Thống nhất trong nhận thức và hành động về 'cách mạng' tinh gọn bộ máy, chống các quan điểm sai trái

Thống nhất trong nhận thức và hành động về 'cách mạng' tinh gọn bộ máy, chống các quan điểm sai trái
8 giờ trướcBài gốc
Nhận thức rõ quan điểm, mỗi giai đoạn cách mạng phải có bộ máy phù hợp để thực thi đường lối.
Tổng Bí thư Tô Lâm trong phát biểu trong phiên làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội vào tháng 2/2025 đã nhấn mạnh: “Mỗi giai đoạn cách mạng phải có bộ máy để thực thi đường lối. Phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, bộ máy phải đảm bảo được mục tiêu đó; chính sách, pháp luật phải đảm bảo mục tiêu đó”. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước đã được đề cập tại các nghị quyết Trung ương, khẳng định tính cần thiết cũng như chỉ ra những hạn chế trong hoạt động còn cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết 18 – NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục khẳng định và đến Khóa XIII, Đảng tổng kết Nghị quyết 18, nhận thấy đây là “thời điểm vàng” để tinh gọn bộ máy trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng và tham khảo kinh nghiệm các nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm: “Đây là thời điểm vàng để thực hiện tinh gọn bộ máy.
Hơn 95 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã đạt được những trang vàng trong các kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng CNXH (1930-1975) và kỷ nguyên thống nhất, đổi mới, phát triển (1975 – 2025). Tới nay, chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mà thời điểm mở đầu là Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Song, một thực tế chúng ta đang đối mặt là 3 điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Đảng và Nhà nước đang từng bước giải quyết nhằm khơi thông các điểm nghẽn trên. Việc làm luật trong bối cảnh hiện nay được tiến hành song song cùng với công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị. Sự thay đổi các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Chính phủ, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Tòa án, Viện kiểm sát sẽ tác động toàn diện từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và công tác lập hiến, lập pháp nhằm tạo hành lang pháp lý cho bộ máy nhà nước sau tinh gọn, sáp nhập như: sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân…
Thế nhưng, một số đối tượng xấu lại xuyên tạc mục đích, ý nghĩa công cuộc sáp nhập, tinh gọn bộ máy. Tổ chức khủng bố Việt Tân suy diễn, vu cáo rằng, đây là cơ hội để các phe phái củng cố quyền lực cá nhân hay của một nhóm lợi ích. Một số luận điệu được gắn dưới danh nghĩa là “người bảo vệ cái đúng”, rêu rao rằng có sự phân biệt hai miền của Tổ quốc khi chỉ dựa vào số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh tại miền Bắc và miền Nam sau khi sáp nhập. Thực tế, các tiêu chí sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh được Đảng, Nhà nước chỉ rõ qua các văn kiện Đảng, văn bản quy phạm pháp luật như: quy mô dân số, diện tích trên cơ sở xác định cả quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên sáp nhập các tỉnh theo hướng biển. Các tiêu chí trên được các chuyên gia tư vấn nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm đưa nền kinh tế Việt Nam cất cánh và khai thác thế mạnh về biển của đất nước, qua đó tăng cường sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Do đó, sau khi được sáp nhập, các tỉnh ven biển miền Trung như Quảng Ngãi khi hợp nhất với Kon Tum, Bình Định hợp nhất với Gia Lai… sẽ tạo ra sự liên kết với khu vực Tây Nguyên không chỉ phát triển kinh tế biển, kinh tế cửa khẩu mà còn thúc đẩy năng lực phòng thủ quân sự quốc gia tại các địa bàn trọng yếu, tạo thành các địa phương vừa có biển, vừa có rừng.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu về tinh gọn bộ máy trong một phiên Quốc hội thảo luận tại tổ.
Đề án sáp nhập được nghiên cứu thấu đáo và cân nhắc đến tất cả các khía cạnh, đặc biệt là tạo đà cho đất nước cất cánh về kinh tế khi bước vào kỷ nguyên mới, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Song song với đó là chính sách để chọn lựa và giữ lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “vừa hồng vừa chuyên” – là nhân tố trọng yếu, bảo đảm cho cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi trong giai đoạn mới. Hãy nhìn số liệu về các cơ quan đầu mối sau khi cắt giảm từ chủ trương của Đảng cho thấy sự tinh gọn mạnh mẽ như: giảm 13/13 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 519 đơn vị cấp cục (giảm 77,6%); giảm 219 đơn vị cấp vụ (giảm 54,1%); giảm 3.303 đơn vị cấp chi cục (giảm 91,7%); giảm 203 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 344 đầu mối cấp sở ở tỉnh (giảm 29,1%); giảm 1.235 đầu mối cấp phòng ở tỉnh; giảm 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (sau ngày 01/7/2025). Để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, mục tiêu giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Số tiền tiết kiệm được từ việc chi thường xuyên trên sẽ dùng để đầu tư cho giáo dục, phát triển kinh tế đất nước. Kỷ nguyên của dân tộc muốn vươn mình thì đòi hỏi bộ máy nhà nước phải tinh, gọn, mạnh từ hệ thống các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội ở Trung ương đến địa phương và từ chính đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Khi đó mới đảm bảo hoạt động hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả.
