Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị kỷ niệm 25 năm thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng biểu dương và ghi nhận thành tích mà các thế hệ lãnh đạo, người lao động Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã đạt được trong suốt 25 năm qua; đồng thời giao nhiệm vụ cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.
Bà Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, nâng cao năng lực tài chính và nghiệp vụ
Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang trong giai đoạn chuyển đổi, hệ thống ngân hàng còn non trẻ, tiềm ẩn rủi ro, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã được thành lập ngày 9/11/1999 theo Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, với sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã từng bước khẳng định vai trò của mình và hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, nâng cao năng lực tài chính và nghiệp vụ.
Theo đó, sau 25 năm hoạt động, nguồn lực đã được tích lũy với quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt trên 115.000 tỷ đồng tính đến 30/9/2024, giúp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có nguồn lực tài chính ở mức cơ bản để thực hiện nhiệm vụ của mình. Các hoạt động nghiệp vụ đã được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam triển khai nghiêm túc, theo đúng quy định. Báo cáo giám sát của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có chất lượng tốt; hoạt động kiểm tra việc chấp hành các quy định về tiền tệ, ngân hàng đối với quỹ tín dụng nhân dân theo kế hoạch do Ngân hàng Nhà nước giao trong thời gian vừa qua cũng đã chứng minh tính hiệu quả và đã phát hiện ra một số tồn tại ở một số tổ chức tín dụng, qua đó thể hiện đây là một kênh thông tin rất khách quan, giúp Ngân hàng Nhà nước trong quá trình quản lý hệ thống các tổ chức tín dụng và quỹ tín dụng nhân dân. Đặc biệt, thời gian vừa qua, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã cử 80 cán bộ tham gia vào 37 ban kiểm soát đặc biệt tại các quỹ tín dụng nhân dân để tham gia tích cực vào quá trình xử lý các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém.
Xây dựng Luật sửa đổi Luật bảo hiểm tiền gửi, góp phần tích cực hơn nữa vào sự nghiệp đổi mới, phát triển, hội nhập của ngành ngân hàng
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, quy mô hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng ngày càng gia tăng. Quy mô dư nợ tiền gửi là hơn 14 triệu tỷ đồng, tổng tài sản của toàn hệ thống lên tới khoảng 18 triệu tỷ đồng. Quy mô của từng tổ chức tín dụng lớn, tính chất hoạt động nghiệp vụ tài chính ngân hàng ngày càng phức tạp hơn, đặt ra nhiều thách thức cho ngành ngân hàng nói chung và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nói riêng.
Theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, trong thời gian tới Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần quan tâm và chú trọng:
Thứ nhất, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần tập trung nguồn lực nghiên cứu chuyên sâu kinh nghiệm quốc tế, tổng kết và đánh giá những đặc điểm, đặc thù của Việt Nam để có những đề xuất nội dung cụ thể với các cấp có thẩm quyền, đưa vào Dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi trình Quốc hội. Đây là dịp để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có thể đề xuất, tham mưu Luật sửa đổi Luật bảo hiểm tiền gửi, tổng kết từ kinh nghiệm thế giới và Việt Nam, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi và đáp ứng các yêu cầu, các vấn đề có thể xảy ra trong giai đoạn mới.
Thứ hai, trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tiếp tục thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật hiện hành, là tiền đề để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẵn sàng đảm nhận những nhiệm vụ mới, vì mục tiêu an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Thứ ba, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần tích cực tập trung tối đa nguồn lực để đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, từng bước xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Trước mắt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần tập trung hoàn thành các mục tiêu, lộ trình đề ra tại Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi, đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và nghiên cứu để tham mưu xây dựng Luật sửa đổi Luật bảo hiểm tiền gửi, từng bước đưa Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trở thành một định chế tài chính hiện đại, tiệm cận thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, góp phần tích cực hơn nữa vào sự nghiệp đổi mới, phát triển, hội nhập của ngành ngân hàng, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tin tưởng rằng với thành tựu, truyền thống tốt đẹp đã đạt được trong 25 năm qua, cùng bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo trong thời kỳ mới của thế hệ cán bộ lãnh đạo và người lao động Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới, xứng đáng với sứ mệnh là một tổ chức tài chính Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hàng triệu người gửi tiền, góp phần quan trọng củng cố niềm tin của người gửi tiền và thúc đẩy sự phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Mai Trang