Ăn cá mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng cũng tiềm ẩn một số rủi ro. Mới đây, vị bác sĩ người Trung Quốc tên Lý Bách Hiền, chuyên khoa tiêu hóa và gan mật, chia sẻ bức ảnh chiếc xương cá lớn mắc kẹt trong thực quản của bệnh nhân.
Mẩu xương cá khá lớn bị mắc kẹt trong đường tiêu hóa của bệnh nhân Trung Quốc. Ảnh: Dr. Le
Bác sĩ Lý cho hay, thực quản có nhiều mạch máu lớn, ngay cả khi lấy xương cá qua nội soi vẫn có nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng đường tiêu hóa. Dưới đây là 2 điều bạn cần lưu ý để tránh sự cố khi ăn cá:
Không nói chuyện khi ăn cá
Lý do khiến nhiều người hóc xương cá là thường xuyên nói chuyện khi ăn. Bởi vậy, bạn cần thận trọng, đặc biệt khi thưởng thức các loại cá nhiều xương. Ngoài xương cá, người dân cũng có thể vô tình nuốt phải các loại xương gà, lợn; mảnh vỏ cua, ốc, trai, hến khi ăn cháo, súp canh.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, khi bạn nói chuyện trong lúc ăn cá, chuyển động đồng thời giữa nhai và nói có thể làm gián đoạn quá trình nuốt bình thường, bỏ qua xương còn sót trong cá. Điều này khiến xương dễ bị mắc lại trong cổ họng hơn. Xương cá, với đặc tính mỏng và sắc nhọn, dễ dàng đâm vào mô mềm ở họng hoặc thực quản, gây đau đớn, khó chịu. Nếu không được xử lý kịp thời, xương cá sẽ gây ra các biến chứng nghiêm trọng như thủng và chảy máu thực quản.
Bên cạnh đó, thói quen nói chuyện trong lúc ăn làm tăng nguy cơ thức ăn hoặc dị vật đi vào đường thở thay vì thực quản. Nếu xương cá lọt vào đường thở có khả năng gây nghẹt thở, tắc nghẽn đường hô hấp hoặc các bệnh lý như viêm phổi do hít phải dị vật.
Không nuốt cơm để chữa hóc xương
Ăn cơm để chữa hóc xương cá là cách làm phổ biến được người dân truyền miệng nhưng thực tế phương pháp này có thể làm tình trạng tồi tệ hơn.
Xương cá dễ mắc ở những vị trí như amidan, gốc lưỡi hoặc hầu họng. Khi bạn nuốt cơm để loại bỏ xương, áp lực từ cơm có thể đẩy xương vào sâu hơn trong mô mềm, gây tổn thương. Xương cá thậm chí có thể rơi vào đường thở gây nghẹt thở hoặc nhiễm trùng phổi nghiêm trọng, cần can thiệp y tế khẩn cấp. Nếu không gắp ra sớm, xương cá còn có nguy cơ gây nhiễm trùng cục bộ hoặc tạo áp xe, đặc biệt khi mắc trong thực quản, dạ dày.
Bởi vậy, nếu nghi ngờ mình nuốt phải dị vật, bạn cần đến cơ sở y tế để tiến hành nội soi. Sau khi xương cá được lấy ra khỏi đường tiêu hóa, bệnh nhân nên ăn nhạt trong 1 tuần, tránh thực phẩm cứng có thể gây viêm, đau ở vết thương, giúp thực quản có thể hồi phục tốt.
An Yên