Một trong những điểm mới ở dự thảo Luật Nhà giáo vừa trình Quốc hội là quy định về thời gian nghỉ hè dành cho nhà giáo.
Theo đó, thời gian nghỉ hè hằng năm của nhà giáo không còn nêu quy định “cứng” tối đa là 8 tuần như các phiên bản trước đây.
Cụ thể, ở khoản 3 Điều 18 về chế độ làm việc của nhà giáo trong bản dự thảo mới nêu: “Thời gian nghỉ hè hằng năm và các ngày nghỉ khác của nhà giáo được bố trí phù hợp đối với nhà giáo từng cấp học, trình độ đào tạo và loại hình cơ sở giáo dục theo quy định của Chính phủ”.
Theo nhiều giáo viên, mỗi cấp học có đặc thù riêng, không nên quy định khung nghỉ hè giống nhau.
Hiện, dự thảo Luật Nhà giáo trong quá trình chỉnh lý, song thông tin này thu hút sự quan tâm của các thầy cô giáo.
Thời gian nghỉ hè linh hoạt nhưng cần giới hạn hợp lý
Thầy Lê Đình Hiển, giáo viên Trường Tiểu học, THCS và THPT Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) cho rằng, việc điều chỉnh này tạo sự linh hoạt, không quy định cứng nhắc nhưng cần giới hạn hợp lý.
“Việc không quy định ‘cứng’ thời gian nghỉ hè tối đa có thể tạo điều kiện cho các địa phương và nhà trường linh hoạt trong xây dựng kế hoạch năm học, đặc biệt khi mỗi vùng miền có điều kiện thời tiết, đặc điểm kinh tế xã hội, đặc điểm học sinh khác nhau. Tuy nhiên, nếu hoàn toàn không có giới hạn nào, rất dễ dẫn đến tình trạng chênh lệch lớn giữa thời gian nghỉ hè của giáo viên ở các địa phương, giữa các cấp học, và giữa các nhóm giáo viên trong cùng hệ thống. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự công bằng trong quyền lợi nghề nghiệp mà còn có thể gây khó khăn trong kiểm soát chất lượng giáo dục”, thầy Hiển nói.
Theo thầy Hiển, về việc nghỉ hè của giáo viên, mỗi cấp học có đặc thù riêng, vì thế không nên quy định khung nghỉ giống nhau.
“Thực tế cho thấy, giáo viên các cấp học trong hệ thống giáo dục phổ thông có đặc điểm công việc và phân bổ thời gian hoạt động rất khác nhau. Giáo viên mầm non thường vẫn làm việc trong hè để trông trẻ theo nhu cầu của phụ huynh, ít có thời gian nghỉ thực sự.
Giáo viên tiểu học kết thúc năm học sớm hơn, song thường phải chuẩn bị chương trình đầu năm học. Giáo viên THCS và THPT kết thúc năm học muộn hơn do vướng kỳ thi tuyển sinh lớp 10 hoặc kỳ thi tốt nghiệp THPT và phải ôn tập cho học sinh, đồng thời phải tham gia coi thi, chấm thi. Với sự khác biệt đó, nếu áp dụng một khung cứng cho toàn ngành sẽ không phản ánh đúng tính chất công việc và thực tiễn vận hành ở cơ sở”, thầy Hiển nói.
Thầy giáo cũng cho rằng nên quy định thêm thời gian nghỉ hè tối thiểu để đảm bảo công bằng và quyền lợi cho giáo viên các cấp. Trong khung đó, các địa phương và nhà trường được chủ động điều chỉnh linh hoạt dựa trên cấp học, đặc điểm địa phương và kế hoạch nhiệm vụ cụ thể.
“Việc này không chỉ đảm bảo được tính hệ thống, thống nhất trong quản lý, mà còn thể hiện sự linh hoạt và tôn trọng đối với đặc thù nghề nghiệp của giáo viên. Quan trọng hơn, giúp duy trì sự công bằng giữa các nhóm giáo viên, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục, tiến độ chuyên môn và các nhiệm vụ chính trị - xã hội trong hè”, thầy Hiển bày tỏ.
Nên quy định thời gian nghỉ hè tối thiểu
Cô Đặng Thị Thủy (giáo viên một trường tiểu học ở Bình Dương) trăn trở, dù dự thảo Luật Nhà giáo không còn quy định thời gian nghỉ hè hàng năm tối đa 8 tuần nhưng cũng không quy định tối thiểu là bao nhiêu.
Ảnh minh họa: Thanh Hùng
“Thời gian mở như vậy có thể có lợi khi giáo viên được nghỉ hơn 8 tuần nhưng cũng có thể là điểm bất lợi khi thời gian tối thiểu không cụ thể. Tùy từng trường, từng địa phương, nếu bố trí công việc linh hoạt thì giáo viên có thể được hưởng lợi hoặc ngược lại. Thực tế trong thời gian nghỉ hè, giáo viên vẫn thường phải vào trường để trực hè, tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên, vệ sinh trang trí trường lớp,... Nếu có quy định thời gian tối thiểu, giáo viên có thể được nghỉ bù nếu chưa đủ”, cô Thủy nói.
Theo cô, nếu thời gian nghỉ không được quy định cụ thể, giáo viên nghỉ hè song lúc nào cũng trong tâm thế phải sẵn sàng làm việc nếu có lệnh triệu tập, chứ không được nghỉ tuyệt đối. Cũng vì thế, nếu giáo viên muốn đi du lịch hay về quê xa trong mùa hè thì vẫn phải làm đơn xin nghỉ phép.
Cùng ý kiến này, cô giáo Lê Thị Thanh (tỉnh Nghệ An) cho rằng, quy định mở nhưng cần có thời gian tối thiểu để đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên.
“Khi đó, dù có thể trực hè nhưng các thầy cô sẽ được nghỉ luân phiên, đảm bảo ít nhất đủ thời gian tối thiểu. Chứ thực tế hiện nay, dù nghỉ hè nhưng thầy cô vẫn phải tới trường làm nhiều việc không tên”, cô Thanh nói.
Một số giáo viên cho rằng nên quy định thời gian cụ thể được nghỉ hè theo đặc thù từng cấp học.
Một giáo viên nêu quan điểm: “Cứ quy định cụ thể luôn thời gian nghỉ hè của từng cấp học cho dễ thực hiện. Các trường ở từng cấp khai giảng như nhau, chương trình học cơ bản như nhau, do đó thời gian nghỉ cũng tương ứng”.
Thanh Hùng