Chiều 21/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc họp với các bộ, ngành liên quan về việc nghiên cứu thành lập quỹ phát triển nhà ở (bao gồm nhà ở xã hội; nhà ở cho công nhân thuê; nhà ở cho người trẻ dưới 35 tuổi thuê, mua…).
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng cho biết, triển khai nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trao đổi ở cấp kỹ thuật với Bộ Xây dựng để xác định các tồn tại trong việc phát triển nhà ở xã hội. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo lãnh đạo Chính phủ về việc nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia.
Theo ông Hùng, từ tháng 1/2025, Bộ Tài chính đã có tờ trình báo cáo lãnh đạo Chính phủ về Đề án nghiên cứu định chế tài chính phục vụ phát triển nhà ở xã hội. Tại tờ trình này, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát toàn bộ quy định của pháp luật về các cơ chế tài chính phát triển nhà ở xã hội.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc. Ảnh minh họa.
Theo đó, hiện nay ở Trung ương cũng như địa phương đều đã có các định chế tài chính cũng như cơ chế chính sách cho vay ưu đãi đối với việc phát triển nhà ở xã hội, bên cạnh các chương trình tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy vậy vướng mắc lớn nhất trong thời gian vừa qua là nguồn vốn cho vay ưu đãi hạn hẹp.
Do đó, để đảm bảo triển khai khả thi, nhanh và hiệu quả, Bộ Tài chính đề xuất thay vì thành lập định chế tài chính mới thì sử dụng hệ thống các định chế tài chính hiện có để thực hiện cho vay phát triển nhà ở xã hội và kiến nghị Trung ương, địa phương ưu tiên nguồn lực và các cơ chế hỗ trợ cho các định chế này mở rộng hoạt động cho vay nhà ở xã hội.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng nêu thực trạng các vướng mắc liên quan đến việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay: Về hỗ trợ kinh phí bồi thường, tái định cư và đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; về hoạt động cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội; về hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, tạo lập nhà ở xã hội…
Trên cơ sở rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật và các định chế tài chính ở Trung ương, địa phương, Bộ Tài chính trình phương án về cơ chế tài chính hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội và định hướng thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia.
Sau khi nghe ý kiến của các bộ ngành, phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ, việc thành lập một quỹ về phát triển nhà ở để thực hiện nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người dưới 35 tuổi thuê mua, mua nhà ở… là có cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Do đó, thống nhất tên quỹ là Quỹ phát triển nhà ở quốc gia.
Phó Thủ tướng nêu, Quỹ phát triển nhà ở quốc gia là quỹ Nhà nước ngoài ngân sách, do Nhà nước thành lập (không trùng với nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước). Dự kiến, nguồn của Quỹ phát triển nhà ở quốc gia sẽ được huy động từ các nguồn: ngân sách Nhà nước cấp; huy động từ sự tự nguyện đóng góp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; nguồn thu từ quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại theo quy định; nguồn huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân; các nguồn hợp pháp khác.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ, chức năng chính của Quỹ phát triển nhà ở quốc gia là đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thuê; nhà ở cho người trẻ dưới 35 tuổi… Quỹ phát triển nhà ở quốc gia có 2 cấp. Cấp Trung ương do Bộ Xây dựng quản lý; ở địa phương, UBND cấp tỉnh quản lý.
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tiếp thu các ý kiến phát biểu tại cuộc họp để hoàn thiện Đề án thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia và dự thảo nghị định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trường Phong