Đường hoa đã trở thành nơi check-in của nhiều bạn trẻ
Mỗi con đường, bờ rào, bồn hoa đều mang dấu ấn của tinh thần cộng đồng, sự kiên trì và sáng tạo của những người phụ nữ nơi đây.
Hành trình thay đổi nhận thức từ những điều nhỏ nhất
Trước khi mô hình "Sáng - xanh - sạch - đẹp" được triển khai, thôn Khe Sâu từng gặp nhiều vấn đề đáng lo ngại về cảnh quan và vệ sinh môi trường. Rác sinh hoạt bị vứt bừa bãi dọc những đoạn đường vắng dân, cỏ dại mọc um tùm hai bên đường, không gian thiếu sắc xanh của cây cối hay sắc màu tươi mới của hoa lá. Vào buổi tối, nhiều tuyến đường không được chiếu sáng khiến việc đi lại khó khăn, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự.
Chị Phạm Thị Tâm, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Khe Sâu, xã Trường Sơn, tỉnh Bắc Ninh
Chị Phạm Thị Tâm, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Khe Sâu, xã Trường Sơn, tỉnh Bắc Ninh, chia sẻ: "Khó khăn lớn nhất ban đầu là thay đổi nhận thức và thói quen của người dân. Nhiều người chưa hiểu rõ tác hại của việc xả rác bừa bãi, chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Bên cạnh đó, việc thiếu kinh phí cho công trình công cộng, thu gom rác thải và cây xanh cũng là trở ngại đáng kể".
Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế cấp thiết tại địa phương - khi môi trường sống ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cảnh quan và đời sống tinh thần của người dân - chị Tâm cùng các hội viên Chi hội Phụ nữ đã chủ động đề xuất mô hình "Sáng - xanh - sạch - đẹp", nhận được sự đồng thuận của chi bộ, chính quyền địa phương và sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể trong thôn.
Cán bộ Hội tham quan tuyến đường hoa của thôn Khe Sâu
"Chúng tôi nhận ra rằng, muốn xây dựng nông thôn mới thực chất, phải bắt đầu từ điều tưởng chừng nhỏ bé: Là mỗi tuyến đường sạch rác, mỗi bồn hoa rực rỡ, mỗi bóng đèn thắp sáng lối về", chị Tâm nói.
Để đưa mô hình vào cuộc sống, Chi hội phụ nữ thôn Khe Sâu đã có những cách làm sáng tạo, đồng bộ, từ truyền thông nâng cao nhận thức đến tổ chức các hoạt động cụ thể và xây dựng cơ chế duy trì mô hình một cách bền vững.
Trước tiên, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh thông qua các buổi họp dân, tiếp sóng truyền thanh của xã, mạng xã hội và các buổi tọa đàm lồng ghép trong hoạt động kỷ niệm của tổ chức Hội. Nội dung tuyên truyền tập trung vào lợi ích thiết thực của việc bảo vệ môi trường, giữ gìn không gian sống xanh - sạch - đẹp đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống của từng người dân.
Song song với đó, hàng loạt hoạt động cụ thể đã được triển khai như: Tổ chức các buổi tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm theo lịch hoặc đột xuất, huy động đông đảo người dân tham gia. Khuyến khích hội viên và nhân dân trồng hoa ven các trục đường chính, quanh nhà văn hóa, tạo mảng xanh và tăng tính thẩm mỹ cho cảnh quan. Tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn chị em phân loại rác hữu cơ và vô cơ tại hộ gia đình, góp phần giảm áp lực lên công tác thu gom, xử lý rác. Thành lập các nhóm "Đoạn đường tự quản bảo vệ môi trường" để duy trì nề nếp, khuyến khích tinh thần trách nhiệm và tự giác của hội viên.
Đáng chú ý, Chi hội đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong thôn để lồng ghép mô hình vào các chương trình công tác chung, từ đó lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường đến mọi tầng lớp nhân dân.
"Chúng tôi còn đề xuất biểu dương khen thưởng cho những cá nhân, gia đình có đóng góp tích cực. Sự ghi nhận kịp thời không chỉ khích lệ tinh thần mà còn lan tỏa hành động đẹp trong cộng đồng", chị Tâm chia sẻ.
Niềm vui từ ánh mắt người dân
Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, mô hình đã mang lại những thay đổi rõ rệt. Những đoạn đường từng tối om, bụi rậm, giờ đã được thắp sáng bằng điện năng lượng mặt trời; hai bên đường rợp sắc hoa; rác thải được gom đúng nơi quy định và hầu như không còn tình trạng xả rác bừa bãi.
Với quyết tâm và hành động đúng hướng, một thôn dù còn khó khăn cũng có thể xanh - sạch - đẹp như bao nơi khác
Trước đây, khi trời tối, ven cá tuyến đường đều sạch nhưng cứ đến sáng hôm sau là có những túi rác bị bỏ trộm xuất hiện trên các tuyến đường" - chị Tâm thông tin.
Ý thức cộng đồng cũng được nâng cao rõ rệt. Các hộ gia đình không chỉ giữ gìn vệ sinh quanh nhà mình mà còn chủ động chăm sóc bồn hoa, gom rác khu vực công cộng. Hội viên phụ nữ trở thành những "người gác môi trường" thầm lặng nhưng bền bỉ.
Theo chị Tâm, yếu tố quan trọng nhất để duy trì mô hình chính là ý thức và hành vi của mỗi người dân. Khi đã hiểu được lợi ích từ việc giữ gìn môi trường, người dân sẽ không làm theo phong trào, mà biến hành động bảo vệ môi trường thành nếp sống hằng ngày. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể là "xương sống" giúp mô hình không bị đứt gãy.
Nhìn lại chặng đường đã qua, chị Phạm Thị Tâm không giấu được niềm tự hào: "Tôi cảm ơn các hội viên, các gia đình trong thôn đã đồng lòng vì môi trường. Chúng tôi đã chứng minh rằng, với quyết tâm và hành động đúng hướng, một thôn dù còn khó khăn cũng có thể xanh - sạch - đẹp như bao nơi khác".
Tuy nhiên, để mô hình tiếp tục phát triển và lan tỏa, chị Tâm mong muốn có thêm sự hỗ trợ từ cấp trên, nhất là về nguồn lực, tập huấn kỹ năng bảo vệ môi trường, cũng như cơ chế khen thưởng kịp thời cho các mô hình tiêu biểu.
"Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và đồng hành cùng các địa phương khác nếu được nhân rộng. Bảo vệ môi trường không phải việc riêng của ai. Đó là trách nhiệm và quyền lợi của tất cả chúng ta", chị Tâm nói.
Một khu dân cư xanh - sạch - đẹp không chỉ là hình ảnh bề nổi của nông thôn mới, mà còn là tấm gương phản chiếu nếp sống văn minh, đoàn kết và có trách nhiệm. Khi mỗi người dân tự giác giữ gìn môi trường sống, những mô hình như ở Khe Sâu sẽ không còn là điểm sáng hiếm hoi, mà sẽ lan tỏa thành phong trào rộng khắp, bền vững theo thời gian.
Bài, ảnh: An Khê