Thành phố đảo Phú Quốc vừa chính thức khởi động một loạt dự án hạ tầng quy mô lớn nhằm chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao APEC 2027, sự kiện quốc tế được kỳ vọng sẽ tạo cú hích lịch sử cho “đảo ngọc” này.
Trọng tâm của chiến dịch đầu tư là việc nâng cấp và xây mới nhiều hạng mục tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cùng với việc xây dựng Khu tổ hợp đa chức năng APEC, dự kiến có sức chứa 15.000 người. Song song đó, hàng chục công trình hạ tầng khác cũng được đẩy nhanh tiến độ để kịp phục vụ tuần lễ cấp cao.
Từng được mệnh danh là “thiên đường nghỉ dưỡng mới nổi” của châu Á, Phú Quốc sở hữu khí hậu ôn hòa, thiên nhiên nguyên sơ và đang được đầu tư đồng bộ về hạ tầng. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, so với những điểm đến lâu đời như Phuket (Thái Lan) hay Bali (Indonesia), Phú Quốc vẫn thiếu vắng các sản phẩm du lịch đặc thù và các dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế.
Không chỉ vậy, tình trạng phát triển bất động sản du lịch ồ ạt, thiếu kiểm soát pháp lý và môi trường trong những năm qua đang trở thành rào cản lớn cho sự phát triển bền vững.
“Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2027, đây là một sự kiện chính trị, kinh tế quan trọng với sự tham gia của hàng chục nền kinh tế lớn trên thế giới. Đó chính là cơ hội vàng để quảng bá hình ảnh quốc gia, đồng thời tạo cú hích cho Phú Quốc”, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định tại một hội thảo diễn ra mới đây tại TP.HCM.
Áp lực thời gian và thách thức hạ tầng
Không phải ngẫu nhiên Phú Quốc được chọn. Theo ông Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ, với lợi thế thiên nhiên, Phú Quốc xứng đáng là “bộ mặt” của Việt Nam trong APEC 2027 - và xa hơn, là trung tâm du lịch tầm khu vực. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thành công sẽ đòi hỏi nỗ lực vượt chuẩn thông thường.
“APEC là cơ hội hiếm có, có thể nói là thời vận mới để “đột phá” trong công cuộc phát triển Phú Quốc”, ông Vinh nói.
Một góc "đảo ngọc" Phú Quốc. Ảnh Hoàng Anh
Tuy nhiên, ông Thành cũng thẳng thắn nhìn nhận, để có thể phát triển xứng tầm với tiềm năng thì Phú Quốc còn nhiều việc cần làm, từ nâng cấp hạ tầng, nâng cao an ninh đến đào tạo nhân lực… Nhưng chính những thách thức đó lại là cơ sở để thu hút nguồn lực đầu tư khổng lồ.
“Để chuẩn bị cho sự kiện đăng cai APEC 2027, Phú Quốc đã và đang nhận mức đầu tư đề xuất lên tới hơn 400.000 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng sẵn sàng cho vận hội mới”, ông Thành nói và nhấn mạnh Phú Quốc nên tận dụng thời cơ này để tiến xa hơn, trở thành một đô thị đổi mới sáng tạo, một nơi đáng sống cho công dân quốc tế.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM khẳng định, việc Phú Quốc được chọn đăng cai APEC 2027 là cơ hội vàng để nâng tầm vị thế nhưng hạ tầng, pháp lý và tiến độ triển khai các dự án vẫn còn nhiều rào cản.
Thách thức lớn nhất với Phú Quốc hiện nay, theo ông Châu, là chỉ còn khoảng 18-28 tháng để Phú Quốc hoàn thành 30 dự án, công trình nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới để phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2027.
Ngoài ra, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ du lịch của Phú Quốc còn thiếu và yếu. Phú Quốc hiện có dân số khoảng 180.000 người, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ du lịch chủ yếu tuyển dụng từ đất liền, nếu muốn trong 5-10 năm tới “đảo ngọc” cần có quy mô dân số khoảng 500.000 người.
APEC là cơ hội hiếm có, có thể nói là thời vận mới để “đột phá” trong công cuộc phát triển Phú Quốc.
Ông Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ
“Chúng tôi hoan nghênh định hướng sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính của thành phố Phú Quốc là chính quyền địa phương “cấp cơ sở”, “cấp xã” theo hướng phân chia thành phố Phú Quốc hiện nay thành 2 đặc khu là “đặc khu thành phố Phú Quốc” và “đặc khu quần đảo Thổ Chu”, ông Châu nói.
Định hướng này sẽ tạo điều kiện để “đặc khu thành phố Phú Quốc” và “đặc khu quần đảo Thổ Chu” vừa tập trung phát triển thành “đặc khu du lịch”, vừa bảo đảm quốc phòng và an ninh, tương tự như đảo Bali đang đề nghị Chính phủ Indonesia cho phép trở thành “đặc khu du lịch Bali”.
“Tôi cho rằng không thể dùng khái niệm "chuẩn bị" nữa mà phải làm ngay, "vừa chạy vừa xếp hàng", PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách nói về việc Phú Quốc phải bắt tay vào làm ngay các công trình phục vụ APEC 2027 với tư cách là một chương trình hành động ưu tiên đặc biệt.
“Có lẽ chúng ta phải làm với ý chí và tâm thế như thời kỳ xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam hay như việc triển khai sân bay Long Thành”, ông Thiên nhận định và cho rằng, "không có gì là không thể miễn là các cơ quan cùng đoàn kết, nỗ lực."
Tình thế “bất thường” cần giải pháp “khác thường”
Ông Châu đề xuất, cần khẩn trương hoàn thiện thể chế pháp lý, ban hành cơ chế đặc thù cho Phú Quốc. Cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt trong cấp phép khai thác vật liệu, triển khai dự án cấp bách, phân cấp quyết định đầu tư hợp tác công - tư về cho tỉnh Kiên Giang.
Ngoài ra, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch hỗ trợ các địa phương, trong đó có tỉnh Kiên Giang và thành phố Phú Quốc phối hợp với Vingroup, Sun Group và các thương hiệu du lịch lớn để mời những người nổi tiếng và các ngôi sao hàng đầu thế giới đến thăm hoặc biểu diễn tại Phú Quốc.
“Singapore chi hàng triệu USD để trở thành quốc gia độc quyền tổ chức “The eras tour” của nữ ca sĩ nhạc pop Taylor Swift tại Đông Nam Á vào tháng 3/2024 và đã thu hút lượng khách du lịch đông đảo tạo động lực thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khách sạn, thực phẩm và đồ uống”, ông Châu dẫn chứng.
“APEC 2027 là cú hích lịch sử, nhưng chỉ phát huy hiệu quả nếu Phú Quốc có đủ hành lang pháp lý để đột phá”, ông nhấn mạnh.
Còn theo ông Thiên, Kiên Giang và Phú Quốc cần chủ động sáng tạo định hướng công việc và tổ chức "cuộc chơi", với cơ chế "khác thường", vì với khoảng thời gian chỉ còn hai năm sẽ không thể áp dụng cơ chế "bình thường" để giải quyết những nhiệm vụ "khác thường".
Ngoài ra, chính quyền Kiên Giang và Phú Quốc cần hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa và hiệu quả nhất cho các đơn vị thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng. Doanh nghiệp sau khi được lựa chọn, rất cần sự khuyến khích và hỗ trợ sát sườn, bởi họ gặp rất nhiều thách thức về tài chính, nhân lực và cả vận chuyển trang thiết bị, vật tư tới Phú Quốc.
An Nhiên