Thời kỳ tăng trưởng huy hoàng của kinh tế châu Âu

Thời kỳ tăng trưởng huy hoàng của kinh tế châu Âu
4 giờ trướcBài gốc
Ba người đàn ông đang đọc các tin tức về kinh tế trên báo vào đầu năm 1970 tại New York. Ảnh: N.Y.T.
Trong khoảng 30 năm có lẻ giữa thời điểm kết thúc Thế chiến Hai và cuộc khủng hoảng OPEC, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Tây Âu, Mỹ và Canada đạt mức cao chưa từng có trong lịch sử.
Từ năm 1870 đến năm 1929, GDP bình quân đầu người ở Mỹ đã tăng với tốc độ chưa từng thấy bấy giờ là 1,76%/ năm. Trong bốn năm sau năm 1929, GDP bình quân đầu người sụt giảm một mức thảm khốc, 20%, không phải vô cớ mà người ta lại gọi thời kì đó là cuộc Đại Suy thoái, nhưng lại phục hồi khá nhanh.
Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong giai đoạn 1929-1950 thực ra nhỉnh hơn giai đoạn trước đó một chút. Nhưng từ năm 1950 đến năm 1973, tốc độ tăng trưởng hằng năm đã tăng lên 2,5%; giữa 1,76% và 2,5% có nhiều khác biệt hơn ta nghĩ khi thoạt nhìn. Với tốc độ tăng trưởng 1,76%, phải mất 40 năm để GDP bình quân đầu người tăng gấp đôi, nhưng chỉ mất 28 năm với mức 2,5%.
Châu Âu có một lịch sử sáng tối lẫn lộn hơn trước năm 1945, phần vì các cuộc chiến tranh của nó, nhưng sau năm 1945, mọi thứ thực sự bùng nổ. Khi Esther được sinh ra hồi cuối năm 1972, nước Pháp có GDP bình quân đầu người gấp khoảng bốn lần so với thời điểm bà Violaine mẹ cô ra đời năm 1942.
Bấy giờ, đó là chuyện thường đối với các nước Tây Âu. GDP bình quân đầu người ở châu Âu tăng 3,8%/ năm trong giai đoạn 1950-1973. Không phải ngẫu nhiên mà người Pháp gọi 30 năm sau chiến tranh là les Trente Glorieuses(Ba mươi năm huy hoàng).
Tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi sự gia tăng nhanh chóng trong năng suất lao động, hay số lượng sản phẩm được sản xuất ra sau mỗi giờ làm việc. Tại Mỹ, năng suất lao động tăng 2,82%/năm, nghĩa là nó sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 25 năm.
Mức tăng năng suất lao động này là đủ lớn để thừa sức bù đắp cho sự sụt giảm số giờ làm việc trên đầu người diễn ra trong cùng thời gian này. Ở nửa sau của thế kỉ, tuần làm việc đã giảm 20 giờ ở Mĩ và châu Âu.
Và cuộc bùng nổ trẻ sơ sinh sau chiến tranh đã làm giảm tỉ lệ người trưởng thành trong độ tuổi lao động trong dân số vì thế hệ bùng nổ dân số (1946-1965) hồi đó đang là các... em bé.
Điều gì đã khiến người lao động làm việc hiệu quả hơn? Phần vì họ đã được giáo dục tốt hơn. Một người dân điển hình sinh vào những năm 1880 chỉ học đến lớp bảy, trong khi một người dân điển hình sinh vào những năm 1980 có trung bình hai năm học đại học. Và họ được làm việc với nhiều máy móc cũng như với những máy móc tốt hơn. Đây là thời kì mà điện và động cơ đốt trong dần chiếm lĩnh vai trò trung tâm của chúng.
Bằng cách đặt ra những giả định có phần cường điệu, ta có thể ước đoán được đóng góp của hai nhân tố này. Robert Gordon tính toán rằng trình độ học vấn cao hơn lý giải cho mức tăng năng suất lao động vào khoảng 14% của giai đoạn này, và nguồn vốn đầu tư giúp trang bị cho người lao động những máy móc với số lượng lớn hơn và chất lượng tốt hơn để làm việc đã lý giải thêm 19% mức tăng.
Phần còn lại của sự cải thiện năng suất quan sát được không thể được giải thích bằng thay đổi trong những thứ mà các nhà kinh tế có thể đo lường được.
Để an ủi chính mình, các nhà kinh tế đã đặt tên riêng cho nó: năng suất nhân tố tổng hợp, hay TFP (Total Factor Productivity). (Nhà kinh tế học tăng trưởng nổi tiếng Robert Solow đã định nghĩa TFP là “thước đo cho sự ngu dốt của chúng ta.”)
Tăng trưởng trong năng suất nhân tố tổng hợp là những gì còn lại sau khi chúng ta đã tính đến tất tần tật mọi thứ ta có thể đo lường. Nó khái quát thực tế là những lao động có cùng trình độ học vấn làm việc với cùng những loại máy móc và đầu vào (cái mà các nhà kinh tế gọi là vốn) hôm nay tạo ra nhiều sản lượng/ giờ làm việc hơn so với năm trước.
Điều này rất hợp lý. Chúng ta không ngừng tìm cách sử dụng những nguồn lực hiện có một cách hiệu quả hơn. Điều này phản ánh phần nào trong tiến bộ công nghệ: chip máy tính ngày càng rẻ hơn và nhanh hơn, vì vậy một thư ký giờ đây có thể hoàn thành chỉ trong vài giờ khối lượng công việc mà trước đây phải cần một nhóm nhỏ mới làm xuể; những hợp kim mới được phát minh; những giống lúa mì mới lớn nhanh hơn và cần ít nước tưới hơn được đưa vào gieo trồng.
Nhưng năng suất nhân tố tổng hợp còn tăng khi chúng ta khám phá ra những cách mới để giảm lãng phí hoặc rút ngắn thời gian mà nguyên liệu thô hoặc người lao động buộc phải ngồi không. Các đổi mới trong phương pháp sản xuất như sản xuất theo dây chuyền hoặc sản xuất tinh gọn mang lại tác động tương tự. Những việc như tạo lập một thị trường thuê mướn máy kéo tốt cũng vậy.
Abhijit V. Banerjee & Esther Duflo/ NXB Trẻ
Nguồn Znews : https://znews.vn/thoi-ky-tang-truong-huy-hoang-cua-kinh-te-chau-au-post1502909.html