Thống nhất trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Thống nhất trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
2 tháng trướcBài gốc
Hướng tuyến được lựa chọn ngắn nhất có thể
Sau giờ họp Quốc hội ngày 6/11, chiều tối cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trục Bắc - Nam.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng.
Trình bày Báo cáo tóm tắt tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trục Bắc - Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã đánh giá bối cảnh trong nước, quốc tế và tình hình phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt.
Đồng thời đã nêu rõ lý do tuyến ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam chưa được Quốc hội thông qua vào năm 2010 do còn có ý kiến băn khoăn về tốc độ, phương án khai thác, nguồn lực đầu tư trong bối cảnh quy mô nền kinh tế tại thời điểm năm 2010 thấp (GDP là 147 tỷ USD).
Tại thời điểm đó, tổng mức đầu dự án khoảng 55,8 tỷ USD (tương đương 38% GDP), nợ công ở mức cao (56,6% GDP).
Với nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2010; nợ công ở mức thấp khoảng 37% GDP.
"Dự kiến thời điểm triển khai xây dựng vào năm 2027, quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỷ USD nên nguồn lực để đầu tư không còn là trở ngại lớn", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Về sự cần thiết đầu tư, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, căn cứ cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học, bối cảnh trong nước và quốc tế, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã phân tích, làm rõ sự cần thiết đầu tư theo 5 nội dung.
Thứ nhất là hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng; Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và triển khai các quy hoạch nhằm tạo tiền đề quan trọng để đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao như nhiều quốc gia trên thế giới.
Thứ hai là tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới.
Thứ ba là đảm bảo nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Thứ tư là tạo tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ.
Thứ năm là phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, hướng tuyến ĐSTĐC được nghiên cứu, lựa chọn ngắn nhất có thể, sử dụng 3 loại kết cấu chính trên tuyến; bảo đảm phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, các quy hoạch của địa phương. Trong đó, kết cấu cầu khoảng 60%, hầm khoảng 10% và nền đất khoảng 30% chiều dài tuyến.
Hướng tuyến ĐSTĐC hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường, các khu di tích, danh lam thắng cảnh, đất quốc phòng; giảm khối lượng giải phóng mặt bằng, tránh các khu vực tập trung đông dân cư; bảo đảm liên kết các hành lang Đông - Tây và các tuyến đường sắt liên vận quốc tế.
Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 67,34 tỷ USD
Về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự kiến nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035.
Sẽ bố trí vốn trong khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD, tương đương khoảng 1,3% GDP năm 2023, khoảng 1,0% GDP năm 2027 (khởi công dự án).
Tuyến ĐSTĐC bắt đầu tại Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541km.
Về quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD).
Về tiến độ thực hiện dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, hoàn thành công tác lập và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế năm 2025-2026; triển khai giải phóng mặt bằng, khởi công dự án năm 2027; phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2035.
Làm rõ hướng tuyến theo nguyên tắc thẳng nhất có thể
Báo cáo thẩm tra sơ bộ chủ trương đầu tư dự án ĐSTĐC trục Bắc - Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất sự cần thiết đầu tư dự án với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và lý do đã được nêu tại Tờ trình số 685/TTr-CP của Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.
Về phạm vi, quy mô đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung, thuyết minh các phương án so sánh để làm rõ cơ sở lựa chọn hướng tuyến của dự án theo đề xuất của Chính phủ. Đồng thời làm rõ hướng tuyến theo nguyên tắc thẳng nhất có thể, nhất là đoạn đi qua Nam Định, để bảo đảm hiệu quả cho dự án.
Bên cạnh đó, các ga hành khách tại một số địa phương được bố trí cơ bản không nằm trong các vị trí trung tâm đô thị. Trong khi đó để bảo đảm tối đa hiệu quả cho dự án, các vị trí ga phải được bố trí thuận lợi, thu hút được nhiều hành khách nhất. Do đó đề nghị làm rõ việc lựa chọn các vị trí ga của dự án.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn phương án kết nối tuyến ĐSTĐC với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và hệ thống giao thông khác; kết nối liên thông với mạng lưới đường sắt trong khu vực và quốc tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý, về hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính của dự án, có ý kiến đề nghị làm rõ các cơ sở tính toán về dự báo nhu cầu vận tải của dự án, khi thực tế thời gian qua việc dự báo nhu cầu vận tải của nhiều dự án giao thông BOT có sự chênh lệch lớn so với thực tế, dẫn đến thiếu hiệu quả về phương án tài chính phải điều chỉnh hợp đồng dự án.
Theo Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước cho rằng, dự báo doanh thu và tăng trưởng doanh thu đang là cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, đề nghị rà soát kỹ lưỡng để đánh giá đúng thực tế hiệu quả tài chính của dự án và khả năng ngân sách nhà nước phải bù lỗ trong tương lai cho hoạt động kinh doanh vận tải.
Đáng lưu ý, việc dự án đưa vào khai thác với lợi thế về thời gian, giá vé và các ưu thế khác mà phương thức vận tải này mang lại sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của các chặng bay quãng ngắn, do đó sẽ ảnh hưởng đến việc đầu tư phát triển của các cảng hàng không trong tương lai. Vì vậy, đề nghị bổ sung làm rõ.
