Khoáng sản nhóm IV bao gồm khoáng sản chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp, đắp nền móng công trình gồm: đất sét, đất đồi, đất có tên gọi khác; đất lẫn đá, cát, cuội hoặc sỏi; cát
Nghị định này quy định chi tiết về thời hạn giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV; việc gia hạn, điều chỉnh, trả lại, thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV; cơ quan thẩm định, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, điều chỉnh, trả lại, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV; việc bảo vệ môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản nhóm IV; việc xử lý đối với phần khoáng sản dôi dư quy định tại điểm d khoản 2 Điều 73 Luật Địa chất và khoáng sản.
Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 đã bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, khai thác khoáng sản nhóm IV. Luật đã quy định rõ khoáng sản nhóm IV bao gồm: khoáng sản chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp, đắp nền móng công trình, xây dựng công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai, gồm: đất sét, đất đồi, đất có tên gọi khác; đất lẫn đá, cát, cuội hoặc sỏi; cát (trừ cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển).
Thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV tối đa không quá 10 năm
Nghị định nêu rõ, giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV (gọi là giấy phép khai thác) cấp cho tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản có thời hạn tối đa không quá 10 năm, bao gồm thời gian xây dựng cơ bản, thời gian khai thác được xác định theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản. Thời hạn của giấy phép khai thác có thể được gia hạn nhiều lần theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 5 năm.
Giấy phép khai thác cấp cho tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản có thời hạn tối đa bằng với thời hạn thực hiện của dự án, công trình sử dụng khoáng sản ghi trong giấy phép khai thác, bao gồm thời gian xây dựng cơ bản, thời gian khai thác. Thời hạn của giấy phép khai thác có thể được gia hạn nhiều lần theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này, nhưng tổng thời gian cấp và gia hạn không vượt quá thời hạn thực hiện (kể cả thời hạn được gia hạn, điều chỉnh) của dự án, công trình sử dụng khoáng sản ghi trong giấy phép khai thác.
Cơ quan giải quyết hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, trả lại, thu hồi giấy phép khai thác
Bộ phận một cửa là cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ khi hồ sơ đủ thành phần theo quy định. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thành phần, bộ phận một cửa không tiếp nhận hồ sơ và nêu rõ lý do không tiếp nhận trong phiếu yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định của Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính.
Cơ quan chuyên môn về địa chất, khoáng sản thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, trả lại, thu hồi giấy phép khai thác.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, gia hạn, điều chỉnh, trả lại, thu hồi giấy phép khai thác.
Việc yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, trả lại giấy phép khai thác được thực hiện như sau:
Trong quá trình thẩm định, trình hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, trả lại giấy phép khai thác, trường hợp phải bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, cơ quan thẩm định hồ sơ có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện, trong đó nêu rõ nội dung cần bổ sung, hoàn thiện. Việc yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ chỉ thực hiện một lần. Trường hợp hồ sơ sau hoàn thiện không đáp ứng theo yêu cầu bổ sung, hoàn thiện lần đầu thì có thể đề nghị bổ sung, hoàn thiện lại, nhưng không được phát sinh nội dung yêu cầu mới.
Thời gian hoàn thiện, bổ sung hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định, trình cấp, gia hạn, điều chỉnh, trả lại, thu hồi giấy phép khai thác.
Trường hợp sau khi bổ sung, hoàn thiện lại mà hồ sơ vẫn không đáp ứng yêu cầu theo quy định, cơ quan thẩm định hồ sơ dừng thẩm định và trả lại hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, điều chỉnh, trả lại giấy phép khai thác. Tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp này được quyền nộp lại hồ sơ nhưng sẽ được tính là hồ sơ nộp mới.
Điều kiện cấp giấy phép khai thác
Điều kiện cấp giấy phép khai thác cho tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản như sau:
a) Có quyết định chủ trương đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư,
b) Có quyết định phê duyệt báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
c) Phù hợp với nguyên tắc khai thác khoáng sản quy định tại khoản 2 Điều 73 của Luật Địa chất và khoáng sản;
d) Khu vực đề nghị cấp giấy phép khai thác đã có kết quả khảo sát, đánh giá thông tin chung đối với khoáng sản nhóm IV hoặc kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, công nhận hoặc phê duyệt;
đ) Có hồ sơ đủ điều kiện tiếp nhận theo quy định.
Điều kiện cấp giấy phép khai thác cho tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản như sau: Đáp ứng yêu cầu quy định tại điểm c, điểm d nêu trên; có hồ sơ đủ điều kiện tiếp nhận theo quy định.
Bảo vệ, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản nhóm IV
Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản quy định tại khoản 1 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản phải thực hiện thủ tục về môi trường và thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tổ chức khai thác khoáng sản quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản phải thực hiện các yêu cầu sau: Có phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong phương án khai thác khoáng sản; ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác; cải tạo, phục hồi môi trường theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong phương án khai thác khoáng sản khi kết thúc khai thác khoáng sản.
Việc hoàn trả tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường cho tổ chức khai thác khoáng sản thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Khánh Linh