Thông điệp của ông Trump sau đòn thuế quan gây 'sốc' cả thế giới

Thông điệp của ông Trump sau đòn thuế quan gây 'sốc' cả thế giới
7 giờ trướcBài gốc
Các nhà lãnh đạo Canada, châu Âu và Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp mức thuế mới đối với gần như tất cả các mặt hàng nhập khẩu. Thông điệp mà chính quyền Mỹ đưa ra: đáp trả là vô ích, hãy đàm phán.
Ông Trump đang cố gắng ngăn chặn hành động trả đũa bằng cách đe dọa tiếp tục áp dụng thuế mới cao hơn đối với bất kỳ quốc gia nào làm điều đó, nhưng ông cũng hứa hẹn một thỏa thuận tốt hơn cho những nước kiềm chế và tham gia đàm phán.
Tổng thống Trump thông báo về chính sách thuế mới của Mỹ tại Vườn Hồng ngày 2/4/2025. Ảnh: WSJ
Nguyên tắc “có đi có lại”
Theo sắc lệnh của ông Trump, khoảng một nửa trong số 180 nền kinh tế chịu mức thuế cơ bản 10%, có hiệu lực từ ngày 5/4. Các đối tác thương mại lớn chịu mức thuế cao hơn, mà ông Trump gọi là thuế đối ứng, sẽ được áp dụng từ 9/4. Điều này có nghĩa là họ sẽ có gần một tuần để thuyết phục Tổng thống Trump - người tự nhận mình là một bậc thầy đàm phán.
Khi được hỏi liệu có chấp nhận đàm phán giảm thuế hay không, ông Trump trả lời: “Điều này còn tùy. Thuế chỉ giảm nếu họ trao cho chúng tôi thứ gì đó tốt đẹp”.
Hiện chưa rõ “thứ tốt đẹp” mà ông Trump đề cập trong các cuộc thương lượng là gì, nhưng ông khẳng định đòn thuế quan mang lại cho Mỹ sức mạnh to lớn trên bàn đàm phán.
Cho đến nay, phần lớn các nước vẫn hy vọng có thể thương lượng với Mỹ.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese, quốc gia có hiệp định thương mại tự do với Mỹ nhưng vẫn phải đối mặt với mức thuế 10%, cho biết chính phủ của ông sẽ không tham gia vào một “cuộc đua xuống đáy” bằng cách trả đũa.
Nhật Bản, quốc gia sẽ bị áp mức thuế 24%, chưa công bố kế hoạch trả đũa ngay lập tức. Trong khi đó, Ấn Độ, đối mặt với mức thuế 26%, cho biết không có kế hoạch trả đũa.
Ngay cả hai quốc gia đã đáp trả là Trung Quốc và Canada cũng chưa sử dụng đến những biện pháp mạnh nhất. Trung Quốc đối mặt với mức thuế ít nhất 54%, trong khi Canada bị áp thuế 25% với nhiều mặt hàng dù có hiệp định thương mại tự do với Mỹ.
Với Canada, mức thuế mới chỉ là một phần bởi ông Trump đã đe dọa sẽ tăng thuế gấp đôi với quốc gia này khi lãnh đạo tỉnh Ontario bắt đầu đánh thuế 25% đối với điện xuất khẩu sang Mỹ.
Tương tự, ông Trump dọa áp thuế 200% đối với các loại đồ uống có cồn của châu Âu, bao gồm rượu Champagne, sau khi Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố trả đũa thuế thép và nhôm của Mỹ trước đó bằng một mức thuế 50% đối với rượu whiskey của Mỹ. EU đã hoãn việc thực hiện các loại thuế này cho đến giữa tháng 4 với hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận.
Hiện tại, các nhà lãnh đạo châu Âu và Canada đang cố tỏ ra cứng rắn bằng cách tuyên bố các biện pháp đối phó nhưng họ vẫn hy vọng vào các cuộc đàm phán với chính quyền của ông Trump.
Cao ủy EU phụ trách thương mại Maros Sefcovic cho biết ông sẽ làm việc “thâu đêm suốt sáng” để đạt được một thỏa thuận với chính quyền ông Trump.
Đáp trả không khác gì “chui đầu vào miệng sư tử”
Các quốc gia muốn trả đũa Mỹ cũng đang gặp phải một tình huống tiến thoái lưỡng nan: Mỹ nhập khẩu nhiều hàng hóa từ châu Âu, Trung Quốc và Canada hơn là xuất khẩu sang những quốc gia này. Đây là điều mà lâu nay ông Trump cho là không công bằng và thực tế nó cũng hạn chế khả năng của những nước này trong việc đáp trả bằng thuế đối ứng với Mỹ. Họ cũng muốn tránh việc áp thuế lên những sản phẩm nhập khẩu mà họ cần và không dễ thay thế từ các đối tác thương mại khác.
