Đây là ý kiến phát biểu chỉ đạo của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung tại phiên trù bị Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2030 diễn ra vào chiều 13/7.
Với phương châm “Đoàn kết - Kỷ cương - Đột phá - Phát triển”, Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2030 có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025; rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra các chủ trương, mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng nhiệm vụ, giải pháp khả thi, phù hợp với tình hình thực tế trong nhiệm kỳ 2025-2030 và giai đoạn tiếp theo.
Tập trung dân chủ, bình đẳng, trực tiếp
Tham dự phiên trù bị, về phía Đảng ủy Chính phủ có ông Chu Đình Động - Phó trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Chính phủ và các thành viên Tổ chỉ đạo Đại hội số 8.
Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ nhất, nhiệm kỳ2025-2030 được tiến hành với phương châm “Đoàn kết - Kỷ cương - Đột phá -Phát triển”Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ nhất, nhiệm kỳ2025-2030 được tiến hành với phương châm “Đoàn kết - Kỷ cương - Đột phá -Phát triển”
Về phía Bộ Dân tộc và Tôn giáo có Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung; Thứ trưởng thường trực Hồ Văn Niên; Phó Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Y Vinh Tơr; Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Đảng ủy, Thứ trưởng Nông Thị Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Thứ trưởng Y Thông; Thứ trưởng Nguyễn Hải Trung và các ủy viên Ban Thường vụ, ủy viên Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy cùng 150 đại biểu chính thức đại diện cho đảng viên các chi bộ, Đảng bộ trực thuộc.
Tại phiên trù bị, Đại hội đã tiến hành bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu; thông qua nội quy Đại hội, quy chế bầu cử, quy chế làm việc, hướng dẫn sinh hoạt của đại biểu.
Theo đó, Đại hội được tiến hành theo nguyên tắc tập trung dân chủ, bình đẳng, trực tiếp; các quyết định của Đại hội đều phải được trên 1/2 số đảng viên của Đại hội đồng ý; các quyết định điều hành thuộc thẩm quyền của Đoàn Chủ tịch phải được trên 1/2 số thành viên tán thành.
Đóng góp tích cực, chất lượng vào các văn kiện
Đại hội đã nghe báo cáo tổng hợp góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội 14 của Đảng và dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ Chính phủ nhiệm kỳ 2025-2030.
Căn cứ hướng dẫn lấy ý kiến đóng góp và dự thảo các báo cáo Đại hội lần thứ 14 của Đảng, Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc thảo luận, góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của Đảng từ cấp chi bộ trực thuộc đến các chi bộ, Đảng bộ cơ sở trong toàn Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo.
Đảng viên toàn Đảng bộ đã tập trung nghiên cứu, thảo luận và nghiêm túc đóng góp ý kiến cho dự thảo các văn kiện, nhất là các nội dung trọng tâm trong dự thảo các báo cáo như: thành tựu, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm rút ra sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng; các mục tiêu phát triển tổng quát, mục tiêu phát triển chủ yếu giai đoạn 2026-2030 của đất nước; kết quả công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội 13 của Đảng; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp…
Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung và các đại biểu biểu quyết bầu Đoàn Chủ tịch, Thư ký Đại hội
Đảng ủy Bộ Dân tộc và Tôn giáo cũng đã chỉ đạo các Đảng bộ, chi bộ trực thuộc và các tổ chức đoàn thể thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Chính phủ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2030.
Các Đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo đều đánh giá cao nội dung, chất lượng của dự thảo báo cáo chính trị.
Theo đó, dự thảo báo cáo được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, nghiêm túc, bố cục hợp lý; nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá thẳng thắn, đúng thực tế tình hình của đất nước; văn phong chặt chẽ, nội dung có tính khái quát cao, có cơ sở lý luận gắn với thực tiễn đã phản ánh toàn diện tình hình và kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Chính phủ trong nhiệm kỳ qua. Các Đảng bộ, chi bộ cơ bản nhất trí các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá của dự thảo báo cáo, nội dung phù hợp với đặc thù của Đảng bộ Chính phủ.
Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung
Việc xác định 3 khâu đột phá chiến lược, những nội dung ưu tiên trong từng đột phá, tính khả thi trong từng đột phá được xác định là thiết thực, phù hợp, gắn với 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược của Đảng ủy Chính phủ đã đề ra.
