Thời lượng đèn vàng quá ngắn: Tài xế có thể dính phạt 'oan' lỗi vượt đèn đỏ?

Thời lượng đèn vàng quá ngắn: Tài xế có thể dính phạt 'oan' lỗi vượt đèn đỏ?
2 ngày trướcBài gốc
Nghị định 168 có hiệu lực từ 1/1/2025, quy định mức phạt lỗi vượt đèn đỏ từ 18 - 20 triệu đồng với ô tô và 4 - 6 triệu đồng đối với mô tô, xe máy. Đây là mức phạt rất cao, hầu hết người lái xe đều ủng hộ để đảm bảo an toàn giao thông.
Tuy nhiên, một số lái xe than phiền về tình cảnh “éo le” khi đi qua một số nút giao thông mà thời gian đèn chuyển từ vàng sang đỏ quá nhanh dẫn đến người lái xe không phanh kịp. Điều này khiến họ bị dính lỗi vượt đèn đỏ.
Anh Nguyễn Văn Hải (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, thực tế trên đường có trường hợp đèn giao thông đang từ màu xanh chuyển thẳng sang đỏ mà không có đèn vàng để tài xế chuẩn bị. Anh Hải từng rơi vào tình cảnh này, phải thắng gấp khi xe vừa chạm vào vạch giới hạn ở giao lộ.
“Lúc này, tài xế có một trong hai cách xử lý là nhấn ga chạy luôn (phạm lỗi vượt đèn đỏ) hoặc phanh gấp chấp nhận nguy hiểm nếu có xe phía sau, nhưng vẫn phạm lỗi dừng quá vạch giới hạn. Tức là đôi khi xử lý thế nào thì tài xế cũng vẫn có nguy cơ bị phạt”, anh Hải nói.
Tình huống khác là ở một số nút giao mặc dù có tín hiệu đèn vàng nhưng thời lượng chuyển từ xanh sang vàng quá ngắn khiến tài xế “trở tay không kịp”.
Nhiều nút giao tín hiệu đèn vàng quá ngắn khiến tài xế "trở tay không kịp". Ảnh: Anh Nguyễn
Trao đổi với VietNamNet về vấn đề trên, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã mô tả thời gian phanh xe kể từ khi người lái xe nhìn thấy tín hiệu đèn chuyển từ xanh sang vàng đến khi xe dừng hẳn.
Ông Tạo phân tích, khi người lái xe nhìn thấy tín hiệu đèn chuyển từ xanh sang vàng sẽ quyết định đạp phanh để xe dừng lại.
“Để đảm bảo an toàn cho xe khi phanh nên chọn gia tốc bằng 4m/s. Nếu chọn gia tốc lớn quá sẽ làm xe dừng quá đột ngột. Khi đó xe có nguy cơ xoay ngang và rất dễ bị xe phía sau húc gây tai nạn. Trong khi nếu chọn thấp quá sẽ làm tăng thời lượng đèn vàng quá lớn, làm giảm khả năng thông hành của nút giao", ông Tạo nói.
Theo ông Tạo, khi tốc độ xe đến nút giao tăng thì thời gian phanh xe để dừng hẳn cũng tăng. Nếu thời lượng đèn vàng lớn hơn thời gian phanh thì khi xe dừng hẳn trước vạch dừng, tín hiệu đèn vẫn còn màu vàng, chưa sang đỏ.
Khi thời lượng đèn vàng nhỏ hơn thời gian phanh thì khi xe dừng hẳn, tín hiệu đèn đã chuyển sang màu đỏ và lái xe bị phạt lỗi vượt đèn đỏ.
Do đó, ông Tạo cho rằng việc lựa chọn thời lượng đèn vàng tại nút giao có đèn tín hiệu là yếu tố đặc biệt quan trọng. Nếu thời lượng đèn vàng quá dài thì sẽ giảm khả năng thông hành của nút giao. Nhưng nếu thời lượng đèn vàng quá ngắn sẽ đẩy người lái xe vào tình thế bị phạt “oan”.
“HIện tại chúng ta đang quy định tốc độ cho phép của ô tô trong khu dân cư liền kề là 50km/h hoặc 60km/h, ngoài khu dân cư liền kề là 70 - 80km/h hoặc 90km/h. Cơ quan chức năng có thể xem xét tốc độ cho phép của từng con đường để lựa chọn thời lượng đèn vàng hợp lý tại các nút giao có đèn tín hiệu”, ông Tạo nhấn mạnh.
Cụ thể, nếu đoạn đường tại nút giao đèn có vận tốc 20km/h thì thời gian nhấn phanh là 2,48s. Như vậy, thời lượng đèn vàng có thể áp dụng cho nút giao này là 3s.
Tương tự, với các đoạn đường có vận tốc khác nhau thì thời lượng đèn vàng cũng phải lớn hơn thời gian phanh xe: 30km/h - trên 3,18s; 40km/h - trên 3,87s; 50km/h - trên 4,57s; 60km/h - trên 5,27s; 70km/h - trên 5,96s; 80km/h - trên 6,65s; 90km/h - trên 7,38s.
Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia giao thông khác cho rằng cơ quan quản lý cần rà soát lại tất cả các nút giao có tín hiệu đèn giao thông, căn cứ vào lượng xe, tốc độ cho phép của xe chạy trên đoạn đường đó để quyết định thời lượng đèn vàng cần thiết theo các mức 3s, 6s hay 8s.
Những trường hợp vượt đèn đỏ không bị phạt
Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định không xử phạt đối với trường hợp thực hiện hành vi vi phạm trong tình thế cấp thiết.
Theo đó, những xe ưu tiên đi làm nhiệm vụ gồm: Xe chữa cháy của Cảnh sát PCCC&CNCH và xe chữa cháy của các lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy; xe của lực lượng quân sự, công an và kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; đoàn xe có xe CSGT dẫn đường; xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu; xe hộ đê đi làm nhiệm vụ; xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật … được phép vượt đèn đỏ.
N. Huyền
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/thoi-luong-den-vang-qua-ngan-tai-xe-co-the-dinh-phat-oan-loi-vuot-den-do-2360328.html