Màn đếm ngược đã bắt đầu.
Trong chuyến công du châu Âu đầu tiên vào tháng 2/2025, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Peter Hegseth đã đưa ra một tuyên bố chấn động rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu "không phải là vĩnh viễn".
Kể từ đó, giới chức Mỹ và châu Âu đã liên tục tìm cách trấn an những đồn đoán rằng cam kết của Washington đối với NATO dưới thời Tổng thống Donald Trump đang suy yếu, hay rằng việc rút quân đang được cân nhắc. Tuy vậy, phương Tây cũng rục rịch chuẩn bị cho thời khắc lịch sử ấy.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu sẽ thu hẹp”, Trung tướng Ben Hodges, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ tại châu Âu, nhận định.
Trung tướng Ben Hodges, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ tại châu Âu. Ảnh: Reuters
Hiện nay, số lượng binh sĩ Mỹ đồn trú thường trực tại châu Âu dao động từ 70.000 đến 90.000 người. Trước đó, ở thời kỳ cao điểm trong Chiến tranh Lạnh vào những năm 1950, có hơn 400.000 quân Mỹ từng hiện diện tại lục địa già.
Theo giới phân tích và các sĩ quan quân đội Mỹ, bất kỳ động thái rút bớt hoặc giảm dần hiện diện nào cũng sẽ làm suy yếu đáng kể khả năng phòng thủ của phương Tây, đồng thời đẩy châu Âu và chính nước Mỹ vào tình thế khó khăn hơn nhiều để duy trì an ninh khu vực.
Một báo cáo gần đây của Viện Kinh tế Đức (IW Cologne) cảnh báo rằng châu Âu có thể cần từ 10 đến 12 năm mới có thể bù đắp được những năng lực quân sự mà Mỹ để lại, nếu Washington thực sự thu hẹp vai trò.
Tướng Christopher Cavoli, Tổng tư lệnh Bộ Tư lệnh Châu Âu của Mỹ và cũng là Chỉ huy tối cao các lực lượng đồng minh NATO tại châu Âu, đã kêu gọi duy trì hiện trạng quân đội Mỹ ở châu Ây. Ông Cavoli cũng nhấn mạnh rằng sự hiện diện của lực lượng trên bộ là yếu tố sống còn để bù đắp lợi thế chiến lược của Nga ở những khu vực sát biên giới NATO. Việc rút giảm quân đội Mỹ ở châu Âu, ông Cavoli cảnh báo, chắc chắn sẽ "làm chậm phản ứng" của NATO nếu Moscow phát động một cuộc tấn công bất ngờ.
Tướng Cavoli dự kiến sẽ nghỉ hưu vào mùa hè này. Theo nhiều nguồn tin, lần đầu tiên, Washington đang xem xét khả năng trao quyền chỉ huy NATO cho một đại diện châu Âu - điều chưa từng xảy ra kể từ khi liên minh này được thành lập vào năm 1949.
Nếu trở thành hiện thực, điều này sẽ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng và mang tính biểu tượng: sự kết thúc của một kỷ nguyên nơi vai trò dẫn dắt của Mỹ trong liên minh xuyên Đại Tây Dương được xem là bất biến.
Lời tiên tri ứng nghiệm
Một số quốc gia châu Âu đang chọn cách chủ động chuẩn bị cho khả năng Mỹ rút quân thay vì chỉ trông đợi vào kịch bản tốt đẹp nhất; nhưng không phải tất cả các thủ đô đều có cùng quan điểm, ba quan chức châu Âu tiết lộ với tờ Politico.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh, lực lượng Mỹ lớn nhất tại châu Âu hiện đồn trú ở Đức, với hơn 38.000 binh sĩ. Ba Lan có hơn 14.000, Ý khoảng 12.000 và Anh khoảng 10.000 quân nhân Mỹ.
Đầu tháng này, NBC News đưa tin Lầu Năm Góc đang cân nhắc rút tới 10.000 binh sĩ khỏi Trung Âu, chủ yếu từ Ba Lan và Romania. Tuy nhiên, cả hai quốc gia trên đã nhanh chóng phủ nhận thông tin này.
Trong bối cảnh bất ổn, nhiều nước châu Âu đã kêu gọi Washington làm rõ ý định của mình. Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Boris Pistorius, đã yêu cầu Mỹ cung cấp một lộ trình cụ thể để các nước có thể bắt đầu lập kế hoạch điều chỉnh phù hợp. Yêu cầu này cũng nhận được sự ủng hộ từ Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan, Antti Hakkanen. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Lầu Năm Góc vẫn chưa có phản hồi chính thức đối với lời kêt gọi này.
