Chuẩn bị đầu tư không tốt
Hà Nội hiện vẫn còn tồn tại nhiều dự án giao thông trọng điểm dang dở nhiều năm qua, gây không ít khó khăn và bức xúc cho người dân. Nổi bật là những dự án: Đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục; Đại lộ Thăng Long kéo dài; Cải tạo, mở rộng QL1A phía Nam; Mở rộng, nâng cấp QL6, đoạn Ba La - Xuân Mai; Đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến Vành đai 3; Vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng - QL1A; Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ); Đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An…
Dự án mở rộng, cải tạo Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai đang bế tắc trong giải phóng mặt bằng. Ảnh: Ngọc Hải
UBND TP Hà Nội đã đôn đốc rất quyết liệt, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư và các địa phương, tuy nhiên những dự án nêu trên vẫn đang chồng chất khó khăn. Đặc biệt hầu hết các dự án đều gặp vướng mắc kéo dài nhiều năm trong khâu GPMB dù đã khởi công và thi công từng đoạn. Ví dụ như dự án QL1A phía Nam, tính từ thời điểm khởi công đến nay đã kéo dài khoảng 12 năm. Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục đã được phê duyệt từ năm 2017, đến nay vẫn chưa GPMB xong, dù có vai trò cực kỳ quan trọng tháo gỡ UTGT cho khu vực nội đô TP.
Tương tự, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, được thực hiện theo hình thức đối tác công tư, loại hợp đồng BT. Đến nay tuyến đường này đã gần như hoàn thiện, đường đã được đặt tên là Phạm Tu, chỉ còn điểm mấu chốt nhất là nút giao với đường Phan Trọng Tuệ vẫn “bất động” suốt hơn 10 năm qua do không hoàn thành được GPMB. Hay như dự án Đường trục phía Nam cũng chỉ vướng mắc GPMB một phần rất nhỏ nhưng dẫn đến nguy cơ tiếp tục chậm trễ và làm giảm rõ rệt hiệu quả công trình. Đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho hay, dự án được khởi công năm 2008, đến nay đã hoàn thành và đưa vào khai thác khoảng 19km. Nhưng hiện vẫn còn khoảng 2,7km (khoảng 6% khối lượng dự án) chưa được các huyện GPMB, bàn giao để triển khai thi công tiếp. Dự kiến sẽ rất khó khăn và không thể hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025.
Một số dự án khác, nhất là những công trình nằm trong khu vực các quận nội thành cũng gặp khó khăn vướng mắc tương tự khi GPMB, di dời hạ tầng ngầm, nổi luôn gặp vô vàn khó khăn. Đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, nhiều năm qua, do không GPMB được nên không ít dự án chưa thể hoàn thiện. Đây là vấn đề chủ yếu tồn tại xuyên suốt qua nhiều năm, nhiều dự án.
Các dự án “rùa bò” không chỉ gây UTGT, mất vệ sinh môi trường, mà còn gây tốn kém, lãng phí tiền của xã hội, làm giảm hiệu quả đầu tư. Để nhanh chóng đưa các dự án thoát khỏi bế tắc, đẩy nhanh tiến độ, Hà Nội cần có giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa. Cần làm rõ trách nhiệm của các đơn vị tham gia dự án, sai đến đâu chỉ rõ đến đấy, yêu cầu có biện pháp khắc phục, không thể tiếp tục kéo dài tình trạng thi công cầm chừng, biến dự án thành điểm “nghẽn” giao thông, gây bức xúc trong dư luận Nhân dân.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng
Điều đáng nói là các bên có trách nhiệm đối với mỗi dự án giao thông chậm tiến độ đều đưa ra cách lý giải khác nhau. Phía chính quyền địa phương thì cho rằng vướng mắc do cơ chế chính sách, chủ đầu tư thì cho rằng vướng mắc do địa phương. Tuy nhiên, chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định, vướng mắc GPMB là hệ lụy của công tác chuẩn bị đầu tư từ nhiều năm trước. “Ngay khi bắt tay vào nghiên cứu, những người làm dự án và địa phương đã không có sự phối hợp chặt chẽ, không tìm hiểu rõ nguồn gốc, hiện trạng đất đai, không tính đến những vấn đề phát sinh trong GPMB, vướng mắc do cơ chế, chính sách để tham mưu cho cấp cao hơn tìm hướng giải quyết ngay từ đầu. Đến khi dự án “sa lầy” lại đổ lỗi cho cơ chế, chính sách” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nói.