"Ngoài ra, theo Tờ trình, tuyến đường sắt hiện hữu sẽ được tiếp tục cải tạo, nâng cấp để vận chuyển hàng hóa, khách du lịch chặng ngắn và được triển khai theo dự án riêng, tuy nhiên không rõ hiệu quả, thời điểm, thời gian nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu. Do đó, đề nghị cân nhắc đánh giá tổng thể chung việc đầu tư hoàn thiện cả 2 hệ thống đường sắt để có cơ sở quyết định đầu tư phù hợp", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.
Tiếp tục rà soát hướng tuyến để bảo đảm tối ưu, hiệu quả
Giải trình một số nhóm vấn đề về dự án ĐSTĐC trục Bắc - Nam, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, về hướng tuyến, nhà ga, đã được tất cả các địa phương dọc tuyến thống nhất.
Hướng tuyến ĐSTĐC trục Bắc - Nam được nghiên cứu, lựa chọn ngắn nhất có thể. Vị trí ga khách đều quy hoạch không gian phát triển tối thiểu từ 250-300ha, đặt tại khu vực trung tâm kinh tế, chính trị các địa phương hoặc khu vực gần trung tâm đô thị, quy hoạch có tiềm năng phát triển mới để khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất, bảo đảm kết nối thuận lợi với hệ thống giao thông công cộng.
Quy mô mỗi ga hàng hóa khoảng 24,5ha, đặt tại các vị trí bảo đảm phục vụ tốt cho hậu cần quốc phòng, an ninh.
Hướng tuyến ĐSTĐC trục Bắc - Nam được nghiên cứu, lựa chọn ngắn nhất có thể.
Quá trình khai thác, khi địa phương hình thành và phát triển các đô thị có quy mô dân số và có nhu cầu vận tải đủ lớn, khoảng cách giữa các ga bảo đảm yêu cầu kỹ thuật sẽ nghiên cứu đầu tư bổ sung và giao cho địa phương chủ trì thực hiện.
"Trong bước tiếp theo sẽ tiếp tục rà soát để chuẩn xác hướng tuyến, vị trí, quy mô nhà ga bảo đảm tối ưu, hiệu quả", Bộ trưởng Thắng nói.
Về tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu của dự án và phù hợp điều kiện thực tế nước ta, đề xuất huy động tối đa nguồn nhân lực trong nước kết hợp với thuê tư vấn, nhà thầu nước ngoài tham gia thiết kế, thi công, quản lý, giám sát thực hiện dự án.
Về tiến độ thực hiện, Bộ trưởng Giao thông vận tải cho biết, dự án dự kiến khởi công năm 2027, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến năm 2035, phù hợp với yêu cầu rút ngắn tiến độ của Bộ Chính trị.
"Tuy nhiên, để có thể triển khai dự án theo tiến độ này là rất gấp, nhiều thách thức, khó khăn nên đã đề xuất một số chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ. Và trong quá trình triển khai các bước tiếp theo, Chính phủ sẽ chỉ đạo các các cơ quan liên quan thực hiện bảo đảm tiến độ dự án", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Tuyến đường sắt sẽ tạo điều kiện cho đất nước phát triển
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất quan tâm đến dự án ĐSTĐC trục Bắc - Nam.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Từ đó Chủ tịch Quốc hội đề nghị hoàn thành hồ sơ, thủ tục để trình Quốc hội. Những gì quan tâm nhất hiện nay cần phải bám với đó để thuyết minh, giải trình cho rõ.
"Nếu làm được tuyến đường sắt này thì đất nước chúng ta có điều kiện phát triển. Nếu rút ngắn hơn so với dự kiến thì càng tốt", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ ở nước ngoài có những dự án lớn gấp mấy lần dự án ĐSTĐC của chúng ta, nhưng người ta triển khai thi công chưa tới 3 năm.
"Thủ tục hành chính do mình đặt ra, vì vậy làm như thế nào để tháo gỡ khó khăn vướng mắc", ông Mẫn nói.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thống nhất trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư dự án ĐSTĐC trục Bắc - Nam tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư dự án và phương án thiết kế sơ bộ, bảo đảm tiết kiệm hiệu quả, bổ sung thuyết trình các phương án so sánh, để làm cơ sở lựa chọn hướng tuyến của dự án theo đề xuất của Chính phủ.
Đánh giá thêm về diện tích trồng lúa, diện tích đất rừng; đánh giá thêm về tác động của dự án tới môi trường; đánh giá kỹ yếu tố tác động tới tiến độ của dự án để có phương án phấn đấu tới năm 2035 cơ bản hoàn thành toàn tuyến.
"Về nguồn vốn hoàn thành dự án, tổng vốn đầu tư dự án đặc biệt lớn. Do đó, để bảo đảm khả thi, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia cần đánh giá kỹ lưỡng hơn, đặt trong bối cảnh đất nước đang triển khai nhiều dự án hạ tầng cấp bách, cấp thiết trong nhiều lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng, để có biện pháp kiểm soát rủi ro", ông Hải nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần có những chính sách vượt trội, đặc biệt cho dự án.
"Tuy nhiên để bảo đảm tính khả thi và tăng tính thuyết phục, đề nghị Chính phủ rà soát lại 19 chính sách và có thuyết minh cụ thể hơn; đánh giá tác động thực sự kỹ lưỡng, chỉ đưa vào nghị quyết những chính sách thực sự cần thiết, tác động tiêu cực ít, bảo đảm cơ chế phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan đơn vị, cơ chế kiểm tra giám sát, không để xảy ra thất thoát lãng phí tiêu cực", ông Hải nói.
Phùng Đô
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/thong-nhat-trinh-quoc-hoi-xem-xet-chu-truong-dau-tu-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-192241106191740466.htm