'Thổi hồn' vào đá

'Thổi hồn' vào đá
một ngày trướcBài gốc
Để chế tác được những sản phẩm độc đáo từ đá, những người thợ ở cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Suốt Tư, xã Mỹ Tân (thành phố Nam Định) phải thực hiện rất nhiều công đoạn từ khâu sơ chế, cắt, xẻ, mài, dũa... Dưới bàn tay tài hoa, sự tỉ mẩn của những người thợ trẻ, các khối đá vô tri, vô giác đã được “thổi hồn”, trở thành những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, có tính thẩm mỹ, ứng dụng cao.
Nghệ nhân đang tạo tác từ những khối đá.
Anh Phạm Văn Suốt, sinh năm 1988 quê ở xã Phương Định (Trực Ninh) trong một gia đình thuần nông nhưng lại có niềm yêu thích nghệ thuật điêu khắc đá. Đam mê nghề, anh Suốt theo anh rể vào tận các xưởng điêu khắc ở Thành phố Đà Nẵng học cách “đục đẽo” đá. 7 năm miệt mài học, anh đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm, kỹ năng điêu khắc đá. Tình yêu nghề theo đó cũng lớn dần trong anh.
Anh Phạm Văn Suốt đang tạo tác từ đá với những đường nét tinh xảo.
Theo anh Suốt, để trở thành một người thợ điêu khắc đá lành nghề đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn gồm: Điêu khắc giỏi, chọn đá giỏi, thợ rèn giỏi (sửa dụng cụ làm đá) và kiến trúc giỏi. Vì vậy, khi mới học nghề, không ít lần anh Suốt đã phải “trả học phí” cao cho những lần cắt, đục hỏng. “Lúc mới học nghề, do chưa có kinh nghiệm trong gia công vật liệu nên tôi thường xuyên cắt chệch đường, các bức tượng hỏng phải vứt bỏ đi rất nhiều; thậm chí do bất cẩn nên thường xuyên bị bụi đá bắn vào mắt”, anh Suốt kể.
Anh Phạm Văn Suốt áp dụng máy móc vào sản xuất trong điêu khắc đá.
Năm 2016, sau khi dồn hết vốn liếng, vay thêm của người thân, anh em, bạn bè, anh Phạm Văn Suốt quyết định thành lập cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Suốt Tư, diện tích khoảng 100m2, tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động. Cơ sở của anh chuyên chế tác những sản phẩm như: tượng đá, con giống đá dùng trong các đình, chùa, miếu mạo, lăng mộ… Những ngày đầu, cơ sở sản xuất của anh Suốt gặp nhiều khó khăn do lượng khách hàng đặt mua sản phẩm còn hạn chế, nhiều mặt hàng làm ra chưa có chỗ đứng trên thị trường khiến doanh thu bấp bênh. Không nản chí, anh học thêm các mẫu mã mới, tích cực giới thiệu mặt hàng thông qua các “kênh” khác nhau gồm: đến trực tiếp các đền chùa, qua người thân, bạn bè và các chủ xưởng đá…
Bằng sự nỗ lực, cố gắng không biết mệt mỏi, cơ sở của anh đã vượt qua khó khăn, sản phẩm được thị trường đánh giá cao. Năm 2021, anh mở rộng nhà xưởng lên hơn 1.000m2, mua các loại máy xẻ đá tự động, máy tiện, máy cắt đá CNC, thiết bị cẩu trục… với số tiền trên 2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 12-15 lao động, thu nhập từ 10-12 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, trừ chi phí, cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Suốt Tư mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Trong các sản phẩm điêu khắc đá, theo anh Suốt, khó nhất là làm tượng. Làm nghề điêu khắc nói chung đã khó, điêu khắc đá còn yêu cầu cao sự tỉ mỉ, bàn tay khéo léo hơn nữa do tính chất của vật liệu rắn, không dễ đục đẽo. Để làm được 1 bức tượng đá trước hết phải chế mẫu can hình, đóng nhận để định hình, xác nhận phần đá bỏ, rồi đục, gọt nhẵn, nạo, tỉa tách và đánh bóng… Mỗi công đoạn đều đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề điêu luyện, đôi mắt tinh và trí sáng tạo của người thợ. Nghề điêu khắc đá do đó cũng lắm công phu, buộc người thợ phải có năng khiếu, có ý tưởng, có bàn tay khéo léo và kỹ thuật cao để “chế biến” đá.
Từ những khối đá sần sùi, vô tri giác, qua bàn tay tài hoa của những thợ điêu khắc đã biến thành thế giới của hoa lá, loài vật, chim muông… mang hồn cốt của những người thợ có hoa tay. Cũng theo anh Suốt, trong nghề điêu khắc đá có những chi tiết như khuôn mặt của tượng, đầu rồng, đầu lân… là khó đục nhất. Bởi đó là “tổ hợp chi tiết” của nhiều chi tiết nhỏ cộng lại. Khi đó, người thợ ngoài tay nghề cao, khả năng khéo léo còn phải kiên nhẫn, kỳ công.
Những tác phẩm tượng đá nghệ thuật được tạo tác từ những đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân.
Nghề “khó” nên thợ nghề phải mất nhiều năm “luyện đục” mới thành thợ chính. Hiện nay, với sự hỗ trợ, kết hợp của các loại máy móc hiện đại, công việc của thợ điêu khắc đá đã “nhàn” hơn khá nhiều. Tuy vậy, với những công đoạn quan trọng vẫn phải sử dụng sức người. “Máy móc có thể tạo ra những sản phẩm với độ chính xác gần như tuyệt đối. Nhưng tôi nghĩ, với những ngành nghề đòi hỏi tính thẩm mỹ, nghệ thuật cao vẫn cần phải có bàn tay con người trực tiếp tác động. Chỉ khi người thợ thực sự đặt hết tâm huyết, tình cảm vào từng sản phẩm mới tạo ra “hồn cốt”, nét riêng. Nói cách khác, không thể “máy móc hóa” mọi khâu sản xuất trong nghề điêu khắc đá được”, anh Suốt khẳng định.
Với đôi bàn tay khéo léo, những người thợ điêu khắc đá ở cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Suốt Tư đã biến những phiến đá vô tri thành “tác phẩm” mỹ nghệ tinh tế, mang giá trị nghệ thuật. Từ đó, góp phần đa dạng hóa các nét đẹp trong đời sống, sản xuất, mang lại giá trị kinh tế, nguồn thu nhập ổn định cho người lao động.
Bài và ảnh: Hoa Xuân - Văn Huỳnh
Nguồn Nam Định : https://baonamdinh.vn/multimedia/202504/thoi-hon-vao-da-af06fec/