"Mỹ có nghĩa vụ tuân thủ các kế hoạch phòng thủ khu vực của NATO đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Vilnius năm 2023. Nếu Mỹ quyết định rút quân, họ phải phối hợp với các đồng minh để điều chỉnh kế hoạch và phân bổ lại trách nhiệm phòng thủ”, Trung tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ tại châu Âu, nhấn mạnh.
Dẫu vậy, một số chính phủ châu Âu vẫn đặt hy vọng vào những thay đổi chính trị ở Washington. Họ tin rằng cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ trong hai năm tới và cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2028 có thể đưa liên minh xuyên Đại Tây Dương trở về trật tự cũ.
Tuy nhiên, ba quan chức châu Âu bày tỏ lo ngại rằng việc khởi động các kế hoạch đối phó với kịch bản Mỹ rút quân có thể vô tình trở thành "lời tiên tri tự ứng nghiệm”, đẩy nhanh một quá trình tự chủ của châu Âu.
Đây cũng không phải lần đầu tiên Mỹ cân nhắc việc thu hẹp sự hiện diện quân sự tại châu Âu để tập trung vào khu vực châu Á. Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Washington từng theo đuổi hướng đi này. Tuy nhiên, kế hoạch nhanh chóng bị đảo ngược sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga thông qua một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2014, khiến Mỹ phải tăng cường thêm lực lượng tại châu Âu nhằm củng cố khả năng răn đe.
Châu Âu buộc phải tự lực
Theo ông Ben Harris, cộng sự nghiên cứu về chính sách đối ngoại châu Âu và Mỹ tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, những quốc gia đầu tiên chịu ảnh hưởng từ việc Mỹ rút quân sẽ là Ba Lan và các nước vùng Baltic. Chuyên gia này cũng cảnh báo rằng an ninh của toàn bộ châu Âu sẽ bị suy yếu đáng kể.
"Việc rút quân, nếu diễn ra, có khả năng sẽ bắt đầu từ những binh sĩ Mỹ được triển khai theo chương trình Tăng cường hiện diện tiền phương của NATO kể từ sau xung đột Nga-Ukraine vào năm 2022”, ông Harris nhận định.
Quân đội Mỹ tại châu Âu hiện hoạt động dưới nhiều cơ chế khác nhau. Một phần là lực lượng thường trực, đóng quân lâu dài cùng gia đình chủ yếu ở Đức, Ý và Anh. Một phần khác là lực lượng luân phiên dài hạn, được tài trợ thông qua các khoản ngân sách bổ sung để thực hiện các chiến dịch quân sự như Chiến dịch Hiện diện Tiến công Nâng cao của NATO và Chiến dịch Giải quyết Đại Tây Dương. Trong đó, Mỹ giữ vai trò dẫn đầu nhóm tác chiến đa quốc gia tại Ba Lan. Bên cạnh đó, còn có các Chương trình Đối tác Nhà nước do Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ điều phối trên cơ sở thỏa thuận song phương với từng nước châu Âu.
Tuy nhiên, bất kỳ kế hoạch rút quân nào cũng sẽ đặt ra những câu hỏi phức tạp về chi phí, bởi Mỹ đã triển khai tại châu Âu một lượng lớn khí tài quân sự, bao gồm xe tăng, trực thăng, tàu chiến đến cả vũ khí hạt nhân. Các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis Ashore của Mỹ tại Romania và Ba Lan đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ lục địa này trước các mối đe dọa từ trên không.
Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Trump cân nhắc rút quân khỏi châu Âu.
Năm 2020, trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng công bố kế hoạch rút khoảng 12.000 binh sĩ khỏi Đức, trong đó một phần được tái bố trí sang các quốc gia châu Âu khác, phần còn lại sẽ trở về Mỹ. Tuy nhiên, kế hoạch này nhanh chóng vấp phải nhiều trở ngại về chi phí và cuối cùng bị người kế nhiệm, cựu Tổng thống Joe Biden, hủy bỏ.
Theo ông Hodges, những bất ổn hiện nay có thể buộc các nước châu Âu phải "bắt tay nhau” nhằm tăng cường khả năng tự phòng thủ.
"Mỹ mang lại khả năng răn đe hạt nhân, sức mạnh vượt trội trên không và trên biển. Nhưng nếu xét riêng về sức mạnh trên bộ, xét về quy mô và năng lực tổng thể, châu Âu thực sự có nhiều tiềm lực hơn”, ông Hodges nhận định.
Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo Politico, RT