Phương tiện lu cát gia tải công trình cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1. Ảnh: Nhựt An - TTXVN
Phần đường của dự án đang gặp khó khăn trong việc xử lý nền đất yếu vì phải mất nhiều thời gian gia tải, chờ lún nhằm đảm bảo chất lượng công trình.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 đi qua khu vực đất yếu, địa chất phức tạp, phải xử lý nền đất yếu toàn tuyến. Hiện tại, dự án đang gia tải giai đoạn 1, dự kiến đến 30/4/2025 sẽ đắp gia tải hoàn thành giai đoạn 1.
Thời gian chờ lún theo thiết kế từ 10 đến 19 tháng, tùy thuộc vào địa chất của từng đoạn. Thời gian dỡ tải dự kiến bắt đầu từ tháng 10/2025 đến tháng 6/2026. Giải pháp điều chỉnh lớp đỉnh CDM (cọc đất xi măng để gia cố cho nền đường đắp trên đất yếu) và kết cấu mặt đường có thể rút ngắn thời gian hoàn thành được khoảng 3 tháng. Tuy nhiên, việc hoàn thành dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 trong năm 2025 theo như kế hoạch là khó khả thi.
Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 tổng mức đầu tư khoảng 3.640 tỷ đồng do UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản. Quy mô giai đoạn 1, mặt cắt ngang 4 làn xe hạn chế với bề rộng mặt đường 16 m, vận tốc khai thác 80 km/h. Quy mô giai đoạn hoàn thiện, mặt cắt ngang 4 làn xe hoàn chỉnh với bề rộng mặt đường hơn 23 m, vận tốc khai thác 100 km/h.
Dự án khởi công ngày 25/6/2023 nhưng thời gian dài sau đó, bị ảnh hưởng tiến độ thi công vì thiếu nguồn cát san lấp, đắp nền. Trước tình hình này, nhà thầu ưu tiên thi công hệ thống cầu trên tuyến nên phần cầu đáp ứng tiến độ theo kế hoạch; còn phần đường chậm tiến độ.
Theo ông Lê Nguyễn Phú Trường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp, trong thi công phần đường, việc khó nhất là phần xử lý nền đất yếu. Thời gian gia tải phụ thuộc rất nhiều vào số liệu quan trắc thực tế. Tiến độ dỡ tải, hoàn thành phần đường phụ thuộc vào thực tế đo đạc, sau khi có số liệu đo đạc thì các bên liên quan tính toán, thống nhất lấy ý kiến của đơn vị thiết kế. Khi nào đảm bảo những yêu cầu theo quy định thì mới tiến hành dỡ tải, hoàn thành việc gia tải nền đường.
Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 đi qua khu vực đất yếu, địa chất phức tạp, phải mất nhiều thời gian xử lý nền đất yếu. Ảnh: Nhựt An - TTXVN
Đến nay, khó khăn lớn nhất về công tác giải phóng mặt bằng và cát san lấp của dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 đã từng bước tháo gỡ. UBND tỉnh Đồng Tháp giới thiệu 4 mỏ cát cho nhà thầu thi công và hiện nay đang khai thác theo cơ chế đặc thù. Nhu cầu cát của dự án cao tốc này khoảng 2,3 triệu m3, đã được cung ứng hơn 1,7 triệu m3. Khi có nguồn cát, nhà thầu đang cố gắng tăng tốc thi công, bố trí máy móc, phương tiện, nhân sự để đủ năng lực tiếp nhận cát đưa về công trường; tập trung vào công tác đắp cát gia tải nền đường.
Ông Cao Đình Dương, cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C (nhà thầu thi công) cho biết, để “hấp thụ” hết lượng cát về công trình, nhà thầu tổ chức tăng ca làm việc đến 23 giờ hằng ngày. Hiện tại, bố trí 5 mũi thi công và 8 máy bơm; trong đó, có 2 máy bơm có thể hoạt động 24/24 giờ, sẵn sằng tiếp nhận cát bất cứ thời điểm nào trong ngày. Tất cả nhằm cố gắng đẩy nhanh tiến độ, kết thúc việc đắp cát gia tải giai đoạn 2 trước ngày 20/6/2025.
Bên cạnh cát, dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 cũng đã gặp khó khăn về nguồn cung cấp đá các loại. Tổng nhu cầu về đá (đá bê tông nhựa, đá bê tông xi măng, cấp phối đá dăm loại I và loại II) của dự án là 328.095 m3; trong đó, chưa xác định được nguồn cung khoảng 319.295 m3. UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị hỗ trợ cung ứng đá phục vụ thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1. Về vật liệu đất, tổng nhu cầu của dự án này cần khoảng 205.000 m3, nhà thầu đang mua đất thương mại từ mỏ đất Mái Dầm, tỉnh Hậu Giang và mỏ đất Hòn Sóc, tỉnh Kiên Giang.
Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 hoàn thành 100%. Nhà thầu đã huy động trên 450 nhân sự, hơn 160 thiết bị, máy móc để tổ chức thi công dự án cao tốc này. Dự án đã hoàn thành việc xây dựng đường công vụ và hạng mục dầm sàn liên tục; cơ bản hoàn thành hệ thống cầu trên tuyến. Nhà thầu đang tập trung đắp cát gia tải, xử lý nền đất yếu. Tổng giá trị thực hiện các hạng mục của dự án hơn 1.440 tỷ đồng, đạt trên 58% giá trị hợp đồng xây dựng.
Nhựt An/TTXVN