Giá cả, hương vị và tính sẵn có của cà phê chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa: Purebeans
Các nhà khoa học đã xác nhận, năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận và xu hướng này dường như sẽ tiếp diễn trong những tháng đầu năm 2025. Theo các chuyên gia, khi nhiệt độ toàn cầu tăng, các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, khó lường sẽ tiếp tục gia tăng cả về mức độ nghiêm trọng và tần suất.
Công ty tư vấn Inverto dự báo giá thực phẩm sẽ tiếp tục biến động trong năm nay, vì xu hướng thời tiết khắc nghiệt gia tăng sẽ ảnh hưởng đến mùa màng.
Tác động nghiêm trọng đến người trồng cà phê
Một báo cáo năm 2023 của Christian Aid cho rằng, thế giới sẽ phải kiềm chế cơn nghiền cà phê khi tình trạng nóng lên toàn cầu diễn biến phức tạp.
Ngoài việc giá cả tăng, hương vị và tính sẵn có của cà phê cũng sẽ bị ảnh hưởng, với các tác động lan tỏa đến các doanh nghiệp liên quan, ví dụ như các quán cà phê ở châu Âu…; đồng thời, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho những người nông dân dựa vào cà phê để kiếm sống ở các quốc gia như Brazil, Ethiopia và Việt Nam.
“Những người trồng cà phê quy mô nhỏ đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu, mặc dù họ không đóng góp nhiều vào vấn đề nóng lên toàn cầu”, ông Patrick Watt, Giám đốc điều hành của Christian Aid cho biết.
Cà phê bị ảnh hưởng thế nào bởi biến đổi khí hậu?
Nhiệt độ tăng, lượng mưa thất thường, dịch bệnh, hạn hán và lở đất đều đang khiến đất trồng trọt chịu rủi ro.
Mackson Ng'ambi, Giám đốc Hợp tác xã cà phê Mzuzu ở Malawi cho biết “trong một năm mà lượng mưa đầu mùa ít hoặc không có, thì việc ra hoa của cà phê cũng rất kém… Và hiện tượng này thường xuyên tái diễn”.
Với thời tiết khắc nghiệt và thiên tai ngày càng xảy ra thường xuyên hơn, người trồng cà phê và những người nông dân khác đang ngày càng trở nên dễ bị tổn thương. Ví dụ, nhiệt độ cực cao trên khắp Đông Á vào năm ngoái đã đẩy giá gạo ở Nhật Bản và giá rau ở Trung Quốc tăng vọt.
Theo phân tích của Christian Aid, tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất cà phê là rất rõ ràng, bao gồm cả sự gia tăng mức độ mắc bệnh gỉ sắt trên cây cà phê.
Christian Aid ước tính những vấn đề này sẽ làm giảm 54,5% diện tích đất thích hợp để trồng cà phê. Điều này sẽ xảy ra ngay cả khi nhiệt độ toàn cầu tăng trong phạm vi mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris là từ 1,5 – 2 độ C so với mức tiền công nghiệp. Đồng thời, những trở ngại này có thể khiến ngày càng nhiều nông dân rời bỏ ngành trồng cà phê, dẫn tới giá cà phê có khả năng sẽ tăng cao hơn nữa.
Trước tình hình biến động ngày càng tăng, công ty tư vấn Inverto cho rằng “các nhà sản xuất và bán lẻ thực phẩm nên đa dạng hóa chuỗi cung ứng và chiến lược tìm nguồn cung ứng để giảm sự phụ thuộc quá mức vào bất kỳ khu vực nào bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất mùa”.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ MSN)