Thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam

Thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam
2 tháng trướcBài gốc
Trong thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã có nhiều ý kiến kết luận về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; trong đó, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10, khóa XIII đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến, tốc độ 350km/giờ và giao các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ tám xem xét, quyết định thông qua chủ trương, một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư dự án.
Tờ trình của Chính phủ cho biết, việc đầu tư Dự án phù hợp với chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Đảng, Quốc hội thông qua; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch phát triển mạng đường sắt; phù hợp với quy hoạch của các ngành, các địa phương có liên quan.
Việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.
Tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541km.
Quy mô đầu tư gồm xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Thẩm tra sơ bộ chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thống nhất sự cần thiết đầu tư Dự án với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và lý do đã được nêu tại Tờ trình số 685/TTr-CP.
Về nguồn vốn cho dự án, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD). So với tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Trung ương, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án vượt quá (bằng 114%) tổng vốn đầu tư công trung hạn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 (tối đa là 1.500.000 tỷ đồng, đã bao gồm cả số dự phòng) và tương đương 59,7% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025. Trong khi giai đoạn 2026-2030, nguồn lực đầu tư công cần ưu tiên tiếp tục đầu tư các dự án, chương trình quan trọng.
Quang cảnh phiên họp.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, với nhu cầu vốn thực hiện dự án rất lớn như trên, để đảm bảo nguồn vốn cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để huy động nguồn lực, tăng thu ngân sách nhà nước, cắt giảm chi thường xuyên và có thể phải chấp nhận bội chi ngân sách Nhà nước tăng lên trong một số năm (điều này dẫn đến rủi ro về nhu cầu vay, khả năng huy động và nghĩa vụ trả nợ trong tương lai). Vì vậy, cần nghiên cứu, xem xét thận trọng.
Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ, dự án có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược dài hạn, tác động sâu, rộng tới mọi mặt của nền kinh tế - xã hội nước ta và quy mô rất lớn, yêu cầu về công nghệ kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên được triển khai thực hiện ở Việt Nam. Do đó, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả cho dự án thì việc cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là rất cần thiết. Chính phủ đề xuất 19 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt khác quy định pháp luật hiện hành, do đó đề nghị bổ sung đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng hơn, để có giải pháp phù hợp nhằm hạn chế, khắc phục các tác động tiêu cực và báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về nội dung của các chính sách đặc thù, đặc biệt.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.
Làm được tuyến đường sắt này thì đất nước chúng ta có điều kiện phát triển hơn nữa
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất quan tâm đến Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam. Do vậy, Bộ Giao thông vận tải phải sớm hoàn thành hồ sơ, thủ tục để trình Quốc hội. “Nếu làm được tuyến đường sắt này thì sẽ tạo điều kiện cho đất nước phát triển hơn nữa. Nếu rút ngắn hơn tiến độ so với dự kiến thì càng tốt”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ, ở nước ngoài có những dự án lớn gấp mấy lần dự án đường sắt tốc độ cao nhưng người ta triển khai thi công chưa tới 3 năm. “Thủ tục hành chính do mình đặt ra, vì vậy làm như thế nào để tháo gỡ khó khăn vướng mắc”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thống nhất trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam là dự án có quy mô chưa từng có ở nước ta, chưa có tiền lệ thực hiện, đã được các cấp thẩm quyền cho ý kiến và đây cũng là dự án tác động tới nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, nợ công trong điều kiện Việt Nam chưa có công nghệ, chưa có nguồn nhân lực, chưa chủ động được nguồn vốn trong thực trạng ngân sách như hiện nay, nguồn vốn đầu tư dự án chủ yếu từ nguồn vốn vay. Do vậy, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ dự án.
Cụ thể, tiếp tục rà soát, tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư dự án và phương án thiết kế sơ bộ, bảo đảm tiết kiệm hiệu quả, bổ sung thuyết trình các phương án so sánh, để làm cơ sở lựa chọn hướng tuyến của dự án theo đề xuất của Chính phủ; đánh giá thêm về diện tích trồng lúa, diện tích đất rừng; đánh giá thêm về tác động của dự án tới môi trường; sơ bộ phương án thu hồi đất, bồi thường, tái định cư, tổ chức thực hiện dự án, đánh giá kỹ yếu tố tác động tới tiến độ của dự án để có phương án phấn đấu, phấn đấu cơ bản tới năm 2035 cơ bản hoàn thành toàn tuyến…
Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần có những chính sách vượt trội, đặc biệt cho dự án, tuy nhiên để bảo đảm tính khả thi và tăng tính thuyết phục, đề nghị Chính phủ rà soát lại 19 chính sách và có thuyết minh cụ thể hơn; đánh giá tác động thực sự kỹ lưỡng...
VŨ DUNG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/thong-nhat-trinh-quoc-hoi-xem-xet-quyet-dinh-chu-truong-dau-tu-du-an-duong-sat-toc-do-cao-truc-bac-nam-801917