Sắp xếp, tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương hai cấp để nâng cao tính tự chủ, gần dân hơn, giải quyết công việc nhanh hơn.
Việc cắt giảm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ các bộ, ban ngành đến cấp tỉnh đến cấp xã, đi cùng với việc tinh giản là chủ trương giữ cán bộ có năng lực, trình độ, có cống hiến. Đồng thời, Bộ Chính trị yêu cầu tạm dừng tuyển dụng, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị do sắp xếp, tổ chức bộ máy tại Kết luận 128-KL/TW. Các chính sách, chủ trương trên không chỉ tinh gọn đội ngũ nhân sự mà còn là “màng lọc” cho đội ngũ công chức, viên chức nhằm loại bỏ cán bộ yếu kém về năng lực, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ. Cắt giảm những vị trí không cần thiết và yêu cầu đội ngũ nhân sự có năng lực đảm nhận nhiều công việc cùng lúc.
Chính phủ họp triển khai công tác tinh gọn bộ máy.
Đây là yêu cầu cấp bách nhằm nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ công nhằm phục vụ các mục tiêu phát triển và chăm lo đời sống cho nhân dân. Đề xuất bỏ “biên chế suốt đời” là một bước đột phá trong khối cơ quan nhà nước khi một số cán bộ yếu kém coi là “vùng trú ẩn an toàn”, đồng thời thúc đẩy đội ngũ cán bộ, công chức làm việc dựa trên năng lực, phát huy tính chủ động trong công việc. Bên cạnh đó, cắt giảm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách, mà còn xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp để phụng sự nhân dân trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công.
Với mục tiêu, ý nghĩa như vậy, thế mà một số luận điệu lại đưa ra những lời “rao giảng” từ những chủ thể được gắn mác là “giáo sư”, “phó giáo sư”, “chuyên gia”… để vu cáo rằng, việc tinh gọn bộ máy “chỉ là hình thức, không cắt giảm được ai”, là “bình mới rượu cũ” hay “nhằm hạ bệ phe đối lập, củng cố quyền lực”… Trong đó, tổ chức khủng bố Việt Tân còn đưa ra những lập luận cho cái gọi là “luận bàn về tinh giản biên chế”, cho rằng tinh gọn chỉ nhằm “bóp chỗ này, phình chỗ khác”, là cách để cán bộ lên vị trí mới hoặc “hạ cánh an toàn”… Số đối tượng lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí hải ngoại tăng cường tuyên truyền sai lệch nhằm kích động, chia rẽ sự đồng thuận xã hội trong chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Thời gian qua, người dân đã được cán bộ cơ sở và qua hệ thống truyền thông chính thống của Đảng, Nhà nước để đưa thông tin kịp thời về cuộc cách mạng sắp xếp tinh gọn bộ máy nhà nước, về mục tiêu, yêu cầu với những luận cứ khoa học, thực tiễn và qua các dẫn chứng cụ thể. Đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy được các chuyên gia, các cơ quan nhà nước bàn thảo kỹ lưỡng dựa trên điều kiện thực tiễn và có lộ trình thực hiện theo các mốc thời gian cụ thể. Theo Bộ Nội vụ, sau khi sáp nhập, từ 10.035 đơn vị hành chính cấp xã sẽ được tổ chức lại dự kiến còn 3.320 xã (2.595 xã, 713 phường, đặc khu), giảm 66,91%; kết thúc hoạt động của khoảng 120.500 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; điều chuyển 22.350 biên chế từ cấp huyện về công tác tại cấp xã. Sau hợp nhất các tỉnh, sáp nhập các xã, dự kiến cả nước giảm gần 130.000 biên chế cán bộ, công chức, viên chức. Do bỏ đơn vị hành chính cấp huyện nên việc phân định thẩm quyền đang được Đảng, Nhà nước dự kiến khoảng 1/3 nhiệm vụ của huyện sẽ chuyển lên tỉnh, 2/3 chuyển xuống cấp xã - cấp cơ sở. Tiêu chuẩn của chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý cấp xã được áp dụng như tiêu chuẩn của chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý tương ứng của cấp huyện hiện nay; công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ cấp xã được áp dụng tiêu chuẩn trình độ đào tạo theo yêu cầu vị trí việc làm đối với công chức, viên chức từ cấp huyện trở lên. Như vậy, sau khi tinh gọn, sáp nhập, Đảng và Nhà nước chủ trương hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn dân cư với đội ngũ có trình độ chuyên môn có tiêu chuẩn cao chứ không phải “vơ bèo vợt tép”, “cấp xã chỉ để cán bộ trú ẩn sau sáp nhập” như các luận điệu đối tượng xấu rêu rao.
