Thong dong xuống phố...

Thong dong xuống phố...
6 giờ trướcBài gốc
Một góc phố hàng hoa trên đường Triệu Quốc Đạt.
1. Phố hàng hoa không phải một cái tên, đó chỉ là một cách gọi. Phố hàng hoa ở đường Triệu Quốc Đạt. Tất nhiên, ở TP Thanh Hóa cũng còn nhiều nơi bán hoa nhưng tập trung nhất vẫn ở con phố này (đoạn từ nút giao với đường Lê Hoàn đến nút giao đường Trần Phú). Phố hàng hoa. Cách gọi theo thói quen. Âu cũng dễ hiểu, bởi Triệu Quốc Đạt vẫn được biết đến là con phố có “truyền thống” bán hoa. Khoảng 10 năm trở về trước, phố chỉ có một dãy bán vòng hoa hiếu, hoa hỷ,... nhưng sau này, có thêm dãy bán hoa đối diện, thuộc khu Vincom. Dãy mới này, trước là Nhà văn hóa thiếu nhi TP Thanh Hóa.
Ở dãy cũ, giờ cũng chỉ còn vài nhà bán, chủ yếu bán vòng hoa hiếu. Còn phía bên kia - dãy mới, lại phần lớn bán hoa hỷ, sinh nhật... Đã là hoa thì đa sắc. Nhưng có lẽ vì bán hoa cho ngày vui nhiều hơn nên dãy mới trông nghệ thuật hơn.
Ngoài hoa tươi, vài năm trở lại đây còn có hoa sáp, hoa nến... Hoa sáp với vẻ đẹp bền lâu còn nến thơm là sự kết hợp giữa nghệ thuật làm nến và hoa khô tự nhiên. Vậy nên, những chủ shop hoa, tiệm hoa đã khéo bày trí, sắp xếp để “tạo dáng” cho một “rừng” hoa đẹp, là shop 9684 Florist, Thao Hoa, Thanh Trịnh...
Không ngoa mà nói rằng, sự xuất hiện của dãy mới đã làm cho thương hiệu “phố hàng hoa” bền hơn và cuốn hút hơn so với những con phố bán hoa khác ở TP Thanh Hóa.
2. Phố hàng ăn thì có nhiều. Nhưng có những con phố đặc trưng, chỉ bán đúng 1 món, điển hình như phố ốc ở Bến Ngự, phường Trường Thi (gần chùa Thanh Hà). Tại đây có khoảng 15 quán ốc với đủ loại, là ốc khều, ốc kìm, ốc biển, ốc sư tử, ốc nhồi hấp sả, ốc mỡ xào me... Mỗi loại ốc có hương vị khác nhau, giá tiền cũng khác nhau và tất nhiên, tên gọi của quán cũng khác nhau nhưng có vẻ như những chủ quán đã có sự thống nhất “ngầm”, như nhà này đánh số, nhà kia sẽ gọi tên, là ốc 07, ốc 13, ốc cô Hà, ốc Ba Sài Gòn...
Các quán ốc thường mở từ 9h đến 23h và không lúc nào ngớt khách. Mùa đông khách nhiều hơn mùa hè bởi đông, trời lạnh mà ốc nóng, ăn “vào” hơn, “vào” hơn nữa là thưởng thức luôn nước ốc, cay cay, ngọt ngọt, vừa uống vừa hít hà. Tùy từng sở thích, có thể là ăn ốc luộc chấm chẻo hoặc nước mắm gừng, ớt hoặc chế biến ốc thành các món xào...
Trong số những quán ốc này, có quán đã bán gần 20 năm. Ốc bình dân, quán gần gũi... Nhớ lại tìm đến, để cùng tếu táo: “ăn ốc nói mò”...
Và không chỉ có ốc. Xuống phố, dạo phố, ngày càng nhiều quán xá nên dường như, đi đến đâu cũng “dậy mùi” ẩm thực. Xuống phố có quên được không mùi bánh khoái tép, mùi của bún chả, bánh cuốn... Những món mà chỉ có Thanh Hóa mới có được vị riêng. “Nhớ mặt đặt tên” là bánh khoái tép chị Thanh ở 56C Tô Vĩnh Diện (phường Điện Biên) hay quán bà Tới ở 122 Đào Duy Từ (phường Ba Đình); là bánh cuốn cầu Sâng (phường Nam Ngạn)... Vì không lẫn vào đâu được, thậm chí, bánh khoái tép - loại bánh được tạo nên bởi sự dân dã, mộc mạc là tép đồng, gạo tẻ, bắp cải, rau cần,... không phải địa phương nào cũng có, vì lẽ đó mà nhiều người xa quê, khi về phải tìm đến, khi đi phải gói mang theo...
3. Xuống phố, vào chợ đêm, có gì để ngắm? Chợ đầu mối nông lâm thủy sản Đông Hương ở đường Nguyễn Duy Hiệu (phường Đông Hương), chợ đêm đặc biệt ở Thanh Hóa, chợ của rau, củ, quả... Chợ họp chủ yếu từ khoảng 15h chiều hôm nay đến sáng ngày hôm sau. Tấp nập. Ồn ào. Xe ô tô tải trọng lớn, nhỏ. Xe máy. Xe kéo 2 bánh... Chợ có hơn 1.000 tiểu thương đang kinh doanh thường xuyên và không thường xuyên. Rau, củ trồng tại vườn nhà được tiểu thương ở các huyện về nhập tại chợ. Tiểu thương ở các chợ lẻ trên địa bàn lân cận TP Thanh Hóa lại đến để chọn mua...
Chợ đầu mối nông lâm thủy sản Đông Hương.
Trong chợ cũng có vài quán di động bán hàng ăn, chủ yếu phục vụ cho người đến buôn bán ở chợ. 21h30, Hiệp, một tiểu thương bán rau ở Quảng Xương lại nói với người bán bánh mỳ: “Em một bánh mỳ pate”. Chị chủ quán ngước lên, hỏi: “Nay về muộn nhỉ!”. Hiệp gật đầu: “Mấy hôm nay ế”. Nếu không chậm hàng, Hiệp đã có thể về lúc đầu tối.
Ngoài tiểu thương còn có một bộ phận lao động làm việc tại chợ, là những người chở thuê, bốc vác... Bà Thạo, 65 tuổi, một phụ nữ chở hàng thuê. 1 tạ hàng được 10 nghìn. Chiếc xe đẩy 2 bánh của bà, mỗi lần có thể chở được vài tạ. Bà cứ đẩy hàng ra hết chỗ tập kết này lại đến chỗ khác cho các tiểu thương mang về bán ở chợ lẻ... Bà hổn hển: "Từ đầu tối vài chuyến rồi. 1 đêm chở được 200 nghìn không ấy hả? 200 nghìn có mà đói à!". Bà vừa nói vừa cười tóe loe, tiếp tục vừa chạy, vừa đẩy hàng...
Đã hơn 22h, chợ nhộn nhịp hơn. Có thêm nhiều chiếc xe máy vào chợ, trong đó có một xe chở thùng to phía sau, không phải chở rau cũng chẳng phải củ, quả. Tiếng loa phát ra từ chiếc xe: "Cà phê muối nào, cà phê bạc xỉu đây... Ai cà phê nào...".
Bài và ảnh: Ninh Nghi
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/thong-dong-xuong-pho-36845.htm