Chế bến cá tra fillet xuất khẩu tại Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang. Ảnh: Công Mạo/TTXVN
Ông Suan Teck Kin - chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành khối nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore): Cần gia tăng đa dạng hóa thương mại toàn cầu
Trong bối cảnh chính trị thế giới sẽ có những thay đổi, Việt Nam cần nhanh chóng mở rộng thị trường xuất khẩu; tận dụng cơ hội gia tăng đa dạng hóa thương mại toàn cầu nhằm giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc quá mức vào một thị trường cụ thể.
Ông Suan Teck Kin - chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành khối nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore).
Dù chính sách mới của Tổng Thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể tạo ra những thách thức đối với xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhưng cũng là thời điểm để Việt Nam chủ động tìm kiếm thêm cơ hội ở các thị trường khác. Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng nếu xuất khẩu sang thị trường này gặp khó khăn, Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu sang châu Âu, Tây Âu, Đông Âu và các quốc gia khác. Vẫn còn rất nhiều thị trường tiềm năng mà Việt Nam có thể khai thác để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
UOB tin tưởng, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong nước. Việc đẩy mạnh xây dựng hạ tầng như: Sân bay, cầu, cảng biển không chỉ giúp Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh mà còn giảm thiểu rủi ro từ bên ngoài.
Hiện, Việt Nam có nhiều dư địa để thúc đẩy đầu tư công khi tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam vẫn ở mức khá thấp so với các nước trong khu vực châu Á và các nền kinh tế mới nổi. Với dư địa này, Chính phủ có thể đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược, từ đó tạo ra động lực tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.
Việt Nam cũng phải đối diện với 3 thách thức lớn trong nhiệm kỳ của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, đó là vấn đề thuế quan. Với nền kinh tế có độ mở cao thứ 2 trong ASEAN (sau Singapore), Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thương mại quốc tế. Việt Nam hiện có mức độ phụ thuộc về thương mại quốc tế là 84% (cao thứ 2 ở khu vực ASEAN).
Thứ hai, thách thức về thị trường tài chính. Biến động giá trị đồng USD có thể gây ra những tác động sâu rộng đối với thị trường tài chính Việt Nam, tác động đến thương mại, đầu tư, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã và đang có những biện pháp điều hành phù hợp để giảm thiểu áp lực từ biến động tỷ giá, do đó rủi ro từ thách thức này sẽ được kiểm soát ở mức ổn định. Cuối cùng là thách thức về chuỗi cung ứng. Nền kinh tế Việt Nam đã và đang sở hữu nhiều năng lực nội tại mạnh mẽ, được thể hiện rõ rệt qua khả năng quản lý các chỉ số vĩ mô ổn định, cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong thương mại trong năm 2024.
Đặc biệt, với mức tăng trưởng GDP ấn tượng đạt 7,09% trong năm 2024, Việt Nam đã chứng minh được sức mạnh bền bỉ trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động. Đây chính là nền tảng vững chắc để Việt Nam vượt qua những khó khăn trước mắt, đồng thời tận dụng những cơ hội phát triển mới trong thời gian tới. Trong thời gian tới, bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và đẩy mạnh đầu tư để vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
TS Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính & Bất động sản Toàn Cầu: Cân bằng cán cân thương mại giữa Mỹ và Việt Nam
TS Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính & Bất động sản Toàn Cầu.
Thời gian tới, ông Trump tăng cường bảo vệ bảo hộ mậu dịch, bảo vệ nền kinh tế Mỹ nên có thể có biện pháp trừng phạt tới các nước xuất siêu vào Mỹ, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi hy vọng điều đó sẽ không xảy ra vì trước đây, ông Donald Trump lên nắm chính quyền, quan hệ ông Trump với Việt Nam khá tốt.
Năm 2025, Việt Nam cần cố gắng cân bằng cán cân thương mại giữa Mỹ và Việt Nam. Cần có các chính sách linh hoạt, tuyệt đối ứng biến, đáp ứng môi trường chính trị kinh tế thương mại sắp tới. Việt Nam sẽ phải đối diện với những yếu tố tác động từ kinh tế thế giới và địa chính trị. Một trong những yếu tố lớn nhất là chính sách kinh tế của ông Donald Trump, đặc biệt về thuế và thương mại, sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu, bao gồm Việt Nam.
