Thời tiết cực đoan đe dọa an toàn hàng hải Đông Nam Á

Thời tiết cực đoan đe dọa an toàn hàng hải Đông Nam Á
một ngày trướcBài gốc
Tàu thuyền trở tay không kịp
Theo hãng tin Reuters, giữa bầu trời u ám và sóng cuộn dữ dội, chiếc phà mang tên KMP Tunu Pratama Jaya rời khỏi mũi đông đảo Java vào tối 2/7. Hành khách, thủy thủ và nhân viên cảng đều ung dung nghĩ 45 phút nữa sẽ từ Banyuwangi, qua Eo biển Bali, đến cảng Gilimanuk.
Các lực lượng tham gia cứu hộ tại vụ bị chìm phà ngoài khơi Bali, Indonesia đầu tháng 7. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên, giữa hành trình những con sóng dữ bất ngờ tấn công, tàu lắc đảo dữ dội.
Hành khách Syamsul Hidayat nhớ lại: "Những cơn sóng cao, nước tràn vào, toàn bộ phương tiện trên phà lắc từ bên này sang bên kia. Sau đó, một con sóng mạnh tấn công khiến động cơ ngừng hoạt động. Phà chìm trong vòng chưa đầy ba phút".
Do phà chìm nhanh nên đa số trong 65 người không kịp mặc áo phao hay lên thuyền cứu sinh. Kể cả những người kịp mặc áo phao như như anh Syamsul, cũng bị trôi dạt trên eo biển Bali trong ít nhất 5 - 6 giờ, trước khi được cứu sống.
Sau đêm định mệnh, lực lượng cứu hộ Indonesia miệt mài rà soát vùng nước, tìm kiếm những người mất tích. Tính đến ngày 14/7, ít nhất 18 người được xác nhận thiệt mạng, 30 người sống sót. Giới chức cảnh báo số người thiệt mạng có thể tăng cao khi vẫn còn 17 người mất tích và hoạt động tìm kiếm vẫn tiếp tục.
Chìm tàu tại Indonesia là vụ mới nhất trong chuỗi tai nạn hàng hải chết người tại Đông Nam Á mà các chuyên gia cho rằng có liên quan đến điều kiện khí hậu cực đoan ngày càng bất thường.
Ngoài ra, những vụ tai nạn liên tiếp một lần nữa thổi bùng lo ngại về tiêu chuẩn an toàn và hệ thống cảnh báo sớm trên đường biển. Trong khi đó, biến đổi khí hậu tại Đông Nam Á cũng gây ra những tác động khó lường.
Gia tăng tai nạn hàng hải
Khi khí hậu ngày càng bất thường, giới chức cho rằng chính phủ, các nhà vận hành và hành khách cần phải sớm thích ứng nếu không nguy cơ sẽ còn nguy hiểm hơn.
Lực lượng chức năng kiểm tra tàu chở khách du lịch từ Bali đến Lombok tại Bali, Indonesia.
Trừ năm 2023 khi hạn hán kéo dài nên biển tương đối lặng, Indonesia chứng kiến số vụ tai nạn hàng hải tăng cao những năm gần đây. Riêng năm 2024, Indonesia ghi nhận 128 vụ tai nạn trên biển, tăng so với 87 vụ vào năm 2020, theo Bộ Giao thông nước này.
Giới chuyên gia cảnh báo con số này là "đỉnh của tảng băng trôi" vì Bộ Giao thông Indonesia không theo dõi các vụ tai nạn liên quan tới tàu thuyền đánh bắt cá truyền thống.
Tại Malaysia, nước này ghi nhận số vụ tai nạn hàng hải tăng từ 242 vụ trong năm 2020 lên 270 vụ trong năm 2022.
Sau đó, số vụ tai nạn bắt đầu được cải thiện đôi chút nhưng có thể tăng trở lại trong năm nay. Bởi chỉ từ tháng 1 đến tháng 5/2025, đã có 108 vụ tai nạn hàng hải, khiến 251 người thương vong hoặc mất tích, theo ông Mohd Tahir Khalid – quan chức cấp cao từ Cơ quan thực thi Hàng hải Malaysia (MMEA).
Trước xu hướng này, các nhà phân tích chỉ ra khí hậu cực đoan, điều kiện biển ngày càng bất thường khiến tàu thuyền dễ bị tổn thương. Trong vụ chìm phà tại Bali, gió mạnh và sóng bất ngờ ập đến giữa thời điểm biển lặng và trời trong.
Trong lịch sử, Indonesia thường trải qua hạn hán tính đến cuối tháng 6 nhưng nay, cơ quan khí tượng thủy văn lại ghi nhận lượng mưa cực lớn trên nhiều khu vực.
Tại Malaysia, ngày 8/7, Cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia Malaysia phát cảnh báo mưa dông trong 3 ngày trên nhiều khu vực, chỉ một tháng sau khi vừa cảnh báo sóng nhiệt tại đa phần trong những nơi kể trên.
