi hoạt động trung bình là 45 phút. Trong khi đó, đọc sách (bao gồm cả truyện tranh) chỉ chiếm 31 phút.
Trò chơi điện tử là 1 trong những hoạt động phổ biến nhất sau giờ học của các em.
Theo một cuộc khảo sát khác của OECD năm 2018, 47,7% trẻ em Nhật Bản chơi trò chơi điện tử một mình mỗi ngày hoặc hầu như mỗi ngày, gần gấp đôi mức trung bình chung của OECD là 26,7%. Ngược lại, 29,6% số chúng sẽ đắm chìm trong các trò chơi trực tuyến nhiều người chơi.
Không ngừng học tập
Hoạt động ngoại khóa phổ biến nhất đối với học sinh Tiểu học là bơi lội. Năm 2020, đã có hơn 20% trẻ em học một thứ gì đó bên ngoài trường học từ 16h00 đến 18h15, bao gồm học ở nhà hoặc đến các trường luyện thi.
Để có thể vượt qua kỳ thi tuyển sinh THCS, các em sẽ phải dành phần lớn để học ôn ở các trường luyện thi.
Vào năm 1995, thời gian học tập cao điểm của hơn 20% trẻ em là từ 17h00 đến 18h15 chiều, sau đó là 20h00 đến 20h30. Trẻ em hiện có nhiều khả năng học trước bữa tối hơn là sau bữa tối.
Tuy nhiên, con số này có thể thay đổi ở các thành phố lớn, nơi diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt để vượt qua kỳ thi tuyển sinh vào THCS. Ví dụ như Tokyo, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh học sinh Tiểu học trở về nhà từ trường luyện thi muộn nhất là 21h30.
Số liệu thống kê theo phần trăm khung thời gian học sinh Tiểu học dành ra để học ngoài trường. Được tạo bởi Nippon.com dựa trên dữ liệu lấy từ Viện nghiên cứu Văn hóa Phát thanh NHK.
Giờ ăn tối trung bình của các em cũng đang dần muộn hơn. Năm 2020, hơn 20% các em ăn tối từ 19h00 đến 19h45, so sánh với năm 1995, thời gian cao điểm này là từ 18h30 đến 19h30.
Bữa tối cùng với gia đình
Đã đến giờ đi ngủ
Kết quả khảo sát của Gakken cho thấy giờ đi ngủ trung bình của học sinh Tiểu học là 21h36. Riêng đối với học sinh lớp 1, giờ đi ngủ là 21h17, trong khi đó với các em lớp 6 sẽ là 21h59. Nghiên cứu khác của NHK chỉ rằng gần 50% các em sẽ đi ngủ vào lúc 21h30.
Trong hướng dẫn của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản nêu rõ rằng học sinh Tiểu học nên ngủ từ 9 đến 12 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, một cuộc nghiên cứu cho thấy học sinh lớp 6 đang không đạt được mục tiêu này với con số trung bình các em chỉ ngủ 7,9 giờ. Với tần suất học tập và lên trường dày đặc, nhiều em có thể gặp khó khăn trong việc nghỉ ngơi đầy đủ.
Theo Nippon
Lê Nghĩa