Trong bài phát biểu đầy xúc động của mình, Giáo hoàng Leo XIV nhấn mạnh một chủ đề xuyên suốt: Hòa bình. Ngài kêu gọi Giáo hội Công giáo cần phải trở thành một Giáo hội hiệp hành: "Chúng ta phải là một Giáo hội đồng hành, một Giáo hội luôn tiến bước, luôn tìm kiếm hòa bình và bác ái. Một Giáo hội luôn tìm cách gần gũi, đặc biệt là với những người đang đau khổ".
Thông điệp hòa bình
Chỉ một giờ sau khi làn khói trắng xuất hiện, Hồng y phó tế trưởng Dominique Mamberti đã xuất hiện tại ban công Vương cung Thánh đường Thánh Peter để công bố danh tính vị tân Giáo hoàng: Hồng y Robert Francis Prevost, 69 tuổi, người Mỹ đầu tiên trong lịch sử được bầu vào vị trí đứng đầu Giáo hội Công giáo, với tông hiệu Leo XIV.
Trước hàng chục nghìn tín hữu đổ về Quảng trường Thánh Peter, tân Giáo hoàng xuất hiện trong chiếc áo trắng truyền thống, mỉm cười, vẫy tay chào.
Tân Giáo hoàng Leo XIV có bài phát biểu đầu tiên trên ban công trước các tín hữu tập trung đông đảo tại Quảng trường Thánh Peter ngày 8/5. Ảnh: Reuters.
Với những cảm xúc rõ rệt từ các tín hữu có mặt tại Quảng trường Thánh Peter, tân Giáo hoàng mở đầu bài phát biểu bằng hai từ đầy ý nghĩa: "Bình an (pace) ở cùng các con". Lời chào này ngay lập tức khiến đám đông xúc động.
"Đây là lời chào đầu tiên của Đức Kito phục sinh, vị Mục tử nhân lành đã hiến dâng mạng sống mình cho Thiên Chúa. Và tôi cũng mong lời chào bình an này sẽ đi vào trái tim và gia đình của mỗi chúng ta", tân Giáo hoàng nói bằng tiếng Italy.
Từ "bình an" được lặp lại nhiều lần trong suốt bài phát biểu, trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong thông điệp của Giáo hoàng Leo XIV – một thông điệp mạnh mẽ giữa bối cảnh thế giới đầy chia rẽ và bất ổn. Ngài nhấn mạnh rằng nhân loại cần trở thành "một dân tộc duy nhất", sống trong hòa bình và cảm thông.
Cuối cùng, Giáo hoàng Leo XIV kết thúc bài phát biểu bằng lời cầu nguyện cho "sứ mệnh mới của Giáo hội toàn cầu vì hòa bình thế giới".
"Ác quỷ sẽ không bao giờ chiến thắng"
Trong bài phát biểu dài khoảng 10 phút, Giáo hoàng Leo XIV cũng không quên gửi lời cảm ơn đến người tiền nhiệm của mình, Giáo hoàng Francis quá cố.
Ngài chia sẻ: "Chúng ta vẫn như đang nghe được giọng nói yếu ớt nhưng đầy dũng cảm của Giáo hoàng Francis, người đã ban phước cho Rome". Tiếp đó, tân Giáo hoàng nhấn mạnh: "Vị Giáo hoàng ấy đã chúc lành cho Rome và cả thế giới vào sáng ngày Lễ Phục sinh đó".
"Dù giọng nói của Giáo hoàng Francis đã yếu đi trong những ngày cuối đời, thông điệp của ngài vẫn vang vọng khắp hoàn cầu... Xin cho phép tôi được tiếp nối lời chúc lành ấy. Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Thiên Chúa yêu thương mọi người. Ác quỷ sẽ không chiến thắng", ngài tiếp tục.
Giáo hoàng Leo XIV cũng tự hào nhắc đến mình là "con trai của Thánh Augustin", một vị thánh nổi tiếng với những cách diễn giải Kinh Thánh sắc bén và lối hành văn dễ hiểu, theo Britannica.
Các tín đồ Công giáo trên toàn cầu dõi theo bài phát biểu của tân Giáo hoàng. Ảnh: Reuters.
Sau đó, Giáo hoàng Leo XIV chuyển sang phát biểu bằng tiếng Tây Ban Nha - ngôn ngữ của Peru, nơi ngài từng có hơn một thập kỷ mục vụ. Ngài gửi lời yêu thương đến "giáo phận thân yêu nhất" ở đất nước Nam Mỹ này, nơi ông từng làm Giám mục thành phố Chiclayo.
"Gửi đến giáo phận thân yêu nhất của tôi ở Peru, nơi có những con người trung tín đã đồng hành cùng Giám mục của họ để chia sẻ đức tin...", ông nói.
Cam kết dẫn dắt trong hiệp nhất, đối thoại
Từ trải nghiệm của một mục tử từng gắn bó sâu sắc với cộng đoàn cơ sở, Giáo hoàng Leo XIV bày tỏ khát vọng về một Giáo hội "hiệp hành", "biết tiến bước", "gần gũi với những ai đang đau khổ", "xây những nhịp cầu" và "luôn tìm kiếm đối thoại".
Không dừng lại ở những khẩu hiệu, thông điệp của ngài khơi dậy một hình ảnh sống động về một Giáo hội truyền giáo năng động, dấn thân và không ngừng canh tân. "Chúng ta phải cùng nhau hướng đến một Giáo hội biết xây dựng cầu nối và đối thoại. Một Giáo hội của bác ái và yêu thương".
Kết thúc bài phát biểu đầu tiên với lời cảm ơn các Hồng y đã tín nhiệm bầu chọn, Giáo hoàng Leo XIV khẳng định: "Tôi cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn tới các anh em Hồng y đã chọn tôi làm người kế vị Thánh Peter. Hãy luôn tìm kiếm hòa bình và công lý, cùng nhau cộng tác với những người nam nữ trung tín với Đức Jesus, không ngại loan báo Tin Mừng và trở nên những nhà truyền giáo".
Phương Linh