Gây nhiều hệ lụy lâu dài
Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đã lập danh mục hơn 10 dự án giao thông chậm trễ nhiều năm, gây khó khăn, áp lực dẫn đến UTGT để báo cáo lên TP. Các dự án này được đầu tư nhằm tăng cường năng lực cho hạ tầng, góp phần quan trọng giảm UTGT cho khu vực và cả TP. Thế nhưng do chậm trễ triển khai đã dẫn đến nhiều hệ lụy, đặc biệt là hình thành thêm những điểm “đen” UTGT. “Cần đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư xây dựng giao thông đang triển khai trên địa bàn TP, bảo đảm hoàn thành chất lượng, đúng tiến độ được giao. Trong quá trình thực hiện phải có biện pháp thi công khoa học, hợp lý để không tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và không để xảy ra ùn tắc giao thông” - vị lãnh đạo Sở Xây dựng đề xuất.
Thực vậy, các dự án bất động hoặc thi công cầm chừng hàng chục năm qua đã gây nên nhiều hệ lụy trầm trọng. Thứ nhất là làm giảm giá trị sử dụng của dự án, biến những tuyến đường kỳ vọng thành những điểm “đen” UTGT, khiến người dân chán ngán. Các gia đình nằm trong diện GPMB thì lay lắt, bấp bênh, chưa biết đến khi nào mới ngã ngũ chuyện ở, chuyện đi. Thạc sĩ quản lý đô thị Trần Tuấn Anh nhận định: “Các dự án càng để lâu càng gặp nhiều khó khăn. Không chỉ đội giá đội vốn, mà còn có nguy cơ bị tái lấn chiếm, dẫn đến phải GPMB hai lần, tốn thêm tiền của, công sức và nhất là kéo dài thêm thời gian”.
Thứ hai là vô cùng lãng phí tiền của xã hội. Các dự án khởi công hàng chục năm trước rồi nằm im, đến khi thi công trở lại giá nguyên vật liệu, nhân công đã đội lên rất nhiều, chi phí GPMB cũng tăng lên, khiến tổng mức đầu tư phải điều chỉnh, gia tăng sức ép cho ngân sách TP. Chưa kể công trình phơi mưa nắng, đào lên lấp xuống, làm đi làm lại cũng gây tốn kém đáng kể, lại có nguy cơ hư hỏng ngay từ khi chưa được đưa vào sử dụng.
Thứ ba là chính các dự án được triển khai nhằm giảm UTGT lại gây UTGT khiến Nhân dân bức xúc, mệt mỏi.
Ông Lê Hữu Công (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) chia sẻ: “Tôi cho rằng không chỉ địa phương mà chủ đầu tư các dự án cũng chưa làm tốt, làm hết trách nhiệm đối với công việc của mình. Ví dụ như dự án Mở rộng nâng cấp QL6, đoạn Ba La - Xuân Mai, sau hơn 2 năm khởi công quận Hà Đông còn chưa bàn giao được một chút mặt bằng nào để thi công thì trách nhiệm thuộc về ai? Điều này cần làm rõ cho người dân biết”.
Có thể thấy việc thực hiện các dự án giao thông trên địa bàn Hà Nội còn không ít vấn đề cần xem xét, mổ xẻ. Nhiều chuyên gia cho rằng, vướng mắc GPMB thực chất là do quá trình chuẩn bị đầu tư không tốt, khi phát sinh vấn đề, các bên tham gia chưa nỗ lực giải quyết nhanh chóng, triệt để, còn có hiện tượng sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm, làm cầm chừng. Thực tế này đòi hỏi chủ đầu tư cũng như các sở, ngành, địa phương của Hà Nội phải vào cuộc quyết liệt, thực chất hơn nữa, thực hiện đúng chỉ đạo của TP, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ các dự án vốn đã chậm trễ nhiều năm này.
Ngọc Hải