"Trước đây, El Nino và La Nina luân phiên nhau sau vài năm. Nhưng nay, các hiện tượng này dao động thường xuyên và cường độ thời tiết cũng cực đoan hơn", chuyên gia về biến đổi khí hậu Mahawan Karuniasa đến từ Jakarta (Indonesia) chia sẻ với báo CNA.
Yếu kém trong thực thi
Bên cạnh nguy cơ từ biến đổi khí hậu, các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân còn nằm ở vấn đề cố hữu của con người như thiếu tiêu chuẩn an toàn, tàu thuyền cũ, việc thực thi pháp luật yếu kém khiến an toàn hàng hải suy giảm.
Chiều 19/7, tàu Vịnh Xanh 58 xuất bến chở 46 du khách và 3 thuyền viên tham quan tuyến 2 vịnh Hạ Long. Thuyền trưởng kiêm chủ tàu Đoàn Văn Trình lần lượt đưa khách thăm các hòn Chó Đá, Đỉnh Hương, Gà Chọi, vào hang Sửng Sốt, hang Luồn, đảo Ti Tốp và trở về bến cảng vào chiều cùng ngày.
Tuy nhiên, sau khoảng 35 phút, khi đến phía Đông của hang Đầu Gỗ, giông gió nổi lên kèm sấm sét đã xô nghiêng rồi đẩy tàu Vịnh Xanh 58 lật úp, toàn bộ hành khách và thuyền viên chìm xuống biển.
Đến nay, trong 49 người trên tàu Vịnh Xanh 58 bị lật, có 10 người được cứu sống, đã xác định 37 người chết, 2 người vẫn mất tích.
Trong một vụ tai nạn xảy ra tại Terengganu, Malaysia hồi tháng 6, giới chức phát hiện công ty du lịch và người điều khiển tàu đều không có giấy phép hợp lệ, còn người lái tàu dương tính với ma túy, không đảm bảo hành khách mặc áo phao khi lên tàu.
Chuyên gia hàng hải Nazery Khalid nhận định: "Malaysia không thiếu quy định về an toàn hàng hải, nhưng như vụ Terengganu cho thấy vấn đề chính nằm ở việc thực thi".
Thái Lan cũng từng đối mặt với những bất cập tương tự nhưng đã thay đổi kể từ khi xảy ra vụ lật tàu Phoenix PC Diving tháng 7/2018 gần Phuket khiến 46 du khách Trung Quốc tử nạn.
Trong vụ tai nạn đó, kết quả điều tra cho thấy tàu đã bất chấp cảnh báo thời tiết xấu và tàu được đóng bằng vật liệu, thiết kế kém chất lượng.
Sau thảm họa, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Phuket sụt giảm nghiêm trọng, khiến hòn đảo tổn thất hơn 1 tỷ USD. Dưới áp lực quốc tế, Thái Lan đã siết chặt thi hành luật, buộc toàn bộ hành khách và thủy thủ đoàn mặc áo phao toàn bộ thời gian trên tàu.
Hiệu quả ngay lập tức được chứng minh, ngày 13/1, khi xảy ra vụ chìm tàu chở 38 người ngoài đảo Ko Racha Yai. Dù tàu bị chìm sâu xuống biển nhưng tất cả hành khách đều được cứu sống nhờ mặc áo phao.
Ngoài ra, giới chuyên gia cho rằng trong bối cảnh thời tiết cực đoan ngày càng khắc nghiệt và khó lường hiện nay, để đảm bảo an toàn, ngư dân và thủy thủ đoàn cần tăng cường ứng dụng công nghệ.
Giảng viên Hairul Azmi tại Trường Đại học Hàng hải Hà Lan (cơ sở Johor Bahru) chia sẻ, với thời tiết biến động, rất cần một hệ thống giám sát và cảnh báo thời tiết kịp thời cho người điều khiển tàu. Đầu tư vào công nghệ không còn là lựa chọn mà là nhu cầu sống còn ở những tuyến đường hay vùng biển thường xuyên gặp bão, giông hoặc thay đổi đột ngột.
Ông kêu gọi các nước Đông Nam Á đầu tư mạnh hơn vào radar, phao và cảm biến để nâng cao năng lực dự báo thời tiết và cảnh báo sớm.
Chủ tàu và đơn vị vận hành cần đầu tư vào hệ thống cảnh báo di động, thiết bị liên lạc và vệ tinh độ phân giải cao, đồng thời huấn luyện nhân viên sử dụng hiệu quả.
Quan trọng hơn, thái độ với an toàn phải thay đổi. Hành khách không nên phản đối khi được yêu cầu mặc áo phao, chủ tàu không được phớt lờ cảnh báo thời tiết vì lợi nhuận, cơ quan chức năng không thể chỉ kiểm tra sau khi thảm họa đã xảy ra. Khi biển cả ngày càng dữ dội, việc nâng cao khả năng ứng phó thảm họa là điều bắt buộc.
Trang Trần
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/thoi-tiet-cuc-doan-de-doa-an-toan-hang-hai-dong-nam-a-192250723093026114.htm