Thống nhất cao Đề án hợp nhất 2 tỉnh Tây Ninh và Long An

Thống nhất cao Đề án hợp nhất 2 tỉnh Tây Ninh và Long An
8 giờ trướcBài gốc
Chủ trì Hội nghị.
Sau sắp xếp, tỉnh Tây Ninh (mới) có diện tích tự nhiên 8.536,5 km (đạt 170% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số là 3.288.307 người (đạt 234,9%), dự kiến có 96 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc.
Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Tây Ninh (mới) đặt tại thành phố Tân An, tỉnh Long An hiện nay. Tỉnh cũng bố trí số lượng hợp lý cán bộ, công chức làm việc tại thành phố Tây Ninh để bảo đảm công tác quản lý tại các địa bàn của tỉnh Tây Ninh hiện nay và giảm bớt khó khăn về đi lại, sinh hoạt của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong giai đoạn đầu hợp nhất.
Về kết quả lấy ý kiến cử tri, theo ông Phạm Hùng Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tiến hành lấy ý kiến cử tri là đại diện hộ gia đình đối với đề án hợp nhất tỉnh với Long An. Kết quả, có 99,57% cử tri đồng ý.
Đối với Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Tây Ninh, các đại biểu thống nhất phương án sắp xếp, tổ chức lại 94 xã, phường, thị trấn hiện nay thành 36 đơn vị hành chính cấp xã; trong đó có 26 xã và 10 phường.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Thu Hiền báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri (đại diện hộ gia đình) có liên quan, bị tác động đối với chủ trương sắp xếp 94 đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn của Tây Ninh hiện nay thành 36 đơn vị hành chính cấp xã. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, cơ bản cử tri rất đồng thuận và ủng hộ chủ trương, phương án sắp xếp đơn vị hành chínhcấp tỉnh, cấp xã.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, việc hợp nhất 2 tỉnh sẽ phát huy ưu điểm, nhất là mở rộng không gian phát triển, giúp tập trung nguồn lực tài chính, nhân sự và cơ sở vật chất, phát huy lợi thế thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, xã hội, tăng quy mô kinh tế và nền nông nghiệp được toàn diện hơn. Việc hợp nhất cũng đảm bảo phù hợp quy mô diện tích, dân số, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện chất lượng dịch vụ công và nâng cao đời sống nhân dân.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, sau khi sắp xếp, tỉnh cần tập trung sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền đối với tổ chức, hoạt động của lực lượng vũ trang ở địa phương thông qua việc giảm đầu mối, cơ sở vật chất, bố trí lực lượng công an, quân đội phù hợp sẽ góp phần thực hiện tốt hơn công tác đảm bảo an ninh trật tự, công tác quân sự ở đơn vị hành chính mới. Tỉnh tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh; củng cố nền quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Về cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, đây là cơ hội để thúc đẩy, phát huy, sử dụng có hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên môi trường mạng, cải thiện chất lượng dịch vụ công và nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tăng tính mình bạch trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.
Việc hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ khắc phục một phần tình trạng biệt lập trong hoạch định và thực thi chính sách của các địa phương; qua đó, góp phần kết nối đồng bộ cơ sở hạ tầng của nhiều đơn vị hành chính cũng như chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm tốt trong quản lý nhà nước và phát triển kinh tế trong khu vực.
Tin, ảnh: Giang Phương (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thoi-su/thong-nhat-cao-de-an-hop-nhat-2-tinh-tay-ninh-va-long-an-20250426190359939.htm