Nếu chính sách thuế của Mỹ đối với các quốc gia nhập khẩu vào Mỹ trở nên khắt khe hơn, như đe dọa áp thuế 60% đến 100% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, các quốc gia như Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng. Việt Nam là một trong những quốc gia xuất siêu lớn vào Mỹ, nên tác động từ các chính sách này có thể dẫn đến lạm phát cao và gia tăng chi phí sản xuất.
Tỷ giá đồng Việt Nam có thể tiếp tục biến động mạnh trong năm 2025. Tính đến cuối năm 2024, tỷ giá đồng Việt Nam đã tăng khoảng 4,5% và tỷ giá này có thể tiếp tục tăng trong năm tới. Tình hình này chủ yếu phụ thuộc vào các quyết định chính sách của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Đặc biệt khả năng thay đổi chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng.
Bên cạnh những biến động toàn cầu, nền kinh tế nội tại của Việt Nam cũng đang gặp không ít khó khăn. Việt Nam vẫn chưa thể phục hồi mạnh mẽ từ tác động của đại dịch COVID-19. Một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là tình trạng khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dù các ngân hàng báo cáo lãi và tuyên bố hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp lại khó vay vốn do không đáp ứng đủ các tiêu chí vay vốn hoặc phải đối mặt với nợ xấu gia tăng.
Ngoài ra, các yếu tố như lạm phát và chi phí sản xuất cao cũng gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc duy trì hoạt động. Tuy nhiên, một số cơ hội tiềm năng đối với Việt Nam trong năm 2025, đặc biệt trong lĩnh vực ngoại thương.
Việt Nam vẫn có những cơ hội lớn để phát triển trong năm 2025. Đầu tiên, về ngoại thương, nếu các quốc gia bị tác động mạnh bởi chính sách thuế của Mỹ, như Trung Quốc, phải tìm kiếm các thị trường thay thế, thì Việt Nam có thể trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp đang tìm kiếm đối tác mới. Châu Âu, với tư cách là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, có thể tiếp tục là một cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam.
Về phía các doanh nghiệp, cần tập trung vào việc tăng cường xuất khẩu và tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt là ở châu Âu. Đồng thời, họ cũng cần chú trọng vào việc cải thiện năng lực tài chính và tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các nguồn vốn đầu tư quốc tế và nâng cao chất lượng sản phẩm cũng sẽ là yếu tố quyết định để các doanh nghiệp duy trì sự phát triển bền vững trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Tiến sỹ Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc nghiên cứu và tư vấn đầu tư, CTCP Chứng khoán DNSE: Tận dụng cơ hội từ xu hướng dịch chuyển FDI
Nhiệm kỳ mới của ông Donald Trump sẽ mang lại nhiều bài toán mới cho kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Thứ nhất là xu hướng dịch chuyển thương mại, thứ hai là xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Về xu hướng dịch chuyển FDI thì những con số thống kê gần đây nhất của Bộ Kế hoạch Đầu tư đã chỉ ra, chỉ riêng Trung Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông đã có lượng FDI đăng ký vào Việt Nam tăng đáng kể.
Tiến sỹ Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc nghiên cứu và tư vấn đầu tư, CTCP Chứng khoán DNSE
Với nhiệm kỳ mới của ông Trump, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với bài toán về tỷ giá. Ông Donald Trump luôn khẳng định muốn giữ vị thế đồng USD. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ số sức mạnh USD sẽ phải neo ở một mức cao. Hiện chỉ số sức mạnh USD (DXY) đã ở mức 108 điểm, cao nhất trong vòng 2 năm qua.
Tỷ giá về mặt lý thuyết sẽ chịu tác động bởi hai yếu tố. Đó là yếu tố quốc tế của chỉ số DXY và yếu tố trong nước, là dòng tiền của USD, tập trung vào cấu phần của cán cân thanh toán.
Áp lực lớn nhất của năm 2025 sẽ là tỷ giá, sau đó sẽ là lãi suất. Lãi suất tăng là hệ quả của việc tỷ giá tăng giá mạnh, buộc NHNN phải bán thêm đô la Mỹ ra để bảo vệ tỷ giá, khiến thanh khoản hao hụt. Điều này đồng nghĩa, chính sách tiền tệ năm sau có khá ít dư địa để nới lỏng. Với các ngân hàng, áp lực trên còn có thể đẩy tỷ lệ nợ xấu tăng lên và bao phủ nợ xấu giảm đi.
Minh Phương/Báo Tin tức (thực hiện)