Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa chủ trì cuộc làm việc với UBND tỉnh Bình Định, các bộ, ngành về chủ trương đầu tư cảng hàng không Phù Cát.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cảng hàng không Phù Cát có ý nghĩa quan trọng trong phát triển du lịch, thu hút các nhà đầu tư đến địa phương. Tuy nhiên, hiện trạng của cảng hàng không Phù Cát lại đang là điểm nghẽn cần được tháo gỡ.
Người đứng đầu UBND tỉnh Bình Định cho rằng việc cấp bách nhất hiện nay là xây dựng đường cất hạ cánh số 2. Chi phí dự kiến các đường lăn nối, các công trình khác thuộc khu bay có tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng.
Sân bay Phù Cát, Bình Định sẽ được mở rộng, nâng cấp. Ảnh: ON
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông vận tải căn cứ vào thẩm quyền, quy định của pháp luật hàng không dân dụng, phối hợp với các bộ Kế hoạch- Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng, Tài nguyên- Môi trường... tham mưu, trình Thủ tướng quyết định giao tỉnh Bình Định làm cơ quan chủ quản đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 cảng hàng không Phù Cát.
Theo Bộ GTVT, việc UBND tỉnh Bình Định đề nghị giai đoạn trước mắt cho phép triển khai đầu tư ngay đường băng thứ hai, các đường lăn nối, công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ của sân bay Phù Cát từ ngân sách do tỉnh quản lý là phù hợp.
Trong thời gian chờ chính sách đặc thù cho phép sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư kết cấu hạ tầng sân bay Phù Cát, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ xem xét cho phép UBND tỉnh Bình Định nghiên cứu, triển khai trước các thủ tục để triển khai giải phóng mặt bằng theo quy hoạch bằng nguồn vốn của địa phương.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính nghiên cứu, cân đối các nguồn vốn, sớm tham mưu Chính phủ bố trí khoảng 1.500 tỉ đồng từ ngân sách trung ương cho UBND tỉnh Bình Định để hỗ trợ thực hiện dự án.
Theo UBND tỉnh Bình Định, cảng hàng không Phù Cát được xây dựng từ những năm 1960-1970, bắt đầu khai thác hàng không dân dụng từ năm 1985.
Sau 60 năm sử dụng, đường cất hạ cánh duy nhất đã xuống cấp, sức chịu tải thấp dẫn đến chỉ bảo đảm khai thác giảm tải các loại tàu bay như A320/321 và tương đương. Sân đỗ máy bay đáp ứng bảy vị trí đỗ, nhà ga hành khách và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng công suất thiết kế khoảng hai triệu hành khách/năm.
Quy hoạch cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bổ sung đường cất hạ cánh số 2 chủ yếu để khai thác hàng không dân dụng, xây dựng thêm chỗ đỗ máy bay, mở rộng nhà ga hành khách, bố trí lại khu hàng không dân dụng và quân sự.
XH