Trong nhiệm vụ đột phá chiến lược thứ 2 về tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh thu hút và trọng dụng nhân tài, Đảng ủy Bộ Dân tộc và Tôn giáo đề nghị chú trọng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số (DTTS) đạt chuẩn vào hệ thống chỉ tiêu quốc gia, nhằm phục vụ và đảm bảo cho sự vận hành của chính quyền 2 cấp trong thời gian tới.
Đại biểu tin tưởng vào sự đổi mới trong nhiệm kỳ mới
Các đại biểu đã nghe nhiều tham luận có ý nghĩa, với các nội dung: nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đảng bộ trong tình hình mới; công tác tham mưu, phục vụ lãnh đạo Bộ trong chỉ đạo điều hành, hoạt động về thực hiện chính sách dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; công tác tham mưu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi; định hướng đổi mới trong thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045...
Trình bày tham luận về công tác tham mưu, xây dựng chính sách, đảm bảo chính sách thực chất đi vào cuộc sống vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có đạo trong kỷ nguyên mới, ông Hoàng Văn Tuyên - Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Chính sách - đề xuất một số giải pháp như: tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi chính sách; tăng cường phân cấp, phân quyền và xây dựng bộ máy quản lý công tác dân tộc, tôn giáo thống nhất, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Thứ trưởng thường trực Hồ Văn Niên, Thứ trưởng Y Vinh Tơr, Thứ trưởng Nông Thị Hà, Thứ trưởng Nguyễn Hải Trung
Ngoài ra, ông Tuyên cũng nhấn mạnh đến việc huy động đa dạng hóa các nguồn lực và đầu tư có mục tiêu, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm; đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc và tôn giáo; ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số trong xây dựng chính sách; tăng cường công tác truyền thông và phát huy nội lực cộng đồng…
“Tôi tin tưởng sâu sắc rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, lãnh đạo Bộ, công tác dân tộc, tín ngưỡng và tôn giáo nói chung và công tác xây dựng chính sách đối với vùng đồng bào DTTS, vùng đồng bào các tôn giáo sẽ được đổi mới mạnh mẽ. Đó là những đổi mới về tư duy, thể chế, hành động, lấy con người làm trung tâm, cộng đồng làm nền tảng, văn hóa làm động lực, công nghệ làm công cụ và hiện đại hóa quản trị công làm đột phá; xây dựng được hệ sinh thái chính sách dân tộc và tôn giáo 'không để ai bị bỏ lại phía sau', đóng góp tích cực vào việc củng cố niềm tin và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc” - ông Hoàng Văn Tuyên gửi gắm.
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung cho biết: Chương trình phiên trù bị đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đặt ra theo đúng kế hoạch.
Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cảm ơn Đảng ủy Chính phủ, trực tiếp là Tổ chỉ đạo Đại hội số 8 Đảng bộ Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo để Đại hội Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo diễn ra theo đúng kế hoạch đề ra.
Các văn kiện, báo cáo chính trị đã được các Đảng bộ, chi bộ thảo luận, đóng góp dày dặn, có chất lượng. Những vấn đề bổ sung vào văn kiện, đặc biệt là những vấn đề mới, những nhận định liên quan đến dân tộc, tôn giáo, trách nhiệm chính trị, tầm nhìn quản lý nhà nước trong 5 năm tới được cập nhật chất lượng.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, công tác chuẩn bị nhân sự được tiến hành nghiêm túc, kỹ lưỡng, theo đúng quy định. “Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo bước vào Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ mới với tâm thế mới, bộ máy tổ chức mới sẽ bước vào thời kỳ mới, tạo bước ngoặt mới trong thực hiện nhiệm vụ…”, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tin tưởng.
Định hướng sự đột phá về thể chế, nhân lực và hiệu lực, hiệu quả
Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2030 diễn ra vào thời điểm đất nước có nhiều sự kiện trọng đại. Đại hội diễn ra trên nền tảng những thành tựu quan trọng sau 40 năm đổi mới và các quyết sách đổi mới mang tính lịch sử mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang thực hiện, tạo thêm niềm tin và khí thế mới, quyết tâm đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Các đại biểu dự Đại hội
Với chủ đề của Đại hội: “Xây dựng Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện; đột phá về thể chế, nhân lực và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, phiên chính thức Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2030 sẽ diễn ra sáng 14/7.