Thời tiết thất thường, người dân trồng kiệu ở Bình Dương thất thu vụ Tết

Thời tiết thất thường, người dân trồng kiệu ở Bình Dương thất thu vụ Tết
4 giờ trướcBài gốc
Tại phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương có hàng chục hộ dân sống bằng nghề trồng kiệu suốt nhiều thập kỷ qua. Kiệu tại khu vực được trồng quanh năm nhưng vụ kiệu Tết luôn là thời điểm được người nông dân tập trung trồng nhiều, mang lại nguồn thu nhập chính.
Những ngày đầu tháng Chạp, không khí tại cánh đồng ở phường Hiệp Thành trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết khi bà con tất bật thu hoạch vụ kiệu Tết để kịp cung ứng cho thị trường xuân Ất Tỵ 2025.
Kiệu khi thu hoạch sẽ được gom thành từng bó nhỏ rồi đem rửa sạch ngay tại ruộng trước khi chuyển đến cho thương lái.
Để có được những mẻ kiệu đúng vụ Tết, từ khoảng tháng 9 Âm lịch, các hộ dân tại đây đã bắt đầu lên luống đất, xuống giống, dốc sức chăm trồng.
Hơn 40 năm gắn bó với nghề trồng kiệu, ông Võ Văn Hoan (68 tuổi, ngụ phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một) đã chứng kiến không ít thăng trầm của nghề. Theo ông Hoan năm nay thời tiết thất thường, mưa kéo dài đã khiến cây kiệu ở nhiều ruộng tại khu vực kém phát triển, dễ ngập úng, dẫn đến sản lượng không đạt như kỳ vọng.
Riêng ruộng kiệu của gia đình ông Hoan tươi tốt, củ to, chất lượng đạt so với mặt bằng chung.
Những ngày sau Tết Dương lịch 2025, hộ ông bắt tay vào việc thu hoạch kiệu để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán.
Lý giải vụ kiệu Tết thắng lợi, ông Hoan cho biết: “Bên cạnh kỹ thuật canh tác, hộ tôi may mắn khi chọn được kiệu giống chất lượng, đất ruộng tơi xốp đã giúp cây kiệu phát triển hơn so với những hộ khác”.
Dẫu vậy, chi phí để đầu tư trồng một vụ kiệu Tết của gia đình ông Hoan cũng không hề nhỏ. Ông tiết lộ giá kiệu giống 55.000 đồng/kg, tăng cao so với năm trước.
Với một mảnh ruộng diện tích khoảng 250m², gia đình ông phải bỏ ra hơn 4 triệu đồng mua giống. Giai đoạn đầu mùa, gia đình phải thuê 12 nhân công để lên luống, gieo trồng và 4 nhân công để nhổ kiệu khi vào lúc thu hoạch. Ngoài ra, gia đình ông còn tốn chi phí thuốc, phân bón trong quá trình trồng hơn 3 tháng.
Dự tính với diện tích trên, ông Hoan sẽ thu được khoảng 400 kg kiệu.
Vào vụ kiệu Tết, thuê nhân công thu hoạch, người nông dân tại phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một sẽ phải chi trả khoảng 120.000 đồng/ buổi.
Từ lúc 2 giờ sáng, bà Ngô Tuyết Vũ (65 tuổi, ngụ TP Thủ Dầu Một) đã ra đồng bắt tay vào việc nhổ kiệu. Chia sẻ về tình hình mùa vụ năm nay, bà Vũ không giấu sự lo lắng: “Những ngày trời nắng ấm là điều kiện lý tưởng để cây kiệu phát triển khỏe mạnh, ra củ to và đều. Tuy nhiên năm nay thời tiết thất thường, lượng mưa nhiều khiến cây kiệu sinh trưởng không như mong đợi”.
“Tôi có một ruộng kiệu dạo trước đang xanh tốt, vậy mà chỉ sau vài trận mưa dầm cuối năm đã làm kiệu bị hư hỏng nhiều”, bà Vũ tâm sự.
Thâm niên hơn 35 năm trồng kiệu, ông Phong (67 tuổi) có khoảng 1.300m² đất dành để gieo trồng loại cây này tại phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một. Ông Phong cho biết: “Năm nay tôi tập trung trồng kiệu để lấy lá làm dưa giá. Loại kiệu này sẽ trồng muộn hơn loại kiệu trồng lấy củ. Tầm khoảng ngày 25-26 tháng Chạp, gia đình sẽ bắt đầu thu hoạch và phải làm liên tục đến ngày 29 để kịp chuyển hàng phục vụ Tết”.
Nhớ về ngày trước, ông Phong cho biết, khu vực từng rất đông hộ dân trồng kiệu, mỗi khi đến vụ Tết trên cánh đồng rôm rả tiếng cười nói. Bây giờ, diện tích đất canh tác dần bị thu hẹp do quy hoạch để xây dựng công trình, nhiều người bán đất hoặc chuyển nghề. Từ đó, chỉ còn lác đác vài hộ tại địa phương bám trụ với nghề trồng kiệu truyền thống, chủ yếu là những người lớn tuổi bởi lẽ ngoài làm nông, mọi người chẳng biết làm gì khác để có thu nhập.
Ông Ngọc Cưng từ miền Tây lên phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một để trông coi ruộng vườn cho người khác. Dần dần, ông tận dụng đất để trồng kiệu, bắp, rau củ tạo nguồn thu nhập cho mình suốt chục năm qua.
Ông Cưng cho biết: “Mọi năm, bà con thường đợi qua tháng 9 mới bắt đầu xuống giống cho vụ kiệu Tết vì lúc này trời đã bớt mưa. Tuy nhiên năm nay, đúng lúc kiệu ra củ lại xảy ra tình trạng mưa muộn khiến ruộng kiệu ngập úng, củ hư hỏng, bị thối nhiều”.
Chỉ tay về ruộng kiệu vừa thu hoạch xong, ông buồn bã nói thêm: “Mảnh đất này rộng 2.000m², mọi năm tôi thu hơn 1 tấn kiệu. Riêng năm nay thất thu, sản lượng chỉ còn hơn 200 kg, không đủ thu hồi vốn”.
Chia sẻ về giá kiệu năm nay, bà Quyên (50 tuổi) cho biết: “Kiệu mất mùa nhưng giá cả cũng không nhỉnh hơn so với những năm trước. Năm nay kiệu bán tại ruộng cho thương lái với mức 25.000 đồng/kg, trong khi năm vừa rồi được mức 30.000 đồng/kg”.
Khi vào đợt thu hoạch vụ kiệu Tết, người dân sẽ dựng chòi tại ruộng để ở lại canh giữ, tránh bị nhổ trộm.
Nghề làm nông vốn đã vất vả, khó khăn lại gặp cảnh thời tiết không ủng hộ khiến nhiều người không giấu khỏi nỗi lo lắng khi công sức chăm bón hàng tháng trôi theo cơn mưa trái mùa, để lại gánh nặng chi phí và những trăn trở cho mùa vụ tiếp theo.
NHẬT DIỄM
Nguồn PLO : https://plo.vn/thoi-tiet-that-thuong-nguoi-dan-trong-kieu-o-binh-duong-that-thu-vu-tet-post829160.html