Thông tin trên được tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Tuấn Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết tại hội thảo khoa học chuyên ngành hóa sinh, ngày 8-11.
Theo bác sĩ Tùng, mới đây, Bệnh viện Bạch Mai triển khai bệnh án điện tử sau thời gian thí điểm và là bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên không dùng giấy, liên thông kết quả xét nghiệm.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Tùng cho biết liên thông kết quả xét nghiệm giúp giảm chi phí cho người bệnh
"Trước đây, người bệnh mất khoảng 3 giờ để thực hiện các xét nghiệm thông thường (huyết học, sinh hóa máu, nước tiểu...) thì nay giảm xuống còn 1 giờ, thậm chí có những xét nghiệm chỉ sau 15 phút người bệnh đã được trả kết quả. Ngoài ra, với một số xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng, người bệnh chỉ cần quét mã QR để xem xét quả"- bác sĩ Tùng nói.
Trung bình, mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 7.000-10.000 người bệnh đến khám ngoại trú và khoảng 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Do đó, theo bác sĩ Tùng, bệnh viện rất chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người dân khi đăng ký và trong quá trình khám chữa bệnh được diễn ra nhanh nhất.
Trước đó, tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Khoa Hóa sinh, PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết xét nghiệm là yếu tố quan trọng để phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh để có hướng điều trị kịp thời, chính xác.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai
Với việc cập nhật các xét nghiệm chuyên sâu và số lượng danh mục liên tục tăng, hiện Khoa Hóa sinh đang thực hiện hơn 300 quy trình xét nghiệm với gần 10.000 xét nghiệm mỗi ngày. Dự kiến, bệnh viện sẽ triển khai thêm 38 danh mục xét nghiệm mới trong thời gian tới.
Theo phân công của Bộ Y tế, Khoa Hóa sinh là một labo tham chiếu thuộc hệ thống các phòng xét nghiệm trong cả nước; tham gia công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đây cũng là phòng xét nghiệm sinh hóa đầu tiên được công nhận đạt tiêu chuẩn ISO 15198 tại Việt Nam và đạt những yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng khác của quốc tế.
N.Dung