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhà nước được bảo đảm bởi sự đồng thuận xã hội.
Sự đồng thuận và ủng hộ của quần chúng nhân dân là sức mạnh để Đảng và Nhà nước thực hiện nhiệm vụ chính trị, đồng thời là yếu tố quan trọng giúp tạo niềm tin cho người dân và cán bộ, công chức vào cuộc cách mạng do Đảng lãnh đạo nhằm chuẩn bị lực lượng đưa đất nước vào kỷ nguyên mới.
Ngay sau khi công bố về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn cả nước, Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đã ban hành Công văn số 03/CV-BCĐ ngày 15/4/2025 gửi các Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có nội dung yêu cầu phải tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Theo đó, UBND cấp tỉnh tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình trên địa bàn đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sáp nhập và ở những đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp với các hình thức như: phát phiếu lấy ý kiến (theo mẫu phiếu); lấy phiếu qua trang thông tin điện tử, họp đại diện hộ gia đình tại các thôn, tổ dân phố để biểu quyết… Trong báo cáo tổng hợp của Ban Tổ chức Trung ương tại cuộc họp ngày 3/5/2025 cho biết, các địa phương đã hoàn thành việc tổ chức lấy ý kiến người dân về sáp nhập cấp tỉnh và phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã mới sẽ hình thành trên địa bàn quận, huyện, thị xã và dự kiến tên gọi với tỷ lệ đồng thuận trung bình đạt 96%; các HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đã ban hành nghị quyết thông qua các đề án với tỷ lệ đồng thuận đa số đạt 100%.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin công tác triển khai tinh gọn bộ máy đến tháng 5/2025.
Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm. Do đó, đây là chủ đề mà các thế lực thù địch lợi dụng nhằm đưa thông tin sai trái kích động, lôi kéo người dân nhằm chống lại và xa hơn là biểu tình phản đối, gây chia rẽ vùng miền, đặc biệt là tại địa phương thực hiện sáp nhập. Những kẻ phản động lưu vong ở nước ngoài lại rêu rao việc sáp nhập là “vở kịch chính trị”, sau đó tổ chức Việt Tân đưa thông tin sai lệch về việc người dân phản ứng nhưng “bị áp đặt”, “ép phải ký”… Đây là trò mượn danh “dân chủ” nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động chống phá.
Thời gian tới, để bảo đảm các mục tiêu, yêu cầu của cuộc “cách mạng” sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, qua đó thực hiện tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, cần quan tâm giải quyết một số nội dung sau đây:
Một là, cấp ủy, cơ quan chức năng tại các địa phương cần bám sát các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan, văn bản quy phạm pháp luật trong việc sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Đồng thời thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước tại địa bàn cơ sở gần dân hơn và phụng sự nhân dân tốt hơn.
Hai là, tuyên truyền, làm tốt công tác tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân nhằm tạo ra sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp và tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Ba là, các địa phương khi có không gian mới để phát triển kinh tế - xã hội cần sớm ổn định bộ máy tổ chức, tạo đột phá trong các quy hoạch phát triển hạ tầng, đẩy mạnh thu hút đầu tư… nhằm giải quyết các điểm nghẽn kinh tế, hạ tầng trong bối cảnh gia tăng các cuộc chiến tranh thương mại giữa các cường quốc, có sức ảnh hưởng toàn cầu.
Bốn là, cân đối ngân sách và kinh phí để kịp thời thực hiện các chế độ, chính sách trong việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhằm đảm bảo chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong lộ trình cắt giảm.
Năm là, người dân cần tiếp nhận thông tin chính thống từ các cơ quan nhà nước, nhận diện các tin giả, các luận điệu chống phá để ngăn ngừa trong công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước. Bên cạnh đó, một bộ phận đảng viên, viên chức chịu ảnh hưởng từ việc tinh giản sẽ có những tâm tư, trăn trở cần phải có tinh thần gương mẫu, gác lại cái tôi cá nhân, vì lợi ích chung, không để các thế lực xấu lôi kéo mà có phát ngôn, hành động không đúng.
Quỳnh Mai
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/thong-nhat-trong-nhan-thuc-va-hanh-dong-ve-cach-mang-tinh-gon-bo-may-chong-cac-quan-diem-sai-trai-i767828/