Ngày 12-3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến xét chọn cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển TPHCM (giai đoạn 1975-2025)
Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa thể hiện sự tri ân các cá nhân tiêu biểu nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025). Dự kiến TPHCM sẽ tổ chức lễ tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong tuần sau.
Những cá nhân được xét chọn tôn vinh là người có công trạng với TPHCM và được nhân dân ghi nhận, như có đóng góp nổi bật, để lại dấu ấn trong quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển TPHCM; có phẩm chất đạo đức, uy tín, tầm ảnh hưởng rộng trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, luôn vì sự phát triển của TPHCM; có danh tiếng, được đông đảo người dân TPHCM thừa nhận, ủng hộ và đồng tình.
Các cá nhân tiêu biểu được xét chọn trên 7 lĩnh vực gồm: 13 cá nhân lĩnh vực chính trị, quản lý Nhà nước; 12 cá nhân lĩnh vực hoạt động xã hội; 11 cá nhân lĩnh vực GD-ĐT, Y tế, KH-CN; 10 cá nhân lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; báo chí truyền thông có 10 cá nhân; 5 cá nhân lĩnh vực kinh tế; 4 cá nhân lĩnh vực quốc phòng - an ninh; 5 cá nhân lĩnh vực dân tộc, tôn giáo.
Một số cá nhân tiêu biểu được xét chọn:
Đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư, nguyên Bí thư Trung ương cục miền Nam, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã kiên trì tổng kết thực tiễn kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết quả của chủ trương “xé rào, bung ra” trong sản xuất công nghiệp TPHCM. Đồng chí đã tiến hành thí điểm những đổi thay trong cơ chế quản lý kinh tế ở một số doanh nghiệp nhà nước tại thành phố đông dân nhất Việt Nam. Đây là những bước đột phá đầu tiên mặc dù chưa hoàn thiện nhằm xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp tồn tại ở Việt Nam trong nhiều năm và đã giúp Đảng Cộng sản Việt Nam hoạch định đường lối, chính sách cho thời kỳ đổi mới.
Đồng chí Phạm Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Nam bộ. Đồng chí ủng hộ lãnh đạo TPHCM sáng tạo đổi mới kinh tế, không hình sự hóa quan hệ kinh tế; tạo điều kiện (đỡ đầu) cho TPHCM xuất nhập khẩu trực tiếp, mua gạo trực tiếp với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM. Đồng chí tiên phong “xé rào bung ra” chỉ đạo thực hiện kế hoạch A, B, C khôi phục sản xuất công nghiệp, phục hồi nền kinh tế, trở thành tiền đề lý luận để xây dựng “đường lối Đổi mới” được quyết định tại Đại hội toàn quốc của Đảng năm 1986. Đồng chí đã chỉ đạo công ty lương thực chạy gạo cứu đói; chỉ đạo ra quân Thanh niên Xung phong TPHCM; xây dựng Thủy điện Trị An; xây dựng đường dây Truyền tải điện 500 KV Bắc - Nam 1500km trong 2 năm - chưa từng có trên thế giới lúc bấy giờ…
Đồng chí Trương Mỹ Hoa (Bảy Thư), nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước. Khi 15 tuổi, đồng chí Trương Mỹ Hoa đã tham gia phong trào đấu tranh của thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và là Ủy viên Ban Chấp hành khối trường Tân Định - Gia Định; tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, Đội phó Đội 3 - mũi tiến công chiếm lĩnh các mục tiêu ở khu vực Gia Định. Sau đó, tham gia tiếp quản thành phố, tham gia công tác và lần lượt giữ nhiều chức vụ từ cơ sở, thành phố đến Trung ương.
Ông Nguyễn Khắc Êm, Tổ trưởng dân phố 29, phường Bến Nghé, quận 1. Trong những năm qua, ông đã có thành tích xuất sắc trong tham gia hoạt động khu phố, tổ dân phố năm 1976 đến 2024. Trong 48 năm tham gia hoạt động làm Tổ trưởng tổ dân phố 29, khu phố 3, phường 8, quận 1 (Sau này phường 8, phường 9, phường 10 sáp nhập thành phường Bến Nghé, quận 1), ông tích cực trong công tác tuyên truyền vận động cộng đồng dân cư, tham gia các hoạt động tại địa phương. Ông đã vận động chăm lo hơn 42 hộ nghèo do phường quản lý và các hộ có hoàn cảnh khó khăn ở địa bàn dân cư Tổ dân phố với tổng số tiền tích lũy hơn 500 triệu đồng…
Tiến sĩ Võ Tá Hân, chuyên gia tài chính - ngân hàng và quản trị doanh nghiệp, Người Việt Nam ở nước ngoài. Ông bắt đầu chương trình “Books4Vietnam” quyên góp sách từ nước ngoài chuyển về Việt Nam nhằm giúp lớp trẻ nâng cao kiến thức, góp phần xây dựng đất nước từ năm 1988. Với tổng số 839 đầu sách, với 35.503 quyển, trị giá 2.870.985.40 USD (tương đương 96 tỷ đồng). Đây là số sách có giá trị rất cao cho việc nghiên cứu học tập của giảng viên, sinh viên cho 53 trường Đại học, Cao đẳng ở TPHCM và trên cả nước, góp phần lan tỏa và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng tại TPHCM nói riêng, và tại Việt Nam nói chung…
NGÔ BÌNH