Theo ông Barry Appleton, đồng giám đốc Trung tâm Luật Quốc tế của Trường Luật New York, các quốc gia trả đũa Mỹ có nguy cơ làm trầm trọng thêm vấn đề kinh tế của chính họ.
“Điều đó giống như chui đầu vào miệng sư tử”, ông Appleton bình luận.
Châu Âu đang chuẩn bị cho một phản ứng mới có thể nhằm vào khía cạnh mà Mỹ chịu tác động mạnh nhất: ưu thế của họ trong xuất khẩu dịch vụ.
Dù vậy, việc nhắm vào các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Alphabet hay Meta Platforms, hoặc áp dụng các biện pháp khác để hạn chế dịch vụ của Mỹ, chỉ được xem như lựa chọn cuối cùng của vì làm như vậy có thể gây ra phản ứng mạnh mẽ hơn từ chính quyền ông Trump, đồng thời làm tổn hại danh tiếng của EU như một thị trường mở. Ngoài ra, còn có nguy cơ làm tăng chi phí cho người tiêu dùng hoặc gây ra những hậu quả không mong muốn đối với các công ty châu Âu.
“Đôi khi, cần phải có một khẩu súng và để khẩu súng đó trên bàn ngay cả khi bạn không sử dụng đến nó”, ông Bernd Lange, người đứng đầu Ủy ban Thương mại của Nghị viện châu Âu, nói.
Ai đến trước sẽ thắng
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết EU có thể kích hoạt một đạo luật mới cho phép khối này đáp trả hành động của một quốc gia cố gắng sử dụng sức ép kinh tế đối với họ. Các lựa chọn trả đũa theo đạo luật này tương đối đa dạng, bao gồm khả năng hạn chế quyền tiếp cận thị trường của các công ty dịch vụ hoặc hạn chế quyền sở hữu trí tuệ.
Ông Macron cũng kêu gọi các ngành công nghiệp “duy trì sự đoàn kết và kiên định” thay vì thực hiện các thỏa thuận đơn lẻ hoặc công bố các khoản đầu tư nhằm cố gắng đàm phán với Washington để được miễn trừ.
“Thông điệp sẽ là gì khi các công ty lớn của châu Âu đầu tư hàng tỷ euro vào nền kinh tế Mỹ trong khi họ đang tấn công chúng ta? Chúng ta cần có sự đoàn kết”, ông Macron nói.
Các quan chức chính quyền Mỹ và các đồng minh của ông Trump cho rằng việc thể hiện quan điểm cứng rắn như vậy là điều hoàn toàn sai lầm.
“Tôi sẽ không muốn là quốc gia cuối cùng tìm cách đàm phán một thỏa thuận thương mại. Quốc gia đầu tiên đàm phán sẽ thắng, quốc gia cuối cùng sẽ tuyệt đối thua”, Eric Trump, con trai ông Trump, viết trên X.
Theo Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick, mức thuế áp với Trung Quốc có thể sẽ giảm nếu nước này ngừng xuất khẩu các thành phần dùng để sản xuất fentanyl.
“Tất cả những gì họ cần làm là một cuộc gọi từ Chủ tịch Tập Cận Bình đến Tổng thống Trump nói rằng họ sẽ chấm dứt sản xuất fentanyl và giảm thuế xuống 20%”, ông Lutnik nói với Bloomberg Television.
Trung Quốc đã có động thái ngay sau khi ông Trump công bố chính sách thuế mới. Bộ Thương mại Trung Quốc ra tuyên bố nhấn mạnh, mức thuế mới của Mỹ “vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế, vi phạm nghiêm trọng quyền hợp pháp của các bên liên quan và là hành động điển hình của sự bắt nạt đơn phương”. Tuy nhiên, Bộ này không nêu rõ các bước đi tiếp theo là gì.
Canada đã công bố mức thuế 25% mới đối với một loạt ô tô nhập khẩu từ Mỹ, đáp trả thuế quan của Mỹ đối với ô tô sản xuất ngoài nước Mỹ.
Thủ tướng Mark Carney cho biết ông sẽ bắt đầu giải quyết các bất đồng thương mại với Mỹ sau cuộc bầu cử ở Canada ngày 28/4. Dù vậy ông cũng bày tỏ hoài nghi về khả năng đạt được một thỏa thuận tốt với Tổng thống Mỹ.
“Tôi không muốn tạo ra ảo vọng. Mặc dù chính sách thuế quan này cuối cùng rồi sẽ tác động đến các gia đình Mỹ, nhưng cho đến khi nỗi đau đó hiện hữu rõ ràng đến mức không thể phớt lờ, tôi không tin rằng chính quyền của ông Trump sẽ thay đổi chính sách”, ông Carney cho biết ngày 3/4.
Hoàng Phạm/VOV.VN Theo WSJ, Washington Post
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/thong-diep-cua-ong-trump-sau-don-thue-quan-gay-soc-ca-the-gioi-post1189687.vov